Y tế

Nữ bệnh nhân tại Hà Nội co giật, mù mắt sau khi tiêm filler nâng mũi

12/04/2022, 13:30

Mới đây, BV Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận 1 nữ bệnh nhân mất thị lực mắt trái, co giật... sau khi tiêm filler nâng mũi tại spa quen.

Mắt tối sầm, co giật sau tiêm filler 10 phút

Sáng 12/4, PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt tạo hình thẩm mỹ, BV Hữu nghị Việt Đức thông tin về 1 nữ bệnh nhân (47 tuổi, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) cấp cứu tới viện trong tình trạng mất thị lực hoàn toàn mắt trái sau khi tiêm filler nâng mũi.

img

Bệnh nhân mất thị lực sau tiêm filler nâng mũi hiện đang điều trị tại BV Hữu nghị Việt Đức

Theo lời bệnh nhân, khoảng 10h ngày 2/4, bệnh nhân đã tiêm filler nâng mũi tại spa của người quen. Tiêm xong khoảng 10 phút, khi đang nắn chỉnh mũi, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu nóng toàn bộ đầu, hoa mắt, chóng mặt, co giật…, mắt trái tối sầm, không nhìn thấy gì. Nhân viên spa dừng ngay và tiêm thuốc giải cho bệnh nhân, nhưng không cải thiện.

Bệnh nhân được chuyển cấp cứu tới BV huyện, rồi về BV Hà Đông sau đó chuyển khẩn đến BV Hữu nghị Việt Đức sau 3,5 tiếng xảy ra sự việc đáng tiếc.

"Đây là một ca cấp cứu nghiêm trọng, bệnh nhân mất thị lực toàn bộ mắt trái, tím tái toàn bộ vùng mũi và trán, mắt nề sung huyết, đồng tử giãn và có dấu hiệu đau đầu, cơn co giật… rất nặng nề", BS. Hà cho biết.

Cũng theo ông Hà, các dấu hiệu của bệnh nhân gợi ý tình trạng tắc mạch cấp tính cấp máu cho da vùng mũi trán và vùng não…

Theo đó, hướng điều trị đòi hỏi phải xử lý nhanh, chính xác nhằm giải quyết tình trạng tắc mạch ở động mạch mắt và làm không tổn thương thêm về mắt và não.

Cấp cứu khẩn cấp, cứu bệnh nhân

BS. Hà thông tin thêm, hệ lụy của việc tiêm filler không chuẩn xác, ngoài gây mù mắt, còn khiến tắc các mạch máu cấp cho các cơ quanh mắt cũng gây liệt, sụp mi, tím đen dọc vùng trán, mũi, nếu không được can thiệt sẽ gây hoại tử vùng da, các cơ xung quanh mắt…. thậm chí, phải khoét mắt, lắp mắt giả.

img

Việc tiêm filler tại spa khiến bệnh nhân tắc mạch não, tắc động mạch mắt gây mù

Đây là trường hợp cấp cứu khẩn cấp, chạy đua với thời gian để cứu bệnh nhân… phòng ngừa tắc mạch não…

Để cấp cứu cho ca bệnh này đòi hỏi sự góp mặt của 1 đội y tế đông đảo gồm cả bác sĩ chống đột quỵ, thông tắc mạch, chuyên khoa mắt, gây mê hồi sức…

PGS. TS. Hồng Hà cho biết, với những trường hợp như vậy, tất cả các phương pháp trước tiêm thuốc giải dưới da như nhiều nơi thực hiện khó tiếp cận phần tắc mạch, không hiệu quả. Do vậy, tại đây, các bác sĩ đã can thiệp đưa trực tiếp xông từ động mạch đùi lên não, tìm động mạch mắt bị tắc, tiêm trực tiếp vào chỗ tắc. Theo đó, tiêm phối hợp vừa thuốc giải và thuốc tan huyết khối.

Trong lúc huy động đội y tế, bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm, chụp phim CT vùng não để đánh giá tổn thương. Đồng thời, bệnh nhân được thở oxy, dùng thuốc giảm áp suất trong mắt, não; 2 loại kháng sinh liều cao phối hợp phòng nhiễm trùng, thuốc giãn mạch tại chỗ…"

Sau đánh giá chuyên khoa, loại trừ tắc mạch, rối loạn đông máu… bệnh nhân được đưa vào can thiệp mạch.

Đến nay, sau can thiệp bệnh nhân tỉnh táo, giao tiếp được thi thoảng có cơn đau đầu, da vùng trán đã dần hồi phục, tuy nhiên, một phần có dấu hiệu hoại tử; Mắt bớt phù nề, sụp mi chưa cải thiện, không tiến triển hoại tử cơ hậu nhãn cầu… ; Giữ được mắt và thị lực cho chút cải thiện, bệnh nhân bắt đầu cảm nhận có ánh sáng. Tuy nhiên tiên lượng hồi phục còn dè dặt, hiện bệnh nhân đang được chăm sóc, điều trị đặc biệt.

Gia tăng biến chứng vì làm đẹp

Trao đổi với Báo Giao thông, BS. Hà cho biết, thời gian gần đây, tuần nào cũng gặp các ca tai biến do làm thẩm mỹ. Ngoài hệ lụy tiêm filler ở cơ sở không được phép, còn có tai biến về nhiễm trùng sau mổ, chảy máu của phẫu thuật nâng ngực, nâng mông cũng nhiều.

“Những chỗ tiêm trái phép ngày càng có xu hướng lan rộng. Nạn nhân trước đây thường là người trẻ, ở khu công nghiệp, tham rẻ nhưng gần đây lại gặp nạn nhân ở tuổi 45, 50 đã có kinh tế hơn…

Khi hỏi bệnh nhân được biết họ tiêm ở cơ sở spa, tiệm quen biết và hầu hết đều là cơ sở không được cấp phép của Bộ Y tế.

Trong khi việc thực hiện các thủ thuật này phải được cấp phép, người thực hiện phải được đào tạo… Chưa kể, hiện filler được mua bán không đảm bảo chất lượng, thậm chí, cả thuốc giải cũng giả, rất nguy hiểm”, BS. Hà cho biết.

Theo khuyến cáo của BS. Hà, việc tiêm filler cần phải được thực hiện bởi người có kiến thức về giải phẫu, cơ, mạch máu thần kinh trên mặt, tại cơ sở y tế được cấp phép.

Tuy nhiên, hầu hết các ca biến chứng đều thực hiện tại spa không phép, và người làm thiếu kiến thức. Việc này khiến nhiều bệnh nhân tắc mạch não, co giật, liệt chân, liệt tay, hôn mê. Chúng tôi đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp như vậy.

Trên thế giới mỗi năm cả trăm ca, những ca được điều trị thành công nhìn lại được sáng chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn có thể đọc, viết lại được chỉ 4 ca, trong đó ở VN có 2 ca.

“Nếu xảy ra tai biến, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện có đủ chuyên khoa để có thể cấp cứu hồi sức đa chuyên khoa trong thời gian nhanh nhất, để có thể thông tắc mạch, phối hợp thuốc đảm bảo lưu thông máu lên mắt và não nhiều nhất với hi vọng cứu được bệnh nhân”, BS. Hà nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.