Đỗ Thị Ánh Nguyệt là một trong những vận động viên xuất sắc của bắn cung Việt Nam
Cô chỉ mất 2 năm rèn luyện cung tên để tỏa sáng với tấm HCV SEA Games và giành vé dự Olympic Tokyo. Đằng sau kỳ tích ấy là cả một câu chuyện đầy thú vị.
“Mình cứ thử xem sao”
Tính tới thời điểm này, Thể thao Việt Nam mới giành được 5 vé dự Olympic Tokyo 2021 và hai trong số đó tới từ môn bắn cung. Đặc biệt hơn, cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt lại xuất thân từ một vận động viên bóng rổ. Nguyệt chỉ cần 2 năm để tỏa sáng ở một môn mới, khác biệt hoàn toàn về tính chất và vận động.
Bắn cung đã rèn cho tôi được tính kiên trì, trạng thái tĩnh để biết cách đối mặt với nhiều vấn đề, thử thách trong cuộc sống. Tôi luôn cố gắng giữ được sự bình tĩnh trong từng hơi thở để kiên trì tới mũi tên cuối cùng.
Cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt
Nữ cung thủ quê Hưng Yên kể, thời học phổ thông, cô rất mê chơi thể thao và chơi giỏi nhiều môn nên điểm môn Thể dục luôn đứng top trong lớp. Nhưng để nói đến đam mê thì cô mê nhất bóng rổ.
“Cứ tan học là tôi lại cùng mấy bạn ra góc sân trường ném bóng, nhiều hôm tối xẩm mới về nhà”, Nguyệt kể.
Thấy học trò có chút năng khiếu, khi đoàn HLV của Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội về tuyển quân, thày giáo thể dục liền giới thiệu Nguyệt.
Cô gái có vóc dáng dong dỏng, nhanh nhẹn đã thuyết phục được HLV Đào Văn Kiên, Trưởng Bộ môn bóng chuyền - bóng rổ ngay từ những bước chạy, cú ném đầu tiên. Nhưng gia đình không muốn con gái đi xa nên ông Kiên phải nhiều lần tới tận nhà làm công tác tư tưởng. Sau cái gật đầu của bố, từ tháng 7/2016, Nguyệt chia tay gia đình, một mình lên Hà Nội tập luyện thể thao.
Những ngày đầu bước vào môi trường chuyên nghiệp, cô gái xứ nhãn lồng thường xuyên đối mặt với đau nhức cơ bắp, với những buổi rèn thể lực mệt tới mức không muốn thở.
“Nhiều lúc đang tập mà chân tay như muốn rời ra vì vận động quá nhiều. Khi đó trong đầu tôi cũng nảy ra ý định xin nghỉ về nhà tiếp tục học văn hóa. Tuy nhiên, nếu về thì không biết phải nói với bố thế nào nên lại bấm bụng cố gắng”, Nguyệt chia sẻ.
Rồi giai đoạn làm quen cũng qua, Nguyệt dần bắt nhịp với cường độ tập luyện và chứng minh được khả năng ở đội bóng rổ trẻ Hà Nội. Nhưng bước ngoặt sự nghiệp đến đầy bất ngờ khiến chính cô cũng ngỡ ngàng. Các HLV bóng rổ nhận thấy học trò phù hợp hơn, triển vọng hơn nếu theo… bắn cung. Từ đây, cô được giới thiệu sang đội bắn cung.
Nói là vậy nhưng cô gái sinh năm 2001 đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều bởi cô hoàn toàn không hình dung được bắn cung là như thế nào. Một lần nữa cô có ý nghĩ xin về nhà nhưng được các thày, cô động viên nên cô tặc lưỡi “mình cứ thử xem sao”.
Chính cái tặc lưỡi đó đã giúp bắn cung Việt Nam không bỏ lỡ một tài năng thiên bẩm. Ngay bản thân người trong cuộc cũng chẳng thể ngờ mình lại thích nghi nhanh đến thế với môn mới.
“Bóng rổ đòi hỏi sự vận động liên tục còn bắn cung lại yêu cầu tĩnh tuyệt đối, chỉ cần một hơi thở mạnh là hỏng luôn đường cung. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao mình có thể chơi bắn cung, có lẽ là cái duyên”, Nguyệt chia sẻ.
Nhờ sự chỉ bảo của các thày, cô lại được đàn chị dày dạn kinh nghiệm Lộc Thị Đào dìu dắt, nữ cung thủ quê Hưng Yên tiến bộ không ngừng. Chỉ sau khoảng 2 năm theo bắn cung, cô đã giành vé dự Olympic khi đoạt HCĐ giải châu Á 2019.
Tiếp đó, ở lần đầu dự SEA Games, cô cũng xuất sắc có tấm HCV đồng đội nữ cung 1 dây. Nguyệt bảo, mọi thứ giống như một giấc mơ có thật.
HLV Ngô Hải Nam của đội tuyển bắn cung Việt Nam, đồng thời là người dẫn dắt Nguyệt ngay từ thời điểm cô mới tập bộ môn này cho biết, ông không quá bất ngờ về thành công của học trò.
“Nguyệt tới với bắn cung khi đã có nền tảng thể lực tốt, yếu tố rất quan trọng trong thể thao. Thêm nữa, bóng rổ và bắn cung tuy khác xa về tính chất nhưng có điểm chung là cần chân vững, tay khỏe, khéo. Nguyệt đảm bảo được hai yêu cầu này, cộng thêm ý chí mạnh mẽ và khả năng tập trung cao độ nên em có bước thăng tiến rất tốt”, ông Nam nói.
Thích cuộc sống tự lập
Ánh Nguyệt sở hữu gương mặt xinh xắn
Ngoài tài năng, Đỗ Thị Ánh Nguyệt còn gây ấn tượng bằng vẻ ngoài xinh xắn, nước da trắng ngần. Nhiều người hẳn nghĩ cô sinh ra trong một gia đình có điều kiện, ăn sung mặc sướng từ nhỏ.
Nhưng ngược lại, cuộc sống của nhà vô địch SEA Games lại rất chật vật. Mẹ cô mất sớm để lại hai bố con nương tựa vào nhau. Ký ức tuổi thơ của cô là những bữa cơm chỉ có hai người.
“Bố làm nghề tự do, thu nhập thất thường nên mọi thứ đều phải tiết kiệm. Tôi cũng không dám đòi hỏi nhiều mà chỉ biết tự nhủ phải cố gắng để trở thành niềm tự hào của bố và tôi đã làm được”, Nguyệt bộc bạch.
Thông thường, trong gian khó, con người thường bộc lộ những đức tính đặc biệt để thích nghi, tồn tại. Cô gái vàng của bắn cung Việt Nam cũng không ngoại lệ. Mẹ mất sớm nên cô rất có ý thức tự lập từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều này giúp cô không quá bỡ ngỡ khi dấn thân vào con đường thể thao vốn đòi hỏi rất cao ở tính tự lập.
“Nhiều bạn khi mới tập thể thao, nhớ nhà nên khóc nhiều lắm. Tôi cũng nhớ nhà nhưng không khóc mà biến nỗi nhớ thành động lực để luôn hướng về phía trước. Tôi nhớ như in lần tôi bắn mũi tên đầu tiên, cảm giác rất đặc biệt, vừa tiếc nuối lại vừa hào hứng. Nuối tiếc vì chưa thể thực hiện hoàn hảo còn hào hứng vì nhìn thấy mũi tên đã bay về phía trước”, Nguyệt giãi bày.
“Tôi cảm thấy mình giống như mũi tên, khi đã ra khỏi cung thì chỉ lao tới đích chứ không thể dừng lại nên tôi quan niệm cả trong cuộc sống lẫn công việc, phải làm sao để khi đưa ra quyết định thì không hối hận”, nữ vận động viên 20 tuổi tâm sự.
Mạnh mẽ, tự lập từ nhỏ nên cô mong muốn cuộc sống sau này của mình cũng không phải phụ thuộc vào bất kỳ ai, kể cả người bạn đời. “Tôi muốn làm chủ cuộc sống của mình, được tự quyết định mọi việc liên quan tới bản thân. Hy vọng tôi sẽ tìm thấy người bạn đời có thể hiểu và ủng hộ tôi”, cung thủ sinh năm 2001 cười nói.
Từ dạo gắn bó với bắn cung, Nguyệt bảo cô có thêm một người bạn đặc biệt, đó là cây cung nặng hơn chục kg.
“Mỗi ngày hai buổi tập luyện, tôi giương cung bắn vài trăm lần, cây cung vì thế gắn bó với tôi không khác nào một phần cơ thể. Mỗi lần cung bị lỗi hoặc hỏng hóc cần sửa chữa, bản thân tôi cảm thấy khá bồn chồn. Dường như giữa chúng tôi có sự liên kết vô hình nào đó”, Nguyệt nói.
Khi được hỏi về kế hoạch trong năm 2021, cô gái vàng bắn cung Việt Nam chia sẻ: “Thời điểm này vẫn chưa có nhiệm vụ cụ thể nào, đấu trường Olympic thậm chí chưa thể xác định có tổ chức hay không nhưng tôi vẫn nỗ lực tập luyện để sẵn sàng xung trận bất cứ lúc nào”.
Vài nét về Đỗ Thị Ánh Nguyệt
Sinh ngày 16/1/2001 tại Văn Lâm, Hưng Yên.
Năm 2016, gia nhập Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội, tập luyện bóng rổ.
Năm 2017, chuyển sang tập bắn cung.
Thành tích nổi bật: HCĐ châu Á 2019 cung 1 dây kèm vé dự Olympic Tokyo; HCV đồng đội nữ cung 1 dây SEA Games 30.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận