Chất lượng sống

Nụ cười trở lại nơi thảm họa đi qua

22/06/2018, 10:05

Sau gần 2 tiếng đồng hồ vượt hơn 20km đường rừng núi từ thị trấn Mù Cang Chải trong cơn mưa đầu mùa hạ...

61

Niềm vui trong căn nhà mới xây của bà Hoàng Thị Nghiên, người phụ nữ độc thânbị cuốn trôi hết nhà cửa, tài sản 

Sau gần 2 tiếng đồng hồ vượt hơn 20km đường rừng núi từ thị trấn Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải) trong cơn mưa đầu mùa hạ, bản Háng Gàng (xã Lao Chải), nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất sau trận lũ xảy ra ngày 3/8/2017 tại Mù Cang Chải hiện ra với sức sống hồi sinh đến ngỡ ngàng.

Hứng khởi vào vụ mùa 2018

Không còn khung cảnh tiêu điều, xác xơ với đá ngổn ngang, Háng Gàng xanh mướt thửa ruộng bậc thang, trẻ con chạy nhảy nô đùa dưới những nếp nhà mới.

Chỉ về dòng sông đang cuồn cuộn chảy phía xa, anh Giàng A Pháng (bản Háng Gàng) cho biết, cơn lũ rạng sáng 3/8/2017 cuốn đi nhiều tài sản, hơn 1ha ruộng của gia đình. Vụ mùa năm ấy, gia đình chỉ thu được vỏn vẹn 5 bao thóc, không đủ cho 6 người ăn. Là hộ nghèo, lại không có đất sản xuất để khai hoang ruộng mới, anh cùng vợ con ngày ngày ra ruộng cũ nhặt đá, dọn ruộng và vay mượn tiền, đến nay đã khắc phục được gần 70% diện tích đất ruộng để chuẩn bị gieo cấy vụ mùa tới. “Vụ mùa năm nay chưa bằng những năm trước, nhưng sẽ không đói nữa”, anh A Pháng nói.

Ông Sùng A Hù, Trưởng bản Háng Gàng cho biết, bản chịu thiệt hại nặng nề sau cơn lũ, ngoài 6 hộ gia đình bị nước lũ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa và tài sản, còn có trên 24ha hoa màu, 6 con gia súc và nhiều tài sản khác của người dân cũng bị cuốn trôi. Trong đó có trên chục ha ruộng không thể khôi phục lại được, nhiều hệ thống kênh mương thủy lợi bị hư hỏng nặng nề.

“Sau khi lũ qua đi, các cấp, các ngành và cấp ủy chính quyền địa phương đã tập trung giúp dân khắc phục, đến nay đã có nhiều hộ tự động khai hoang được 3ha ruộng mới và khắc phục trên 70% diện tích ruộng bị thiệt hại do lũ để sản xuất vụ mùa năm 2018”, ông Hù nói và cho biết, để giúp người dân sớm đảm bảo cuộc sống trong thời gian tới, hy vọng các cấp, các ngành hỗ trợ kinh phí giúp các hộ khai hoang và phân bón để chăm sóc cho vụ mùa.

62

Sự sống đã trở lại trên vùng tâm lũ

Nương tựa nhau ổn định cuộc sống

Trong ngôi nhà mới vừa hoàn thiện cách đây không lâu, anh Mùa A Lềnh (bản Kháo Giống, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải) cho biết, gia đình anh là 1 trong 5 hộ có nhà và tài sản bị cuốn trôi hoàn toàn tại xã. “Cơn lũ qua, nhà tôi bị trôi trơ móng. May mắn thay, gia đình được chính quyền và các nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ dựng lại ngôi nhà mới khang trang hơn. Chúng tôi đã dọn ruộng, vườn, bắt tay vào vụ mùa mới”, anh Lềnh vui vẻ.

Ông Mùa A Súa, Chủ tịch UBND xã Kim Nọi cho biết, trận lũ lịch sử ngày 3/8/2017 khiến xã Kim Nọi có 6 người chết và mất tích, 5 nhà bị sập, cuốn trôi hoàn toàn, 12 nhà phải di dời khẩn cấp. Vậy nhưng nhờ sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay góp sức của người dân, đến nay, cơ bản đời sống của người dân trong xã đã ổn định.

Rót chén rượu thơm nồng men lá trong ngôi nhà mới ở bản Loọng, phường Pú Trạng (TX Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái), bà Hoàng Thị Nghiên (65 tuổi) cho biết, cách đây 7 tháng, khi cơn lũ dữ tràn về cuốn trôi nhà cửa, người phụ nữ độc thân ấy chỉ kịp chạy thoát thân, trắng tay trong mưa bão, ngày ấy, bà đã nghĩ sẽ không thể gượng dậy. Được hàng xóm động viên cưu mang những ngày đầu sau lũ, sự góp sức của cộng đồng và chính quyền, bà đã dựng được nhà kiên cố trị giá hàng trăm triệu đồng, đồ dùng cũng không thiếu gì.

“Không chỉ là vật chất, lúc khó khăn, tôi mới cảm nhận rõ sự yêu thương đùm bọc ấm áp của mọi người dành cho mình”, lau nhanh giọt nước mắt hạnh phúc, bà Nghiên tâm sự.

Rời TX Nghĩa Lộ, men theo tỉnh lộ 174 tới huyện Trạm Tấu, nơi bị cơn lũ tàn phá nặng nề, cô lập dịp tháng 10/2017, PV Báo Giao thông chứng kiến trên những thửa ruộng từng bị vùi lấp bởi những tảng đá lớn nằm ngổn ngang, giờ sự sống đã đâm chồi, nhiều gia đình bị mất nhà hoặc có nguy cơ sạt lở bởi mưa lũ đã và đang được di dời đến nơi ở mới.

Nhanh tay xới đất trồng rau trước căn nhà mới dựng, anh Lò Văn Vinh (thôn Hát 2) cho biết, trước nhà anh ở trong khe núi, nguy cơ mất an toàn cao nhưng không có điều kiện để di dời. “Hôm đó, lũ về bất ngờ giữa đêm, tôi và vợ chỉ kịp bế con chạy thoát thân. Toàn bộ nhà cửa và tài sản bị dòng lũ nhấn chìm. Sau lũ, được họ hàng cưu mang, được Nhà nước hỗ trợ 25 triệu đồng và các nhà hảo tâm hỗ trợ 130 triệu đồng, gia đình tôi đã dựng được ngôi nhà sàn bê tông chắc chắn”, anh Vinh chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.