Pháp đình

Nữ cựu phó tướng Tập đoàn FLC khai gì trong vụ án Trịnh Văn Quyết?

22/07/2024, 18:27

Bà Kiều Dung khai, tại FLC bị cáo phụ trách mảng xúc tiến đầu tư dự án. Việc đứng tên các công ty chỉ là theo chỉ đạo của ông Quyết, còn thực tế không quản lý, điều hành.

Ký nhiều hợp đồng để che giấu dòng tiền

Cuối giờ chiều 22/7, sau khi đại diện Viện Kiểm sát (VKS) công bố xong hơn 100 trang cáo trạng, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân TP Hà Nội bắt đầu thẩm vấn các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và đơn vị liên quan.

Đầu tiên, chủ tọa dành thời gian xét hỏi một số bị cáo bị VKS truy tố có vai trò đồng phạm với ông Trịnh Văn Quyết về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán. 

Nữ cựu phó tướng Tập đoàn FLC khai gì trong vụ án Trịnh Văn Quyết?- Ảnh 1.

Bị cáo Hương Trần Kiều Dung.

Nhiều người trong số này là người thân, anh em, họ hàng hoặc có quan hệ thông gia với bị cáo Trịnh Văn Quyết. Trả lời HĐXX, họ đều thừa nhận những cáo buộc mà VKS nêu trong cáo trạng.

Bị cáo Hương Trần Kiều Dung (SN 1978) khai bản thân là từng là Phó chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn FLC và Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán BOS. Tại các doanh nghiệp này, bà Dung cho rằng, mình chỉ là người đại diện theo pháp luật và ký các hợp đồng, không biết đến việc chuyển tiền qua lại.

"Tại FLC, bị cáo được phân công phụ trách mảng xúc tiến đầu tư dự án, bị cáo đứng tên các công ty chỉ là theo chỉ đạo của anh Quyết, nhằm hỗ trợ cho các thủ tục đầu tư, còn thực tế không quản lý, điều hành các công ty", bà Dung khai.

Theo bị cáo này, chỉ đến khi làm việc với cơ quan tố tụng, bà ta mới nắm rõ thực tế việc ký các hợp đồng là để che giấu số tiền góp vốn khống vào Công ty FLC Faros.

"Bị cáo là người làm công ăn lương nên khi được anh Quyết trực tiếp chỉ đạo ký các hợp đồng, bị cáo thực hiện. Thực tế, bị cáo ký các hợp đồng là để thực hiện vai trò của người đại diện pháp luật", cựu Phó chủ tịch Thường trực FLC khai.

Không làm theo chỉ đạo thì nghỉ việc

Cũng theo lời bà Dung, trong vụ án này bị cáo "hoàn toàn không được hưởng lợi gì", không nhận được số tiền hưởng lợi 3 tỷ đồng như cáo buộc của cơ quan tố tụng. Ngoài ra, bà Dung khai bản thân cũng không được chia cổ phần của Công ty Faros.

"Là Phó chủ tịch HĐQT vì sao không bao quát công việc của tập đoàn?", trả lời câu hỏi của chủ tọa, bà Dung nói rằng, các công việc đều làm theo chỉ đạo. Bản thân bà không có trình độ chuyên môn hay hiểu biết về thị trường chứng khoán.

"Lúc đó, anh Quyết thuyết phục bị cáo làm, vì thực sự bị cáo mà không làm thì chỉ có cách nghỉ việc tại FLC", bà Dung trình bày.

Về việc bị truy tố 2 tội danh, cựu Phó chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung thừa nhận như vậy là đúng người, đúng tội. Song, nữ bị cáo nói rằng "cáo trạng truy tố bị cáo giúp sức tích cực là quá nặng nề".

Ngày mai (23/7), Hội đồng xét xử sẽ xét hỏi bị cáo Trịnh Văn Quyết và những người còn lại.

Nữ cựu phó tướng Tập đoàn FLC khai gì trong vụ án Trịnh Văn Quyết?- Ảnh 3.

50 bị cáo tại phiên tòa ngày 22/7.

Theo cáo trạng, giai đoạn 2017-2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế cùng nhiều nhân viên FLC mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty. Sau đó, họ mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.

Hành vi thao túng các mã cổ phiếu tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm FLC. Qua đó, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây thiệt hại 723 tỷ đồng cho các nhà đầu tư. Riêng ngày 10/1/2022, ông Quyết dù không công bố thông tin theo quy định nhưng đặt bán hơn 76,7 triệu cổ phiếu FLC và khớp lệnh 74,8 triệu. Từ đó, bị can thu về gần 1.700 tỷ đồng.

Ở tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan tố tụng xác định ông Quyết nâng khống vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, nhằm thu tiền của các nhà đầu tư.

Công ty Faros được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Đến giai đoạn 2014-2016, Trịnh Văn Quyết làm thủ tục tăng khống vốn điều lệ cho doanh nghiệp này, từ con số ban đầu lên tận 4.300 tỷ đồng, tương đương 430 triệu cổ phần.

Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.