Tâm sự

Nữ lái xe Trường Sơn trọn đời một mối tình đầu

02/05/2017, 21:37

Người yêu hy sinh trong chiến trường, bà Loan nguyện suốt đời ở vậy chung thủy với mối tình chỉ qua những cánh thư.

91

Bà Trần Thị Loan và bức ảnh chụp cùng đồng đội

“Bé hạt tiêu” trốn nhà đi TNXP

Một chiều mưa tháng 3, trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Phí Xá (xã Lệ Xá, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên), bà Loan vội dựng chiếc xe đạp vào góc sân, nhanh nhẹn cởi áo mưa rồi bước vào nhà cho biết, bà vừa đi thăm một nữ đồng đội ở huyện bên bị ốm.

Nhìn người phụ nữ nhỏ nhắn ấy, ít ai nghĩ bà đã từng là một nữ đại úy lái xe ngang dọc nơi chiến trường bom rơi đạn nổ. Nở nụ cười nhân hậu, bà kể, bà sinh ra trong gia đình có tới 8 chị em. Năm 16 tuổi, bà muốn tham gia nhập ngũ nhưng vì là con gái, lại thấp bé nên bị bố mẹ ngăn cấm.

“Ngày ngày, thấy chúng bạn vui vẻ kéo nhau lên UBND xã dự tuyển làm TNXP, lòng tôi như lửa đốt. Trưa ấy trời mưa, ngóng thấy có đoàn về tuyển quân, tôi trốn mẹ lẻn lên xã xin gia nhập đoàn TNXP. Thấy dáng mẹ lên tìm, tôi liền trốn vào nhà kho bỏ hoang ở khuôn viên xã”, bà Loan kể.

Ngồi trong kho, bà nghe rõ từng lời mẹ nói với cán bộ tuyển quân xin cho bà ở lại vì còn quá nhỏ, đợi lớn lên chút nữa sẽ bằng lòng cho bà nhập ngũ. Sau đó, mẹ bà vừa khóc, vừa chạy quanh xã để tìm bà.

“Nhìn qua khe cửa, thấy mẹ khóc, tôi cũng thương lắm nhưng tôi vẫn nung nấu ước mơ được góp sức mình vào công cuộc giải phóng đất nước nên vẫn núp kỹ trong nhà kho bỏ hoang, nên mẹ không tìm thấy tôi đành bỏ về”, bà Loan xúc động nhớ lại.

Ba năm đầu tham gia TNXP, bà Loan cùng đồng đội được giao nhiệm vụ làm sân bay ở Yên Bái. Ngày đêm phá núi, đào hầm, mở đường, bà say sưa làm việc vừa để quên đi nỗi nhớ nhà, vừa “chỉ sợ cán bộ thấy mình nhỏ tuổi, nhỏ con không làm được việc sẽ đuổi về, không cho tiếp tục tham gia chiến đấu nữa”, bà Loan tâm sự.

Gia nhập đội nữ lái xe Trường Sơn

Năm 1968, bà Loan được tuyển chọn đi học lái xe và được tham gia lớp đào tạo nữ lái xe đầu tiên của quân đội Việt Nam. Sau gần hai tháng học lái, bà nhận nhiệm vụ tại C2, Binh trạm 12 thuộc Đoàn 559 (Binh đoàn Trường Sơn). Bà kể, tuyến đường Trường Sơn ngày ấy bom rơi đạn nổ, nhiều chuyến đi chỉ có một mình, bà phải tự sửa chữa máy móc những khi hỏng hóc trong khi trên đầu, máy bay địch liên tục quần thảo.

“Công việc của tôi là vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược vào ban đêm, xe bắt đầu lăn bánh lúc 17h và phải trở lại điểm tập kết lúc 5h sáng, tránh trường hợp muộn quá sẽ bị địch phát hiện. Đường Trường Sơn ngày ấy là một con đường mòn nhỏ đủ cho một xe chạy, lầy lội, khúc khuỷu và dày đặc hố bom mìn. Vài tháng sau, khi đã thành thạo, quen đường, bà được giao nhiệm vụ chở bộ đội vào chiến đấu, chở thương binh, tử sĩ ra và chở cán bộ của ta đi làm việc. Những chuyến xe này càng cần sự cẩn trọng, khéo léo hơn bởi trên xe là tính mạng và sức khỏe của cán bộ, chiến sỹ. Hồi ấy, tôi cũng biết lái đủ các loại xe từ Gát 51, Gát 63, cho đến Jin 157”, bà Loan mau mắn kể.

Trước yêu cầu của chiến trường sau Mậu Thân 1968, Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định thành lập trung đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh. Đội nữ lái xe có nhiệm vụ chở lương thực, thuốc men, súng đạn từ Vinh (Nghệ An) theo các tuyến đường 12, 15, 18, 20, 22 vào đến bờ bắc sông Gianh (Quảng Bình). Giao hàng xong, họ lại chở thương binh, cán bộ từ miền Nam ra Bắc an dưỡng, học tập. Có lúc nhận nhiệm vụ đặc biệt, đội lái xe phải đi sâu vào chiến trường, sang đất bạn Lào.

Cuối năm 1993, bà Trần Thị Loan về nghỉ hưu, mang quân hàm Đại úy. Với những chiến công, những đóng góp, hi sinh cho đất nước, bà được Nhà nước tặng Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Ba và nhiều bằng khen, giấy khen của các ngành, các cấp.

Mân mê bức ảnh chụp cùng đồng đội trên tay, bà Loan xúc động cho biết, với trung đội nữ lái xe, điều đáng sợ nhất là khi lái xe qua ngầm vào mùa mưa. Lúc đó, nước từ trên thác tràn xuống ngầm cuồn cuộn, bọt hung dữ bắn trắng xóa. Nếu tay lái không chắc, không tập trung cao độ, không khéo xử lý nhanh tình huống thì xe rất dễ bị nước cuốn trôi. Không ít lần, đi tới giữa ngầm thì xe bị chết máy, bà phải bắn súng cứu trợ để xe chuyên dụng đến thả dây tời và kéo xe vào bờ.

“Tôi nhớ như in chuyến xe chở hàng do tôi và một đồng đội nữ lái phụ khi đi qua ngầm Khe Tang (Quảng Bình), xe đang tăng tốc vượt ngầm thì lũ bất ngờ tràn về, xe bị ngắt máy nằm giữa ngầm. Nếu không nhanh chóng đưa xe lên thì cả xe và hàng đều bị lũ cuốn trôi. Nghĩ đến lời thày giáo từng dặn, tôi vội chuyển tay lái cho đồng đội rồi nhanh chân lội nước lũ, bò xuống gầm xe tháo cánh quạt để tránh quạt nước làm chết máy. Sau đó, kêu đồng đội rồ ga cho xe chạy đua với dòng nước xiết. Nhờ thế, chuyến xe thoát khỏi lưỡi hái “thủy thần” chỉ trong gang tấc”, bà kể lại.

“Với nam giới, lái xe trên tuyến đường Trường Sơn đã khó khăn, vất vả thì với nữ giới, khó khăn càng nhân lên bội lần. Dù xe đã được ngụy trang bằng những cành cây rừng, nhưng vì địch trang bị nhiều loại vũ khí, thiết bị truy tìm hiện đại nên rất nhiều xe, hàng và những chiến sỹ lái xe của ta đã phải hi sinh. Không ít lần, trên tuyến đường chở hàng, tôi bắt gặp những chiếc xe cháy trụi sau khi dính bom địch, những đồng đội ngã xuống. Có cả những câu chuyện khi đi còn gặp nhau cười nói nhưng khi về người đã nằm sâu dưới lòng đất mẹ”, bà trầm ngâm.

Suốt ba năm lái xe trên tuyến lửa ác liệt, trải qua rất nhiều khó khăn thử thách, nhưng nữ lái xe nhỏ nhắn ấy chưa một lần chùn tay lái, tất cả các chuyến xe bà lái đều đến điểm chuyển giao thành công, kịp thời chi viện cho chiến trường.

Chuyện tình dang dở nơi bom rơi, đạn lạc

Tình yêu đầu đời của người con gái nơi chiến trường bom rơi, đạn nổ đẹp như chuyện cổ tích lại trở thành dang dở cũng bởi sự khốc liệt của chiến tranh. Bà tâm sự: “Anh tên Thành (quê ở Vĩnh Phúc), tôi gặp anh khi cả hai cùng học lái xe ở Thanh Hóa. Sau anh trở thành lái xe của mặt trận phía Nam nên thường xuyên phải đi những chuyến dài ngày. Từ ấy, cả hai không gặp, chỉ gửi nhớ mong qua những lá thư. Cùng lái xe nhưng chưa lần nào tôi và anh được gặp nhau trên những cung đường Trường Sơn. Những bức thư anh ấy viết cho tôi, đến bây giờ tôi vẫn cất giữ trong hòm gỗ”.

Không chỉ nhận được thư từ anh, bà còn nhận được cả những dòng tâm sự của em gái, của gia đình anh. Em gái anh gọi bà là chị dâu và cho biết: “Anh Thành đã kể cho em và gia đình nghe rất nhiều về chị, mọi người đều mong dịp nào đó chị cùng anh về thăm quê”. Lần cuối bà nhận thư người yêu là trước khi ông đi công tác ở mặt trận phía Nam, ông hứa lần nghỉ phép sắp tới sẽ dẫn bà về ra mắt gia đình và nói chuyện đôi lứa với tập thể.

“Rồi, anh ấy đi mãi không trở về. Nhận tin anh, tôi đau đớn đến cào xé tim gan, nhưng càng đau khổ bao nhiêu, tôi càng căm thù quân giặc bấy nhiêu mà lao vào cuộc chiến bất chấp mưa bom, bất chấp những vết thương chưa lành”, đưa tay lau nhanh những giọt nước mắt, bà Loan kể. Vì tình yêu với người đồng đội, dù có nhiều lời ướm hỏi, cầu hôn, bà vẫn lựa chọn cuộc sống đơn thân cho đến cuối đời.

Ngày đất nước thống nhất, bà được mời về làm giáo viên tại Trường lái 255 (Sơn Tây) rồi chuyển sang công tác tại Cục Quản lý xe tới tận lúc nghỉ hưu. Đã gần 70 tuổi, hiện nay bà sống lặng lẽ tại quê nhà cùng với gia đình người em gái trong một ngõ nhỏ...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.