Showbiz

Nữ nhà thơ tố bị Phó Tổng biên tập cưỡng dâm 23 năm trước: Luật sư nói gì?

07/04/2022, 21:29

Vụ việc của nhà thơ Dạ Thảo Phương xảy ra (nếu có) đã 23 năm, có còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự?

Tối ngày 6/4, mạng xã hội lan truyền bức thư ngỏ từ trang Facebook nhà thơ Dạ Thảo Phương (tên thật là Thanh Thúy). Trong đó, chị này tố cáo ông L.N.A, phó tổng biên tập của một tờ báo đã cưỡng hiếp và vu khống chị này từ 23 năm trước.

img

Cưỡng dâm là hành vi được xếp vào tội nghiêm trọng, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự 15 năm

Theo nhà thơ này, chị đã bị cưỡng dâm nhiều lần từ tháng 7/1999 - 4/2000, thậm chí dẫn đến việc chị mang thai. Lúc ấy, chị đã tố cáo sự việc đến lãnh đạo tờ báo nhưng kết luận của cơ quan chỉ là sự “xô xát” giữa hai bên. Nội dung thư ngỏ cũng trình bày, chị đã phải chịu tủi nhục và bị ám ảnh tâm lý, thậm chí nhiều lần muốn tự tử.

Hiện tại, nội dung tố cáo vẫn chưa được cơ quan chức năng kết luận. Tuy nhiên, giả định sự việc là sự thật thì theo luật sư Trần Anh Dũng (Đoàn luật sư Hà Nội), nhà thơ này khó có thể đi theo hướng xử lý về pháp lý.

Theo điều 27 Bộ luật Hình sự 2015, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tối đa là 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiệm trọng.

"Trong khi đó, hành vi cưỡng dâm được xếp vào tội nghiêm trọng, nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ 15 năm. Do đó, sự việc xảy ra (nếu có) từ 23 năm trước thì hiện tại, dù có nhân chứng, sự việc cũng đã quá thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, việc tố giác tội phạm vẫn có thể được, để đòi lại công bằng hoặc cảnh tỉnh người khác", luật sư Dũng chia sẻ.

img

Bản tường trình sự việc vào 22 năm trước

Cũng theo luật sư Trần Anh Dũng, trong xã hội, những người là nạn nhân của hành vi cưỡng dâm có lẽ rất nhiều. Khi bị cưỡng dâm, có người quên được, cũng có người bị ám ảnh cả đời, tổn thương tâm lý. Thế nhưng, không phải ai cũng lên tiếng. Bởi, điều này còn liên quan tới danh dự, thể diện của mỗi người.

"Việc các nạn nhân dám lên tiếng là điều đáng khích lệ. Mọi người hãy cân nhắc xem việc đòi lại công bằng cho bản thân quan trọng hơn, hay thể diện của mình quan trọng hơn", luật sư chia sẻ.

Trước đó, trong bức thư ngỏ của mình, nhà thơ Dạ Thảo Phương cho biết khi sự việc xảy ra, chị là một cô gái trẻ mới ngoài 20 tuổi, chưa chồng, vừa tốt nghiệp đại học. Khi đó, chị chỉ có kiến thức sách vở và niềm đam mê sáng tác, nhưng không nhiều kinh nghiệm sống và bản lĩnh xã hội.

Sinh ra trong một gia đình miền Bắc truyền thống, nên chị sợ đàm tiếu xung quanh. “Khi bị tấn công, điều tôi lo nghĩ nhất không phải là bản thân, mà là gia đình mình. Tôi đã sợ nếu mình bị đàm tiếu liên quan đến người khác giới, bố mẹ tôi sẽ chết vì nhục nhã.

Trước những hành động đốn mạt của L.N.A, cô gái trẻ non nớt là tôi khi đó chỉ biết chống cự kịch liệt đến sức cùng lực kiệt nhưng không dám kêu cứu, không dám tố cáo thủ phạm, thậm chí còn lo sợ lộ ra mình đã bị cưỡng hiếp”, chị chia sẻ.

Đồng thời, Dạ Thảo Phương khẳng định, chị sẵn sàng đối chất với ông L.N.A trước sự chứng kiến của lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, lãnh đạo tờ báo, với chồng của chị và các luật sư.

“Nếu không dám đối chất công khai với tôi trước sự chứng kiến của những bên này, mọi bịa đặt được đưa ra từ phía L.N.A đều vô giá trị và là vu khống. Nếu cho là tôi nói sai sự thật, L.N.A hãy kiện tôi ra toà”, nữ nhà thơ cho hay.

Chia sẻ trên Infonet, ông L.N.A, người bị tố cáo cho biết "tôi không có ý kiến gì, vì cũng chưa biết việc này sẽ đi đến đâu và làm như thế nào". Trong khi đó, phía Hội Nhà văn Việt Nam cũng thông tin sẽ có phản hồi sau.

Tổng biên tập báo Văn Nghệ, nhà văn Khuất Quang Thụy cũng trả lời Báo Giao thông: "Hiện tại, chúng tôi chưa có ý kiến gì".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.