Global News đưa tin, bà Maria Ressa - Giám đốc điều hành, Tổng biên tập trang Rappler Inc, nữ nhà báo từng được vinh danh vì các bài viết phê phán Tổng thống Philippines Duterte, đã bị buộc tội phỉ báng một doanh nhân và lĩnh án tù vào sáng nay 15/6.
Nữ nhà báo, chủ trang Rappler Inc
Tòa án Manila đã buộc tội nữ nhà báo Maria Ressa cùng trang tin tức trực tuyến của cô Rappler Inc và một cựu phóng viên khác có tên Reynaldo Santos Jr, phạm tội phỉ báng một doanh nhân giàu có.
Bài viết đăng trên trang tin Rappler vào ngày 29/5/2012 đã trích dẫn một tin tình báo không xác định liên kết vị doanh nhân này với một vụ giết người, buôn bán người, ma túy và buôn lậu. Các luật sư của trang web trên vẫn phủ nhận bất kỳ ác ý nào trong bài viết của mình, như cáo buộc của tòa án.
Bà Ressa nói trong buổi họp báo sau khi có phán quyết chống lại mình rằng: “Quyết định này đối với tôi là quá tàn khốc bởi vì nó thể hiện rằng báo Rappler đã sai”. Giọng nói nữ nhà báo như “vỡ vụn”, bà đồng thời kêu gọi các nhà báo và người dân Philippines tiếp tục đấu tranh cho chính quyền lợi của họ trong thời gian tới.
Ressa đã bị kết án lên đến 6 năm nhưng chưa bị bắt giam ngay lập tức. Bà hiện được bảo lãnh trong thời gian luật sư của mình tiến hành thủ tục kháng cáo.
Ông Phil Robertson, thành viên của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói: “Bản án chống lại Maria Ressa cho thấy khả năng lạm quyền của nhà lãnh đạo Philippines Duterte trong việc thao túng luật pháp.
Tiếng nói của các phương tiện truyền thông cần được tôn trọng… Đây là một cuộc tấn công trực diện vào tự do báo chí mà điều này rất quan trọng trong việc bảo vệ và giữ gìn nền dân chủ Philippines”.
Trong khi đó, Tổng thống Rodrigo Duterte và các quan chức Philippines cho biết, các khiếu nại hình sự đối với Ressa và Rappler không phải là vấn đề tự do báo chí, mà là một phần của các thủ tục tư pháp thông thường, phát sinh từ các hành vi vi phạm pháp luật của hai nhà báo.
Doanh nhân Wilfredo Keng đã bác bỏ các cáo buộc trong bài viết được các nhà báo (bị buộc tội) đăng tải năm 2012. Wilfredo Keng cho rằng các thông tin liên quan đến mình là vô căn cứ và sai lệch.
Wilfredo Keng cũng cho rằng Rappler từ chối gỡ bài viết khi nhận được yêu cầu. Ông Wilfredo Keng đã cung cấp các bằng chứng là chứng nhận của chính phủ trước tòa để chứng minh ông không có tiền án tiền sự và đã yêu cầu báo Rappler trả ông 50 triệu peso (1 triệu USD) tiền bồi thường. Số tiền này sẽ được Wilfredo Keng dùng để quyên góp từ thiện nếu thắng kiện.
Các luật sư của Rappler cho biết bài viết của các nhà báo dựa trên một nguồn tin tình báo. Ngoài ra, đã hết thời hạn một năm theo luật hình sự của Philippines để doanh nhân Wilfredo Keng có thể nộp đơn khiếu nại. Keng đệ đơn kiện năm 2017, tức đã 5 năm sau khi câu chuyện được công bố trên phiên bản báo điện tử của Rappler.
Một đạo luật liên quan đến tội phạm an ninh mạng, mà Rappler bị cáo buộc đã vi phạm, cũng được ban hành vào tháng 9/2012, tức 4 tháng sau khi bài báo chống lại Wilfredo Keng do nhà báo Santos viết, được xuất bản. Các luật sư của Rappler cho biết luật hình sự của Philippines không thể được áp dụng trong trường hợp này.
Rappler thừa nhận rằng họ đã cập nhật nội dung bài viết vào tháng 2 năm 2014 nhưng động thái này chỉ để sửa một từ sai chính tả ngoài ra họ không thực hiện bất kỳ thay đổi nào khác.
Báo chí Philippines sẽ phải dè chừng?
Bộ Tư pháp Philippines đã đưa các cáo buộc phỉ báng ra tòa, cho rằng bằng cách cập nhật bài viết, Rappler đã tái bản một cách hiệu quả câu chuyện vào năm 2014, đây là một lập luận bị bác bỏ bởi luật sư của trang tin này.
Bộ Tư pháp Philippines đã trích dẫn một luật khác cho rằng một khiếu nại có thể được đệ trình theo luật tội phạm mạng năm 2012 trong tối đa 12 năm, phản bác lại lập luận của Rappler, rằng khiếu nại của Keng, không hợp lệ do nằm ngoài thời hạn có thể kháng nghị một năm.
Nếu tòa án Manila giữ nguyên lập trường của Bộ Tư pháp Philippines, từ nay, các nhà báo và cơ quan truyền thông ở nước này có thể bị kiện vì các bài viết "có vấn đề" trong thời gian kéo dài tới 12 năm sau khi họ ấn nút xuất bản.
Là giám đốc điều hành của Rappler, nữ nhà báo Ressa phải đối mặt với bảy khiếu nại hình sự khác liên quan đến các vấn đề pháp lý gây ra cho cơ quan truyền thông mình làm chủ, bao gồm một cáo buộc rằng bà đã vi phạm lệnh cấm nhận tiền đầu tư từ nước ngoài đối với các cơ quan truyền thông.
Bà Ressa từng làm việc cho hãng tin CNN và là một trong người được vinh danh trên tạp chí Times năm 2018 chp loạt bài viết trong đó cáo buộc chính quyền của Tổng thống Duterte lạm dụng quyền lực và sử dụng luật pháp để gây khó dễ cho những người chống lại ông.
Nhiều cơ quan báo chí ở Philippines đã chỉ trích các chính sách của Tổng thống Duterte, bao gồm cả chiến dịch chống ma túy khét tiếng, đã khiến hàng ngàn nghi phạm ma túy bị bắn chết.
Tổng thống Philippines Duterte đã có lần công khai xỉ vả các nhà báo và các trang tin tức thường xuyên phê phán ông. Ông Duterte đã công khai đả kích chủ sở hữu của tờ Daily Inquirer, một tờ nhật báo hàng đầu ở Philippines.
Tổng thống Duterte từng có lần tuyên bố rằng sẽ ngăn chặn việc gia hạn nhượng quyền thương mại của mạng truyền hình hàng đầu Philippines ABS-CBN tại Quốc hội.
Kênh ABS-CBN đã bị đóng cửa bởi cơ quan quản lý viễn thông Philippnies hồi tháng trước sau khi thời gian nhượng quyền 25 năm hết hạn.
Quốc hội Philippnies đã nhận được yêu cầu của mạng lưới truyền hình Philippnies về việc gia hạn nhượng quyền thương mại để họ có thể hoạt động trở lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận