Sáng 13/10, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra lễ ra mắt cuốn sách sách "Competing with Giants" (tạm dịch: "Vượt lên người khổng lồ") của nữ doanh nhân châu Á Trần Uyên Phương, Phó TGĐ Tập đoàn Tân Hiệp Phát cùng hai tác giả khác với sự góp mặt của đông đảo khách mời. Đây là cuốn sách đầu tiên của một nữ doanh nhân Việt Nam được ForbesBooks lựa chọn xuất bản và chính thức tổ chức lễ ra mắt tại trụ sở Forbes - tại New York (Mỹ).
Tạp chí Harvard Business Review đã đề nghị Uyên Phương viết nghiên cứu về câu chuyện diễn ra vào năm 2012, một doanh nghiệp đưa ra con số 2,5 tỷ USD đề nghị đổi lấy cổ phần kiểm soát trong tập đoàn, nhưng Dr Thanh từ chối đề nghị này... Không dừng lại ở một nghiên cứu, Uyên Phương quyết định viết một cuốn sách. Theo đó, cuốn sách là kết quả nghiên cứu 4 năm của Uyên Phương cùng với sự tham gia của 2 đồng tác giả là nhà báo Jackie Horne (người Anh) và chuyên gia John Kador (người Mỹ).
Nội dung cuốn sách là câu chuyện thực tế về hành trình của công ty gia đình Tân Hiệp Phát đã cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia như thế nào. Cuốn sách vừa là nghiên cứu kinh tế về môi trường kinh doanh tại Việt Nam từ khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường, về phương thức quản trị doanh nghiệp thời hội nhập toàn cầu, về kinh nghiệm cạnh tranh giữa doanh nghiệp bản địa với các công ty đa quốc gia vừa truyền tải phương châm hành động “Không gì là không thể”, dám ước mơ lớn và hành động mỗi ngày để đạt ước mơ đó.
Cuốn sách ra mắt tại Hà Nội sau hơn một tháng được giới thiệu tại trụ sở của ForbesBook (NewYork, Mỹ). Tại sự kiện, ông Justin Batt, đại diện của ForbesBooks cho biết: "ForbesBooks lựa chọn cuốn sách này để xuất bản bởi cuốn sách không chỉ nói về câu chuyện kinh doanh thông thường, mà còn là câu chuyện về lịch sử, văn hoá Việt Nam sau chiến tranh. Sức ảnh hưởng của cuốn sách không chỉ ở số lượng sách bán ra mà còn là sức ảnh hưởng, truyền cảm hứng với nhiều người trên thế giới, trong đó có những người nữ doanh nhân".
Trở thành nữ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam có sách được nhà xuất bản ForbesBook (Mỹ) xuất bản, bà Trần Uyên Phương thừa nhận, đến hiện tại, bà không nghĩ mình lại liều đến vậy. Uyên Phương cho biết, ý tưởng ra đời cuốn sách xuất phát từ một khoá học dành cho những quản lý cấp cao diễn ra ở Đại học Havard cách đây khoảng 8 năm. "Rất nhiều giảng viên, sinh viên tại khoá học này đều bất ngờ về câu chuyện một doanh nghiệp gia đình như Tân Hiệp Phát có thể vượt lên các doanh nghiệp đa quốc gia. Động lực của tôi khi viết cuốn sách là sự chia sẻ, học hỏi thêm ở các đơn vị khác. Đồng thời có thể nhận được những người chia sẻ với những người khác như cách chúng tôi đã mở lòng chia sẻ với các bạn", bà Trần Uyên Phương nói.
Tình yêu làm nên tất cả
Trước câu hỏi điều gì khiến một người phụ nữ nhỏ bé như Trần Uyên Phương lại dám thực hiện một cuốn sách như "Competing with Giants", tác giả Uyên Phương khẳng định đó là do hai chữ “tình yêu”. Đó chính là tình yêu lớn đến từ gia đình họ Trần và gia đình Number 1. Tác giả chia sẻ, điều lớn nhất mà cuốn sách mang lại là giá trị tinh thần, cũng chính là giá trị cốt lõi của Tân Hiệp Phát - tinh thần “Không gì không thể”. Là một doanh nghiệp gia đình bắt đầu từ con số 0, phải đối mặt với nhiều "người khổng lồ" - những người chiếm đa số thị phần trong thị trường kinh doanh. Vưới sứ mệnh là phục vụ người tiêu dùng, Tân Hiệp Phát mong muốn “Hôm nay phải tốt hơn hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”.
Hầu hết các diễn giả đều cho rằng phụ nữ châu Á đang ngày càng khẳng định mình trong vai trò lãnh đạo Tuy nhiên, bà Lê Thị Quỳnh Trang, Chủ tịch HĐQT công ty BeU Models và giám đốc công ty cổ phần Truyền thông Đa phương tiện (Multimedia JSC) lại cho rằng động lực để một người phụ nữ viết được một cuốn sách có sức ảnh hưởng lớn này không chỉ dừng lại ở hai chữ tình yêu. "Tôi đồng ý với việc cuốn sách của Uyên Phương xuất phát từ tình yêu dành cho cha mẹ. Nhưng ai lại không yêu cha mẹ mình. Để viết một cuốn sách kể về hành trình từ thuở sơ khai của một tập đoàn lớn, đó còn là khát vọng, khát vọng vươn ra biển lớn của người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá. Một mình tôi vẫn luôn bôn ba khắp nơi với công việc của mình, nhiều khi tôi thấy cô độc và chán nản. Nhưng, nhờ cuốn sách của chị Uyên Phương đã giúp tôi có động lực và mạnh mẽ hơn nhiều. Tôi tin rất nhiều người phụ nữ khác cũng cảm thấy như vậy".
PGS Tô Trung Thành, giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân - người hiệu đính bản tiếng Việt của cuốn sách cho biết. Trong quá trình giảng dạy tại trường, những câu chuyện kinh doanh, chiến lược truyền thông của Tân Hiệp Phát vẫn là những ví dụ thiết thực, hữu ích đối với các sinh viên. Trước đó, ông kỳ vọng rằng sẽ được nhìn lại các vấn đề của Tân Hiệp Phát từ góc nhìn của một người trong cuộc hoặc có thể là những lý giải của tác giả cho những sóng gió của Tân Hiệp Phát.
Tuy nhiên, sau khi đọc và thực hiện hiệu đính cuốn sách, ông lại nhận ra một điều hoàn toàn mới. Đó là "thay vì giải thích, khát khao lớn nhất của tác giả là chia sẻ. Chính khát khao đấy đã truyền cảm hứng nhiều đến độc giả. Điều tôi cảm nhận rõ ràng nữa, đó là tư duy giá trị cốt lõi "Không gì là không thể", kết hợp kiến thức bản địa và chiến lược kinh doanh toàn cầu. Cuốn sách thực sự sẽ có tính lan toả lớn với cộng đồng doanh nhân và truyền cảm hứng tới nhiều doanh nghiệp trẻ. Chắc chắn cuốn sách sẽ nằm trong tài liệu tham khảo trong chương trình giảng dạy của tôi", PGS Tô Trung Thành nói.
Nói về cuốn sách đặc biệt này, Nhà xuất bản ForbesBooks đã viết trong lời đề tựa: "Thông điệp của tác giả Trần Uyên Phương là một thông điệp mạnh mẽ. Phương Đông và phương Tây có thể học hỏi lẫn nhau. Các doanh nghiệp hữu gia đình đang phát triển mạnh. Phụ nữ châu Á đang tạo nên dấu ấn của họ. Điều quan trọng hơn cả là khi các công ty nhỏ kết hợp kiến thức bản địa của họ cùng với những ý tưởng kinh doanh quốc tế, họ có thể nắm chắc cơ nghiệp và thậm chí còn vượt trội hơn các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận