Xuất thân trong một gia đình trí thức Hà thành, tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo từng có mong ước là tốt nghiệp đại học và trở thành giáo viên như mẹ. Nhưng thời gian du học đã giúp chị mở mang tầm nhìn, khai phá những bước đường đầu tiên trên hành trình trở thành một doanh nhân lớn, với khát vọng góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường.
Gần 20 năm học tập và làm việc ở nước ngoài, người phụ nữ gốc Hà Nội đã học qua 3 trường đại học về kinh tế, tài chính ngân hàng, một bằng tiến sĩ kinh tế - tự động hoá, cùng kinh nghiệm kinh doanh khi tự mình kiếm được 1 triệu USD đầu tiên ở tuổi 21…
Dù vậy, chị luôn trân quý các giá trị truyền thống, đóng góp cho sự phát triển hạnh phúc của trẻ em và bình đẳng giới.
Một trong những vấn đề liên quan tới bình đẳng giới mà chị Thảo quan tâm là việc làm của nữ giới trong ngành công nghệ thông tin. Theo nữ tỉ phú, không có giới hạn trong việc phụ nữ tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Nhưng thực tế, luôn có sự chênh lệch về tỉ lệ nữ giới trong thị trường lao động công nghệ thông tin ở Việt Nam nhiều hơn đáng kể so với các ngành truyền thống.
Có cơ hội được đào tạo qua nhiều ngành nghề từ ngân hàng, kinh tế, tự động hóa và cả nghệ thuật, chị Thảo hiểu, việc dành cơ hội cho nữ giới trong các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kĩ thuật, toán học) sẽ thúc đẩy thay đổi tư duy, nhận thức trong định hướng nghề nghiệp của người trẻ, thay đổi định kiến của xã hội về giới.
Nhờ khoa học và công nghệ, nữ tỉ phú và nhiều nữ doanh nhân khác có cơ hội hiện thực hóa ước mơ trong nền kinh tế số, trong mục tiêu phát triển bền vững của từng doanh nghiệp và mỗi cá nhân.
Do đó ở các doanh nghiệp của chị, nữ giới đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, gồm chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc và lãnh đạo nhiều phòng ban.
Các doanh nghiệp của nữ doanh nhân cũng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực STEAM, mang lại môi trường làm việc và những điều kiện tốt nhất cho cán bộ nhân viên, nhất là với phụ nữ. Họ là những người ngoài công việc còn cần cố gắng gấp nhiều lần để cân bằng cuộc sống cá nhân, trách nhiệm với gia đình, vượt qua định kiến xã hội.
Tiến sĩ Phương Thảo cho rằng, không chỉ tại doanh nghiệp, việc đưa STEAM vào các cấp học cũng sẽ kích thích các em có năng khiếu trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, toán học sớm định hình tư duy nghề nghiệp.
Đồng thời, sự tham gia của phụ nữ trong các ngành khoa học sẽ thay đổi khi bé gái được tiếp cận, lựa chọn môn học, ngành học theo đúng năng lực của mình.
Nữ doanh nhân khẳng định bản thân sẽ không ngừng nghỉ để nâng cao tỉ lệ nữ giới theo học ngành khoa học máy tính. Để trong tương lai, có nhiều hơn nữ lãnh đạo khởi nghiệp, rút ngắn khoảng cách nam, nữ trong thu nhập và cơ hội thăng tiến, nỗ lực để có được đại diện, gương mặt nữ giới trong lĩnh vực STEAM và luôn hành động vì tương lai tươi sáng hơn cho phụ nữ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Ít ai biết rằng nữ tỉ phú đã đầu tư - bảo trợ cho không ít trường học. Trong số đó, có trường giúp trẻ em Việt Nam được tiếp cận với chương trình giáo dục tiên tiến của Nhật Bản, hay "Ngôi trường Ước mơ" chuyên tiếp nhận các trẻ vốn gặp nhiều khó khăn để tìm được một môi trường giáo dục phù hợp, nhằm giúp cho trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tâm hồn và nhân cách ngay từ những năm đầu đời.
Hàng năm, tiến sĩ Phương Thảo và các doanh nghiệp của chị thường xuyên thăm các làng trẻ em SOS trên cả nước để sẻ chia với những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tươi đẹp hơn.
Chị đã cùng 29 lãnh đạo toàn cầu kí vào lá thư ngỏ kêu gọi sự tham gia của cộng đồng quốc tế cùng thực hiện các hành động cụ thể để nâng cao cơ hội tiếp cận giáo dục trực tuyến và nâng cao kỹ năng số cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái.
Thành công trong kinh doanh, thầm lặng cống hiến vì cộng đồng, doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo được coi là nguồn cảm hứng cho nhiều phụ nữ Việt Nam và quốc tế với phong cách thanh tao mà dung dị của người phụ nữ Á đông. Chị đã làm nhiều điều cho kinh tế và phát triển hội nhập.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận