Tuy nhiên, ít người biết cô gái xinh đẹp này hàng ngày vẫn phải đối diện với những cơn đau từ chấn thương đầu gối.
Chấn thương thì… kệ chấn thương
Huỳnh Thị Mỹ Tiên phải vượt qua cơn đau đầu gối mỗi ngày để giành HCV SEA Games 32. Ảnh: Bùi Lượng
SEA Games 32 trên đất Campuchia chứng kiến nhiều VĐV Việt Nam bước ra ánh sáng, một trong số đó là nhà vô địch chạy 100m rào nữ Huỳnh Thị Mỹ Tiên.
Sau hai kỳ SEA Games trắng thành tích, cô gái quê Vĩnh Long đã được nếm trải cảm giác chiến thắng.
“Đến bây giờ tôi vẫn có cảm giác lâng lâng, hạnh phúc và chút gì đó bất ngờ. Trước khi thi đấu tôi hoàn toàn tự tin nhưng cũng lo lắng bởi biết phải đối đầu với nhiều đối thủ mạnh, bao gồm cả chị Nguyên (nhà vô địch SEA Games 31 Bùi Thị Nguyên). Rất may tôi đạt phong độ cao, thể trạng tốt vào ngày thi nên đã về đích đầu tiên”, Mỹ Tiên bộc bạch.
Có một chi tiết đáng lưu ý, cô gái sinh năm 1999 thi đấu cùng đầu gối phải quấn băng. Hỏi ra mới biết, cô dính chấn thương đầu gối từ năm 2020 nhưng không thể chữa trị dứt điểm.
“Bác sỹ bảo nếu muốn chữa trị dứt điểm thì phải giã từ sự nghiệp, còn chữa rồi lại chạy thì không thể khỏi.
Nhưng tôi sao có thể bỏ chạy khi đã coi nó như nguồn sống của mình. Tôi chấp nhận đánh cược bởi nguy cơ chấn thương nặng hơn vẫn luôn rình rập.
Nói thế nhưng thời gian đầu tôi cũng suy sụp lắm, cảm giác như mọi thứ chống lại mình.
Ngược lại, các thày luôn động viên đã đi được nửa chặng đường thì không nên quay lại. Nếu còn có thể chạy, còn khát khao thì đứng dậy bước tiếp”, Tiên tâm sự.
Nhà vô địch SEA Games chia sẻ thêm, do chấn thương đầu gối nên cô phải hạn chế những bài tập bật nhưng về cơ bản khi chạy, đặc biệt là chạy vượt rào thì cường độ hoạt động của đầu gối vẫn rất cao.
Thế nên, nữ VĐV 24 tuổi thường xuyên phải tiêm máu tự thân để duy trì khả năng vận động.
“Có buổi tập về đầu gối đau như muốn rời ra. Rồi khi trái gió trở trời như bị ai đánh.
Mỗi lúc vậy tôi cắn răng chịu đựng, không kêu than với ai, tự mình vượt qua tất cả.
Sáng hôm sau đỡ hơn lại đi tập bình thường”, Tiên nói và cho biết thêm, do đặc thù môn chạy, ngoài đầu gối, sống lưng của cô cũng bị tổn thương, gặp ngày đau nhiều thậm chí phải nằm nghiêng.
Khó khăn, vất vả là vậy nhưng cô gái miền Tây chưa bao giờ nghĩ tới việc từ bỏ con đường đã chọn.
“Tôi quyết tâm vượt qua những cơn đau để tập luyện và phần nào được đền đáp xứng đáng bằng tấm HCV SEA Games 32. Đương nhiên, đây chưa phải là điểm cuối hành trình, tôi sẽ còn nỗ lực để chiến thắng giới hạn của bản thân”, cô nói.
Tiếp xúc với Tiên ngoài đời ai cũng ấn tượng với vẻ ngoài xinh xắn cùng nước da trắng. Điều này làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi cô quanh năm phải phơi nắng, phơi mưa để tập luyện, thi đấu.
Cô gái đa phong cách
Sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Long, trong một gia đình không có truyền thống thể thao, từ nhỏ, Tiên cũng không chơi bất kỳ môn thể thao nào. Tuy nhiên, cô lại sở hữu chiều cao tốt, luôn nhỉnh hơn các bạn gái cùng lớp.
Năm 2011, trong một lần các HLV của Trung tâm Huấn luyện TDTT Vĩnh Long đi tuyển quân đã nhìn thấy tố chất của Tiên.
Sau một vòng chạy thử, cô đã nhận được cái gật đầu tắp lự. Sải chân dài giúp cô bỏ xa các đối thủ. Vượt qua kỳ sát hạch chuyên sâu, cô chính thức được nhận vào đội điền kinh Vĩnh Long.
Nội dung 100m rào là nội dung cực khó với điền kinh Việt Nam, trong lịch sử SEA Games, chúng ta mới có tổng cộng 4 HCV, Mỹ Tiên là một trong số VĐV hiếm hoi làm được điều này. Ở Tiên, bên cạnh tốc độ, tôi đánh giá bạn ấy có nhịp độ rào rất tốt. Ngoài ra, sự cần mẫn, bền bỉ và tinh thần không sợ thua đã giúp Tiên hái quả ngọt.
Chuyên gia Đặng Việt Cường
Thời điểm đó, dù chưa hình dung được thể thao chuyên nghiệp là gì, điền kinh là như thế nào nhưng cô nữ sinh 12 tuổi vẫn háo hức thử sức mình. Ngặt nỗi, bố mẹ cô lại muốn con tập trung cho việc học, để sau này có thể tìm được công việc ổn định, không vất vả.
“Bố mẹ ban đầu phản đối dữ lắm, bảo con gái không lo học, chạy nhảy làm gì. Nhưng chẳng hiểu lúc đó tôi có động lực nào thôi thúc mà cứ năn nỉ bố mẹ cho lên đội bằng được, thậm chí còn khóc nữa.
Rồi bố đồng ý nhưng kèm điều kiện, khổ thì về với bố. Biết bố mẹ thương con nêu sau này có chấn thương tôi cũng giấu, nói ra sợ gia đình lo lắng”, nhà vô địch SEA Games kể.
Tập luyện ở Vĩnh Long, Mỹ Tiên tiến bộ nhanh chóng, cô giành nhiều thành tích ở các giải trẻ trong nước lẫn quốc tế nên sớm được biên chế vào đội tuyển trẻ điền kinh quốc gia năm 2015. Tiếp đà thăng tiến, năm 2018 cô được đôn lên đội tuyển quốc gia.
Nhưng như đã nói ở trên, vinh quang ở đấu trường SEA Games luôn lẩn tránh cô cho tới kỳ Đại hội trên đất Campuchia.
“Nhiều lúc tôi nghĩ chẳng lẽ mình chấp nhận cứ duy trì một sự nghiệp như vậy mãi, mình phải tạo ra điểm nhấn để mọi người nhắc tới. Vậy là tôi lại lao vào tập luyện với niềm tin mình sẽ làm được.
Thế nên, khi giành HCV SEA Games, tôi cảm thấy nhẹ nhõm lắm, như thể vừa gỡ bỏ được tảng đá đè nặng trong tâm trí. Bố mẹ tôi thậm chí còn khóc trong điện thoại, lúc con gái báo tin”, Tiên bày tỏ.
Từ ngày ra Hà Nội tập luyện ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia, mỗi năm Tiên chỉ về nhà một lần vào dịp Tết được vài ngày rồi lại bước vào guồng quay.
Sau SEA Games 32, cô cũng bắt tay vào tập luyện bởi ASIAD 2023 đã tới rất gần. “Tôi không dám hứa sẽ làm được gì ở giải đấu này nhưng tôi sẽ cố gắng hết khả năng”, cô tâm sự.
Đa phần các VĐV thể thao đều xuất thân từ gia đình không khá giả, thậm chí khó khăn về kinh tế. Nhưng Tiên thì ngược lại, bố mẹ cô là chủ sà lan chở vật liệu xây dựng nên gia đình cũng có của ăn của để.
Cũng bởi vậy, cô không phải tiết kiệm gửi về giúp đỡ bố mẹ, ngược lại bố mẹ còn cho thêm tiền để mua thuốc bổ, thực phẩm chức năng.
“Nhìn chung cuộc sống của tôi khá thoải mái, không phải quá lo lắng đến việc tích cóp. Ngoài lương, chế độ tập luyện thì tôi cũng bán thêm hàng online để có đồng ra đồng vào.
Bên cạnh việc mua sắm quần áo, vật dụng thiết yếu, thi thoảng tôi cùng bạn bè đi ăn ở ngoài để thay đổi không khí. Tủ quần áo của tôi đa phong cách lắm, các loại váy, áo có đủ cả”, Tiên cười nói.
Một điểm khác biệt nữa ở Tiên là dù gần như không có thời gian cho công việc nữ công gia chánh nhưng cô lại rất thích nấu ăn: “Tôi nấu không giỏi nhưng mê lắm, mỗi lần về nhà tôi đều vào bếp làm món nọ món kia để đãi cả nhà.
Với tôi, đó là giây phút thư thái nhất, hạnh phúc nhất vì được chăm sóc bố mẹ, em trai sau những ngày đằng đẵng gắn bó với đường chạy”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận