Thời sự Quốc tế

Núi lửa phun trào 20m, kéo theo sóng thần cao 1,2m ở nhiều nơi

16/01/2022, 10:11
image

Vụ núi lửa phun trào gây ra sóng thần mạnh đã làm cắt đứt kết nối internet và đường dây điện thoại tới quốc đảo Tonga, gây quan ngại rất lớn.

Vô cùng quan ngại

Theo hãng tin Reuters, ngày 16/1, các nhóm nhân đạo và nhiều quốc gia ở Thái Bình Dương rất khó có thể liên lạc với quốc đảo Tonga.

“Hình ảnh núi lửa phun trào ở khoảng cách gần với Tonga khiến chúng tôi vô cùng quan ngại” – bà Jacinda Ardern, Thủ tướng New Zealand - đất nước cách Tonga khoảng 1.481 dặm (2.300 km) cho biết.

Theo bà Ardern, lực lượng quốc phòng và Bộ Ngoại giao New Zealand đang phối hợp để xác định những khó khăn của Tonga và kịp thời hỗ trợ.

img

Hình ảnh vệ tinh cho thấy núi lửa phun trào. Ảnh - Reuters

Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand cho biết, do không kết nối liên lạc nên nước này chưa nhận được báo cáo về thương vong. Bà Arden sẽ tổ chức họp báo trong ngày 16/1 để cung cấp thêm về tình hình.

Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) tại Suva, Fiji cũng thông báo đang giám sát tình hình và chưa cập nhật về thiệt hại cũng như thương vong.

Cách đó 1 ngày, ngọn núi lửa ngầm ngoài khơi Tonga đã phun trào khiến giới chức Tonga và nhiều hòn đảo Nam Thái Bình Dương phát cảnh báo sóng thần và sơ tán người dân.

Núi lửa Hunga Ha'apai nằm trên một hòn đảo không có người ở, cách thủ đô Nukualofa của Tonga 65 km về phía Bắc.

Vài thập kỷ gần đây, núi lửa ngầm Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai thường xuyên phun trào trong nhưng vụ phun trào ngày 15/1 vừa qua lớn đến mức người dân ở các nước rất xa như Fiji và New Zealand cũng nghe thấy tiếng.

Một số hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy các đợt sóng lớn ập vào những ngôi nhà ven biển.

Trong thông báo trên Twitter, Cục Khí tượng Australia đã ghi nhận những đợt sóng thần cao đến 1,2 mét ở thủ đô Nukualofa của Tonga.

Các đường dây điện thoại và internet đã bị sập từ 18:40 ngày 15/1 theo giờ địa phương, dẫn đến các quốc gia và tổ chức nhân đạo không thể kết nối liên lạc tới 105.000 người dân trên đảo.

Người đứng đầu Cơ quan nghiên cứu Địa chất của Tonga, Taaniela Kula, ước tính vụ phun trào trên có thể gây thiệt hại trong bán kính 260 km, mạnh hơn khoảng 7 lần so với vụ phun trào trước đó của núi lửa Hunga Ha'apai hồi cuối năm ngoái.

Hình ảnh vệ tinh ghi nhận vụ nổ cho thấy nhiều cột khói lớn trong không khí, cao tới 19km so với mặt nước biển. Bầu trời Tonga trở nên tối sầm vì tro bụi.

Ảnh hưởng từ núi lửa phun trào, Nhật Bản chứng kiến sóng thần cao 1,2m

Vụ nổ khiến nhiều quốc gia trên khắp Thái Bình Dương bao gồm Mỹ và Nhật Bản kêu gọi người dân ở vùng duyên hải tránh xa bờ biển.

Một trận sóng thần cao 1,2 mét đã ập vào bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản vào sáng sớm 16/1. Hiện chưa có thông tin về thương vong hoặc thiệt hại về tài sản do sóng thần.

img

Các nhà địa chất Tonga đứng gần khu vực xảy ra núi lửa phun trào. Ảnh - Facebook

Ban đầu Cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA) ước tính, một số hòn đảo nằm ở khu vực Tây Nam của Nhật Bản có thể hứng chịu đợt sóng thần cao tới 3m.

Sau khi JMA kích hoạt cảnh báo sóng thần, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập văn phòng liên lạc tại Phủ Thủ tướng nước này để tập hợp thông tin liên quan.

Australia cũng cảnh báo sóng thần đối với vùng duyên hải New South Wales, đảo Lord Howe, đảo Norfolk.

Cảnh báo sóng thần cũng được phát đi tại New Zealand.

Khoảnh khắc núi lửa phun trào do vệ tinh ghi lại:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.