11 người thiệt mạng, 12 người mất tích
Theo hãng tin AFP, ngày 3/12, núi lửa Marapi trên đảo Sumatra, Indonesia phun cột tro bụi cao 3.000m. Tro bụi bao phủ ô tô, xe scooter và xe cứu thương đỗ gần núi lửa.
Theo ông Ahmad Rifandi, quan chức tại trạm giám sát hoạt động của núi Marapi, tro bụi do núi lửa Marapi phun đã lan rộng tới Bukittinggi - thành phố lớn thứ ba tại tỉnh West Sumatra với dân số hơn 100.000 người.
Hiện chính quyền địa phương đã phát mức cảnh báo thứ hai trong hệ thống cảnh báo gồm bốn cấp của Indonesia và đề nghị người dân tránh xa khu vực miệng núi lửa trong vòng bán kính 3km.
Theo một quan chức cứu hộ địa phương, thi thể 11 người leo núi thiệt mạng được phát hiện gần miệng núi lửa Marapi. Ngoài ra, còn 12 người đang mất tích, ba người đã được phát hiện vẫn sống sót, 49 người đã xuống khỏi khu vực miệng núi lửa an toàn. Trong số đó, một số người bị gãy xương và bị bỏng.
Ông Rudy Rinaldi, lãnh đạo Cơ quan Giảm thiểu thảm họa West Sumatra cho biết: “Những người bị thương là những người đến gần miệng núi lửa bất ngờ phun trào”, ông Rinaldi nói.
Trong số những người được may mắn cứu sống có Zhafirah Zahrim Febrina - nữ sinh 19 tuổi tham gia chuyến leo núi cùng 18 bạn học.
Theo hãng tin AFP, ở thời điểm núi lửa phun trào, Febrina vô cùng sốc, không còn biết cách nào khác ngoài việc gửi video cầu cứu mẹ. Cô nữ sinh vô cùng sốc, khuôn mặt bị bỏng, tóc dính đầy tro bụi.
"Mẹ ơi, cứu con. Đây là tình cảnh của con bây giờ", nữ sinh Febrina van nài cầu cứu mẹ.
Rất may, nữ sinh 19 tuổi đã may mắn được đội cứu hộ tìm thấy kịp thời và đưa tới bệnh viện điều trị. Gia đình đã tới bệnh viện để chăm sóc cô.
Bà Rani Radelani, mẹ của nữ sinh cho biết: "Con bé đang bị sang chấn tâm lý vì bị bỏng và chịu đau suốt đêm".
Đội cứu hộ làm việc xuyên đêm, bất chấp hiểm nguy
Theo hãng tin AFP, đội cứu hộ đã làm việc xuyên đêm để tìm kiếm những người leo núi mắc kẹt trên núi Marapi sau khi ngọn núi bất ngờ phun trào khói bụi vào ngày 3/12.
Ông Abdul Malik, lãnh đạo cơ quan cứu hộ địa phương cho biết 120 nhân viên cứu hộ đã tham gia chiến dịch tìm kiếm và đưa những người leo núi xuống chân núi. Đội cứu hộ không thể triển khai trực thăng thực hiện công tác tìm kiếm do ngọn núi vẫn tiếp tục phun trào.
Hãng tin AFP đã tiếp cận được video quay cảnh một nhân viên cứu hộ đeo đèn pin trên đầu cõng một người leo núi đang đau đớn vì bị thương tới nơi an toàn trong đêm.
Phát ngôn viên cơ quan cứu hộ địa phương Jodi Haryawan cho biết công tác cứu hộ đã có lúc phải tạm dừng do ngọn núi phun trào dữ dội nhưng sau đó đã được nối lại khi tình hình trở nên an toàn hơn.
Quần đảo Indonesia nằm trên Vành đai Lửa Thái Bình Dương, nơi thường xuyên xảy ra hoạt động của núi lửa và địa chấn. Quốc gia Đông Nam Á này có gần 130 núi lửa đang hoạt động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận