Phát biểu ngày 3/1, tại một sự kiện do Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore tổ chức, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn nhận định: "Cuộc khủng hoảng chính trị và an ninh ở Myanmar ngày càng sâu sắc và đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế, y tế và nhân đạo.
Qua đánh giá, ông Sokhonn cho rằng tất cả các yếu tố xảy ra một cuộc nội chiến đã hiện hữu tại Myanmar. Cụ thể, "hiện tại ở Myanmar có hai chính quyền, có một số lực lượng vũ trang, người dân đang chịu đựng điều mà họ gọi là phong trào bất tuân dân sự và có cả những cuộc chiến tranh du kích trên khắp đất nước".
Người biểu tình chống đảo chính tại Myanmar cầm trên tay súng tự chế khi tham gia biểu tình tại Yangon, Myanmar
Nhà ngoại giao hàng đầu Campuchia đưa ra nhận định trên trước thềm chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Campuchia Hun Sen vào ngày 6 và 7/1.
Hiện tại, Campuchia là nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN 2022.
Khi nói về mục đích chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Hun Sen, ông Prak Sokhonn cho biết, người đứng đầu Chính phủ Campuchia sẽ vẫn tập trung vào lộ trình hòa bình và "sự đồng thuận 5 điểm" đã được các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí hồi năm ngoái. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Campuchia nhận định rằng triển vọng xoa dịu căng thẳng tại Myanmar không mấy tươi sáng.
Myanmar bắt đầu rơi vào bất ổn từ cách đây gần 1 năm. Đầu tháng 2/2021, quân đội nước này bắt giữ lãnh đạo và quan chức chủ chốt của đảng cầm quyền trong đêm và thiết quân luật, thành lập hội đồng hành chính nhà nước do quân đội nắm quyền kéo theo làn sóng biểu tình, phản đối dữ dội suốt từ đó tới nay khiến hơn 1.100 người thiệt mạng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận