"Phạm tội do thiếu kiến thức"
Ngày 25/12, phiên sơ thẩm xét xử 17 người liên quan đại án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 diễn ra phần tranh luận sau khi đại diện Viện kiểm sát (VKS) nhân dân đề nghị hàng loạt mức án tù khác nhau dành cho các bị cáo.
Được quyền tự bào chữa tại tòa, nhiều bị cáo trong vụ án đã bày tỏ sự ăn năn hối cải, thừa nhận sai phạm và mong muốn tòa án cấp sơ thẩm xem xét áp dụng cho họ các tình tiết khi lượng hình.
Như bị cáo Vũ Hồng Quang (cựu Phó phòng thuộc Cục Hàng không Việt Nam) bật khóc khi tranh luận. Ông Quang giãi bày mình và người thân trong gia đình đều bị sốc sau khi biết bị cáo phải ra hầu tòa.
Quang cho rằng, quá trình điều tra đã viết đơn tường trình lại diễn biến hành vi trước khi có quyết định khởi tố. Bị cáo này cũng tự nhìn nhận mình đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra giúp sớm làm rõ nội dung vụ án.
"Qua hơn 2 năm bị tạm giam, tôi rất thấm thía về những sai lầm của mình", bị cáo Quang nhấn mạnh.
Bị cáo Nguyễn Xuân Thông (cựu công an) cũng thừa nhận hành vi như cáo buộc của cơ quan tố tụng. Bị đề nghị 12-18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Che giấu tội phạm, ông Thông nhìn nhận: "Đây là vết nhơ theo suốt cuộc đời của bị cáo, chỉ vì nể nang nên mới dẫn đến hành vi phạm tội, như vậy là mất hết tất cả trong 30 năm phấn đấu".
Cựu cán bộ công an này mong hội đồng xét xử và đại diện viện kiểm sát mở lòng bao dung để bị cáo sớm có cơ hội làm lại cuộc đời.
Còn bị cáo Nguyễn Mạnh Cương (cựu Trưởng phòng Thương mại điện tử một hãng hàng không, bị đề nghị 2-3 năm tù) đã bật khóc khi lên bục tự bào chữa. Cương thừa nhận hành vi và giãi bày, vì sai lầm đó mà bị cáo phải đứng trước tòa án.
"Bị cáo mong sớm có cơ hội trở lại, lấy bản thân mình làm tấm gương căn dặn cho thế hệ sau phải chấp hành nghiêm quy định pháp luật", Nguyễn Mạnh Cương nói.
Phạm Quốc Thắng (Giám đốc Công ty TNHH PNR) cũng thừa nhận trong quá trình làm việc đã vô tình để xảy ra sai phạm. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng bản thân vi phạm là do thiếu kiến thức trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19.
"Thời điểm đó có quá nhiều khó khăn, trong khi mạng sống của con người là cần thiết. Đến nay, bị cáo nhận thức rõ sai phạm, mong HĐXX xem xét để bị cáo sớm có cơ hội trở về với gia đình và tiếp tục đóng góp cho xã hội", bị cáo Thắng mong mỏi.
VKS đề nghị tịch thu số tiền nhận hối lộ
Hay như lời tự bào chữa của bị cáo Trần Tùng (cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên), ông Tùng nói rằng bản thân không có chủ đích nhận hối lộ mà giảm giá tiền các dịch vụ, hậu cần cho công dân.
Ông Tùng cho rằng, bị cáo đã mặc cả với doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ trọn gói 14 ngày cách ly với mức giá hợp lý, đồng thời bị cáo mong muốn có lợi nhuận ở mức độ phù hợp. Sau thời gian cách ly, có nhiều công dân gửi lời cảm ơn bị cáo và tỉnh Thái Nguyên đã cách ly rất tốt.
Bào chữa cho các bị cáo, nhóm luật sư tham gia phiên tòa đã đưa ra nhiều căn cứ pháp lý cùng các tình tiết về nhân thân, nhận thức pháp luật... để làm căn cứ mong muốn cấp sơ thẩm xem xét lượng hình.
Luật sư Trịnh Văn Tuyến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Phạm Quốc Thắng) cho rằng thân chủ của mình phạm tội trong bối cảnh chịu sự tác động mạnh mẽ của đại dịch.
"Đặc biệt, khi mong muốn hồi hương của hàng triệu công dân ở nước ngoài tăng đột biến, gây áp lực lên công tác phòng chống dịch bệnh. Bối cảnh đó, công ty của bị cáo Thắng đã liên tục nhận được điện thoại hỏi về trình tự, thủ tục và nhờ xin cho khách lẻ từ nước ngoài về nước tránh dịch", luật sư nêu quan điểm.
Theo người bào chữa, bị cáo Thắng phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật, vô tư chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng với mật độ liên tục, đều đặn và với số lượng tiền lớn mà không hề có chút e dè hay ngụy trang, giấu giếm.
Ngoài ra, luật sư Tuyến có quan điểm, bị cáo Phạm Quốc Thắng chỉ giữ vai trò giúp sức thứ yếu, không đáng kể và hành vi phạm tội giản đơn, thụ động.
Chiều nay, đại diện VKS đối đáp với quan điểm tranh luận của 17 bị cáo và các luật sư. Theo VKS, để buộc tội 17 bị cáo, cơ quan công tố ngoài xem xét hành vi, mức độ phạm tội của từng người, còn xét đến nhân thân, quá trình công tác, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trước khi đề nghị mức án.
Trong số này, VKS nêu rõ, với quan điểm bào chữa cho bị cáo Trần Tùng, cơ quan này đề nghị bác bỏ các quan điểm của luật sư. VKS cũng đề nghị tịch thu số tiền 4,4 tỷ đồng nhận hối lộ và 3,2 tỷ đồng hưởng lợi liên quan đến bị cáo Tùng để sung công quỹ Nhà nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận