Bác sỹ Vệ tư vấn cho một trường hợp hiếm muộn |
Hạnh phúc làm cha sau 20 năm liệt nửa người
Trở về vui vầy bên hai cô con gái rượu sau chuyến thi đấu kéo dài gần 10 ngày ở phía Nam, khuôn mặt anh N.T.D (trú tại Gia Lâm, Hà Nội) rạng ngời hạnh phúc. Anh D. cho biết, chính duyên gặp gỡ TS. BS. Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc Trung tâm Nam khoa Việt Bỉ (Hà Nội) cách đây hơn chục năm đã giúp anh cảm thấy cuộc đời ý nghĩa hơn với hai thiên thần nhỏ lần lượt ra đời.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh D. cho hay, tai nạn xảy ra khi anh mới 19 tuổi: “Ngày đó, tai nạn đến bất ngờ, vết thương cắm sâu qua cột sống làm đứt tủy sống khiến tôi liệt nửa người từ ngực trở xuống. Khoảng 10 năm chạy chữa khắp các bệnh viện, tôi mới phục hồi thể trạng bởi những vết lở loét do vết mổ khắp trên cơ thể. Vượt qua cửa tử, nhưng ước mơ trở thành phi công của tuổi trẻ cũng tan theo vụ tai nạn đó”.
Vụ tai nạn khiến anh D. trở thành người tàn tật và niềm vui của anh lúc bấy giờ là được tham gia thể thao và cống hiến với các giải đấu dành cho vận động viên khuyết tật. Một mái ấm và những đứa con chỉ là ước mơ. Lần lữa mãi, được gia đình vun vén anh D. lập gia đình ở tuổi 36. Thế nhưng, mong mỏi mãi mà không có tin vui. Hai vợ chồng quyết định nhờ đến bác sĩ với hy vọng tìm kiếm mụn con. Đi khám, anh được kết luận vô sinh. “Ngày đó, cứ nghe nơi nào chữa được vô sinh là mình tìm đến, đông tây y kết hợp mà không có kết quả”. Rồi anh gặp BS. Lê Vương Văn Vệ, người nổi tiếng mát tay với các ca vô sinh. “Ngày đó kỹ thuật không tiên tiến như bây giờ, lúc gặp BS. Vệ nói “hiện chưa thể làm gì nhưng sẽ giúp mình có con”, thật sự lúc đó không dám đặt chút phần trăm hy vọng nào cả. Chỉ nghĩ bác sĩ an ủi mình thôi”, anh D. cho biết.
Thế rồi, một năm sau, bất ngờ anh D được BS. Vệ liên lạc quay lại để thăm khám và thực hiện chữa vô sinh. Bằng kỹ thuật chuyên môn, BS. Vệ đã tìm, lựa chọn con giống tốt, thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cho vợ chồng anh D. Tuy nhiên, phải đến lần thứ hai thì có kết quả, lúc đó anh D. bước vào tuổi 40. “Ban đầu thực hiện, mình cũng không dám đặt nhiều hy vọng. Nên lúc nhận thông tin vợ mang trong mình một sinh linh bé nhỏ thì niềm hạnh phúc thực sự vỡ òa trong lòng cả hai vợ chồng và gia đình nội, ngoại”. Sau khi cô con gái lớn lên 4, vợ chồng anh quyết định nhờ BS. Vệ giúp đỡ sinh thêm con thứ hai. Hiện nay, cả hai bé đều phát triển khỏe mạnh.
Không mất hy vọng có con, dù bị liệt
Cùng với trường hợp anh D., BS. Lê Vương Văn Vệ cũng nhớ mãi một trường hợp bị liệt từ nhỏ được ông giúp đỡ có con. Theo lời ông, bệnh nhân liệt toàn thân, chân như hai que củi, teo tóp, nói ngọng, nhưng trí óc minh mẫn. Người mẹ mang con đến gặp BS Vệ với niềm hy vọng con trai mình còn có cơ hội có con. Kỳ công trong điều trị “tìm kiếm con giống 5 lần 7 lượt”, BS. Vệ đã lọc được những “con giống” khỏe mạnh để có thể thực hiện thụ tinh nhân tạo. Một người phụ nữ chấp nhận làm vợ và sinh con cho chàng trai tật nguyền. Ca thụ tinh nhân tạo thành công, một bé trai chào đời mở ra trang mới cho cuộc sống của chàng trai tật nguyền và gia đình.
Chia sẻ về việc chữa vô sinh cho những người bị tàn tật, TS. Lê Vương Văn Vệ cho hay, từ khi còn công tác ở BV Phụ sản Hà Nội, ông đã rất trăn trở khi gặp những bệnh nhân bị khuyết tật, liệt nửa người đến khám. Trong số họ có người khỏe mạnh, vẫn có thể quan hệ vợ chồng nhưng không thể xuất tinh do tổn thương ở cột sống, liệt đáy xương chậu… Chính vì vậy, ông ấp ủ nghiên cứu giúp những người liệt nửa người vẫn có thể có con như một cách sẻ chia bớt nỗi đau của người khuyết tật phải gánh chịu.
Từ năm 2011, BS. Vệ chính thức thực hiện ca thụ tinh ống nghiệm đầu tiên cho bệnh nhân liệt nửa người và đã thành công.
Theo chia sẻ của TS. BS. Lê Vương Văn Vệ, nam giới bị hiếm muộn do liệt nửa người sau TNGT, sau phẫu thuật tiểu khung do chấn thương đứt niệu đạo sau, vỡ xương chậu bàng quang… vẫn có cơ hội trở thành cha sinh học bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Theo giải thích của BS. Vệ, đây là phương pháp hỗ trợ sinh sản mà “con giống” của nam giới và trứng của người phụ nữ được kết hợp ở ngoài cơ thể. Nếu hiện tượng thụ tinh xảy ra, sẽ tạo thành phôi, sau đó chuyển phôi vào buồng tử cung. Phôi làm tổ và phát triển thành thai nhi như trong thụ thai tự nhiên. “Trong những năm qua, hơn chục bệnh nhân bị liệt đã tìm được cơ hội có con bằng phương pháp này”, ông Vệ cho biết.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh N.T.D cho hay: “Từ không còn chút hy vọng, giờ có được cả gia tài lớn là hai cô con gái. Tất cả là nhờ các y, bác sĩ đã làm chủ kỹ thuật y học tiên tiến, giúp những người khuyết tật như tôi thấy cuộc đời ý nghĩa hơn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận