Hàng trăm tấn ngao nuôi của các hộ dân bỗng dưng chết trước Tết vẫn chưa rõ nguyên nhân. |
Ngao “lăn ra cười”, người nuôi khóc
Nuôi ngao hơn chục năm, nhưng chưa khi nào anh Phạm Văn Ba (thôn Lộc Tiên, xã Hải Lộc) thấy ngao chết bất thường với diện tích lớn như năm nay. Gia đình anh có hơn 16ha nuôi ngao, trong đó có 10ha nuôi ngao thương phẩm và 6ha ngao giống. Thời điểm này, ngao thương phẩm đang cho thu hoạch nhưng lại chết trắng và vẫn đang chết rải rác.
“Khoảng 3 năm trở lại đây, ngao thường bị chết nhiều vào dịp trước và sau Tết Âm lịch, nhưng cao điểm chỉ chết khoảng 30%, nhưng năm nay mất trắng. Thời điểm ngao chết, tôi phát hiện trên bãi có nhiều tua mực, nhầy mực và có mùi hôi khó chịu, rất có thể nguyên nhân ngao chết là do việc xả thải của các công ty chế biến thủy hải sản trên biển”, anh Ba phân trần.
Xem thêm video:
Cùng chung cảnh ngộ với anh Ba, anh Mai Văn Thủy, thôn Tân Lập, xã Hải Lộc cho biết: “Gia đình tôi có gần 2ha nuôi ngao thịt ở vùng triều bãi ngang của xã. Cả gia đình trông chờ vào vựa ngao để có một cái Tết ấm no. Nào ngờ đến ngày 3/1/2017, lượng ngao chết tới gần 80% và hiện vẫn còn chết tiếp. Nhìn ngao chết mà ứa nước mắt, bởi toàn bộ số tiền đầu tư ban đầu gần 500 triệu đồng chưa thu hồi được nay lại lâm vào cảnh nợ nần. Ngao chết đã đành, giờ phải thuê người đi thu gom, tiêu hủy để tránh ô nhiễm. Năm nay mất Tết thật rồi”.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Thanh Hóa, từ ngày 19/12/2016 tại khu vực nuôi ngao xã Hải Lộc và xã Đa Lộc xảy ra hiện tượng ngao chết. Thống kê cho thấy, tỷ lệ ngao chết nhiều nơi tới 70%. Ngay sau khi xảy ra sự việc, lực lượng chức năng đã trực tiếp xuống hiện trường ghi nhận, lấy mẫu để gửi đi đánh giá, phân tích tìm ra nguyên nhân khiến ngao nuôi bị chết.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 1.500ha nuôi ngao ở các huyện: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa và Tĩnh Gia. Trong đó, Hậu Lộc có diện tích nuôi lớn nhất là 703ha. |
Qua xét nghiệm bệnh và chỉ tiêu môi trường do Chi cục Thú y thu mẫu tại khu vực ngao chết gửi Trung tâm Chẩn đoán thú y T.Ư, 3/3 mẫu ngao chết đều âm tính với ký sinh trùng Perkinsus (bệnh nguy hiểm có khả năng gây chết cho ngao); 5 mẫu các chỉ tiêu về Amoni, Nitrit, Sulfua, COD đều vượt giới hạn trong nuôi trồng thủy sản nước mặn.
Đáng nói, trong thời gian ngao nuôi bị chết, ngày 31/12/2016, người dân xã Hải Lộc đã bắt quả tang 2 đối tượng là vợ chồng dùng thuyền máy nhỏ đổ trộm 11/14 thùng phuy đựng chất tẩy rửa hải sản xuống vùng nuôi ngao. Kết quả kiểm tra và phân tích các mẫu chất thải trên, các chỉ tiêu về chất thải ra môi trường đều vượt so với quy chuẩn Việt Nam. Trong đó, một số chỉ tiêu vượt cao như hàm lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn gây ra (BOD5) cao hơn từ 1.500 đến hơn 1.900 lần; Hàm lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước, bao gồm cả vô cơ và hữu cơ (COD) cao hơn từ 600 đến trên 800 lần; Hàm lượng chất kim loại Cadimi có độc tính mẫu cao nhất vượt trên 1.500 lần; Chất axit NH4+ cao hơn 128,5 lần so với quy chuẩn...
Chưa tìm ra nguyên nhân
Ngày 10/1, trao đổi với Báo Giao thông, ông Cao Thanh Thọ, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT Thanh Hóa) cho biết: Tính đến thời điểm này, hiện tượng ngao chết rải rác vẫn xảy ra do lây lan. Qua kiểm tra thực tế tại các khu vực nuôi ngao cho thấy, mật độ ngao được nuôi quá dày đặc (trung bình trên 1.000 con/m2).
“Qua khảo sát, các hộ nuôi ngao cho biết, ngao chết ở tỷ lệ từ 10-15% là bình thường còn nếu chết ở mức độ cao thì phải có nguyên nhân. Cách đây 1 tuần ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cũng xảy ra hiện tượng ngao nuôi bị chết với tỷ lệ từ 30-40%. Chúng tôi đánh giá việc ngao nuôi bị chết xảy ra trên diện rộng chứ không xảy ra cục bộ. Về nguyên nhân ngao chết, chúng tôi đang cho khảo sát, tổng hợp, phân tích tất cả các yếu tố để làm rõ nguyên nhân và phải cần thời gian mới có kết quả”, ông Thọ cho biết thêm.
Khi PV đặt câu hỏi liệu nguyên nhân dẫn tới ngao bị chết có phải do môi trường sống bị ô nhiễm từ chất đổ thải, ông Thọ cho rằng: Không thể lấy kết quả việc xả thải vừa rồi bị người dân bắt quả tang làm nguyên nhân đánh giá ngao chết mà cần phải điều tra, xác minh một cách có căn cứ khoa học.
Liên quan đến công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả việc ngao nuôi chết hàng loạt, Sở NN&PTNT đã khuyến cáo người dân nên dọn dẹp bãi nuôi, thu gom ngao chết tránh bị lây lan. Ngoài ra, đơn vị này cũng sẽ phối hợp với Công an tỉnh, Sở TN&MT và các cơ quan liên quan xác định nguyên nhân ngao chết.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận