Con trai chị Thêu vẫn vô tư bên cạnh mẹ và bà nội |
Những ngày vừa qua, nước mắt của những người mẹ, người vợ ở vùng biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cứ lăn dài. Đôi mắt lưng tròng nhìn về phía bờ biển trông đợi một điều gì đó, dù biết không có hy vọng.
Tang thương một nhà ba góa phụ
Do ảnh hưởng của không khí lạnh (từ ngày 8-10/1), biển động mạnh đã làm một số tàu cá hoạt động trên biển bị chìm và mất thông tin liên lạc. Tính đến ngày 10/1, qua thống kê trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa có 5 phương tiện (với 25 lao động) bị chìm. Trong đó, 10 lao động được cứu, còn 15 lao động đang mất tích. Đến ngày 16/1 đã tìm thấy ba thi thể trong số ngư dân bị mất tích trên biển.
Tìm về xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, qua những con hẻm nhỏ, chúng tôi tới gia đình bà Nguyễn Thị Thự (51 tuổi, ở thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) có chồng là Nguyễn Văn Thảo (52 tuổi); con trai Nguyễn Văn Thành (31 tuổi) và con rể Nguyễn Văn Hải gặp nạn trên biển.
Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, tiếng khóc của bà Thự và chị Nguyễn Thị Thêu (30 tuổi, vợ anh Thành) khiến chúng tôi và nhiều người xung quanh không cầm được nước mắt. Bên di ảnh của Thành, bà Thự ngất lên ngất xuống khi vừa đưa tiễn đứa con trai, còn người chồng và con rể vẫn “bặt vô âm tín”. “Biển cướp mất của tôi ba người rồi chú ơi. Đau xót quá. Không ngờ, lần đi biển này lại là lần cuối cùng của ba bố con. Bây giờ, ba mẹ con tôi bỗng chốc trở thành góa phụ”.
Thẫn thờ bên vách tường, ôm hai đứa con của mình (cháu gái lên 5 và bé trai 2 tuổi) chị Thêu nói trong tiếng nấc: Ngày 10/1, trong lúc đang đánh cá ở ngoài khơi thì tàu bị sóng đánh chìm. Trước khi gặp nạn, người em rể điện về cho gia đình thông báo rồi sau đó mất liên lạc. Đến sáng 11/1, thi thể của chồng chị Thêu - anh Nguyễn Văn Thành được một thuyền của ngư dân vớt lên trong lúc buông lưới. Những người còn lại đều bị mất tích cùng tàu. Đến nửa đêm 11/1, thi thể chồng chị Thêu mới về tới bến và bàn giao để gia đình tổ chức mai táng.
“Trước đây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mấy bố con, anh em phải đi chung tàu với người khác. Đi chung tàu với người ta mãi quá vất vả nên vợ chồng chú Hải và mấy anh em, bố con bàn nhau vay mượn, sắm được chiếc tàu khoảng 600 triệu đồng đi riêng được hơn một tháng. Ai ngờ, tàu mới đi chuyến thứ 3 thì mất sạch cả người lẫn tàu. Mẹ con tôi không biết phải sống ra sao nữa đây”, chị Thêu nấc nghẹn.
Cách nhà bà Thự khoảng gần 100m, ngôi nhà hai tầng của vợ chồng anh Hải im ắng. Chị Nguyễn Thị Tâm (vợ anh Hải) nằm bất động trên giường. Bên ngoài, người em gái họ đang sửa soạn đồ lễ để lên chùa cầu trời, khấn Phật mong những người còn lại may mắn không gặp nạn.
Vùng đất nhiều tang thương
Được biết, ngày 10/1, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn hỏa tốc gửi Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng UBND TP Hải Phòng đề nghị được hỗ trợ tìm kiếm các ngư dân gặp nạn. Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Quang, Phó chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho hay, năm nào cũng xảy ra tai nạn chết người trên biển. Số phụ nữ góa chồng ngày càng nhiều. Thế nhưng, theo ông Quang, ngoài nghề đi biển, người dân ở đây không biết phải làm nghề gì. “Hiện tại, xã Ngư Lộc có 367 phương tiện, trong đó tàu đánh bắt ngoài khơi là 59 chiếc, gần bờ là 305 và còn lại khai thác dịch vụ. Qua thống kê từ cơn áp thấp năm 1996 đến thời điểm hiện nay, toàn xã có trên 60 hộ gia đình có chồng, con đi biển gặp nạn. Có những gia đình không may mất 2 - 3 người thân”, ông Quang chia sẻ.
Được biết, tháng 1/2011, tàu đánh cá của ông Tăng Viết Xô ở thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc đã “theo sóng biển mà đi” với 9 thuyền viên. Nỗi đau đó không một ai ở xã Ngư Lộc quên được. Những người chồng, người con ra đi mà chẳng nói được lời từ biệt với người thân của mình. Đến ngày giỗ, những người mẹ, người vợ chỉ biết ra biển thắp nén nhang cúng vọng hương hồn, bởi thân xác họ đã hòa tan cùng biển cả mênh mông.
Trước đó, năm 2010 là một năm kinh hoàng với tàu của gia đình ông Đô Chữ ở thôn Chiến Thắng với 9 thuyền viên bị mất tích. Trong đó, gia đình ông Đô có ba người con trai đều đi trên chuyến tàu định mệnh đó và rồi họ cứ bặt vô âm tín, để lại nơi quê nhà những nỗi đau, xót xa vô tận… Cảnh “lá vàng tiễn lá xanh” ở xã Ngư Lộc là chuyện không lạ bao đời nay.
“Mất mát của những gia đình có người đi biển là quá lớn. Tài sản có thể lấy lại được nhưng con người thì không thể. Nỗi đau của những người thân gia đình ngư dân mãi còn đó. Chính quyền địa phương cũng đã huy động, kêu gọi các tổ chức chung tay giúp các gia đình vượt qua nỗi đau”, ông Quang nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận