Một mỏ khai thác lithium từ muối biển ở Chile
Nếu như ở thế kỷ trước, dầu mỏ - thứ “vàng đen” được coi là nguyên nhân sâu xa dẫn đến nhiều cuộc chiến đẫm máu tại Trung Đông thì nay, hào quang của dầu mỏ phai nhạt rõ rệt, nhường chỗ cho một số nguyên, vật liệu cốt lõi để sản xuất pin nhiên liệu như nikel, lithium, cobalt.
Nước nào sở hữu công nghệ pin điện và dồi dào các nguyên liệu thô kể trên sẽ có vị thế cực lớn trong thời đại cách mạng xanh của tương lai.
Dự báo ảm đạm về tương lai của dầu mỏ
Vốn phong phú dầu mỏ, giàu lên nhờ xuất khẩu “vàng đen” nhưng giữa Thủ đô Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) mọc lên một thành phố mang tên Masdar. Ông Chris Wan, kiến trúc sư trưởng đang thực hiện dự án Masdar cho biết:
“Khi đến đây, bạn sẽ không còn thấy ô tô nườm nượp trên đường. Chúng tôi ưu tiên hoạt động đi bộ, thử nghiệm các phương tiện kiểu “hop-on, hop-off” (xe dừng/đón trả khách) chạy bằng điện hỗ trợ mọi người đi lại”.
“Thành phố này không chỉ sử dụng hoàn toàn năng lượng xanh mà không gian còn được thiết kế sao cho hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng năng lượng”, ông Chris Wan nói thêm.
Hiện kim ngạch xuất khẩu dầu của UAE giảm mạnh, chỉ chiếm khoảng 17% GDP, trong khi cách đây 40 năm là 60%.
Viễn cảnh thế giới không còn ám ảnh bởi dầu mỏ càng trở nên rõ rệt hơn từ năm 2020 do một loạt tác nhân xảy đến cùng lúc: Dịch Covid-19 kéo theo các lệnh giới nghiêm, cấm đi lại; mô hình làm việc từ xa lên ngôi; xu thế toàn cầu hóa suy yếu; nhu cầu vận tải giảm; cách mạng xanh bùng nổ...
Một dự báo được công bố vào tháng 9/2020 cho thấy, nhu cầu nhiên liệu lỏng như diesel, khí đốt tự nhiên hóa lỏng... không bao giờ có thể trở lại như trước khi dịch Covid-19 xảy đến. Ngạc nhiên hơn, dự báo này đến từ BP - một trong những nhà sản xuất dầu mỏ nổi tiếng nhất thế giới.
Hiện tại, các chính phủ, đặc biệt ở châu Âu cam kết sẽ tận dụng khủng hoảng Covid-19 để thúc đẩy ngành công nghiệp xanh, giảm mức độ sử dụng dầu mỏ.
Cùng lúc, tương lai ngành vận tải vận hành bằng điện đang rộng mở. Các loại năng lượng mới chỉ chiếm khoảng 11% tổng nhu cầu năng lượng quốc tế nhưng đang trên đà tăng rất nhanh.
Sau dầu mỏ, loại nhiên liệu nào lên ngôi?
Đó chính là nhiên liệu pin. Hiện tại có 2 loại pin chủ đạo là pin lithium-ion và pin hybrid nickel-kim loại hyđrua. Trong đó, pin lithium-ion được ứng dụng nhiều, gần như trên mọi mặt của đời sống từ thiết bị điện thoại, máy tính bảng cho đến ô tô điện...
Loại này có nhiều phiên bản khác nhau tùy thuộc vào kim loại chuyển tiếp mà các nhà sản xuất pin sử dụng để kết hợp với lithium. Lý do chính khiến pin lithium-ion được sử dụng phổ biến bởi nó có mật độ năng lượng cao, mang lại thời gian sạc tốt hơn và chu kỳ sạc xả nhiều hơn.
Còn pin hybrid nickel - kim loại hyđrua thường được ứng dụng trên các loại xe lai điện hybrid.
Từ đây, những nguyên liệu như lithium, coban, niken, mangan cần thiết để sản xuất pin đóng vai trò vô cùng quan trọng, tạo ra không ít cuộc đổi vận cho cá nhân/tổ chức/quốc gia trên thế giới cũng như kéo theo nhiều cuộc đua giành thị phần giữa các nước.
Thậm chí, những người trong ngành còn gọi lithium là “dầu trắng”, hàm ý loại vật liệu này có tầm quan trọng ngang, thậm chí còn hơn cả dầu mỏ nhiều lần.
Người ta có thể tìm thấy lithium trong đá, trầm tích sét ở thể khoáng sản rắn và trong nước biển. Lithium được tìm thấy nhiều nhất ở Chile với dự trữ ước tính 9,2 triệu tấn nhưng quốc gia sản xuất nhiều nhất theo dữ liệu thống kê mới đây là Australia (chiếm 50% tổng sản lượng thế giới với 42.000 tấn năm 2019).
Các vật liệu còn lại như coban có trữ lượng và được sản xuất nhiều nhất ở Cộng hòa Dân chủ Congo (chiếm 70% tổng sản lượng thế giới năm 2019); niken có trữ lượng và được sản xuất nhiều nhất tại Indonesia; mangan có trữ lượng lớn nhất tại Nam Phi.
Kỳ vọng đổi vận nhờ sở hữu nguyên liệu quý
Pin lithium-ion cho xe điện bốn bánh.
Ý thức rõ xu hướng và lợi thế của mình, các nước sở hữu những khoáng sản/kim loại trên đang lấy đây làm chìa khóa để gây ảnh hưởng và phát triển kinh tế. Điển hình là Indonesia với trữ lượng niken và coban dồi dào.
Đất nước Đông Nam Á từ lâu tỏ rõ ý định không chỉ muốn trở thành nhà xuất khẩu niken chính mà phải là trung tâm trong chuỗi cung ứng pin xe điện - từ khai thác quặng, lọc niken để sản xuất pin và chế tạo ô tô.
Sau năm 2013, khi chứng kiến kim ngạch xuất khẩu niken của Indonesia khoảng 64,8 triệu tấn, chính quyền Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã cấm xuất khẩu quặng thô, buộc các công ty trong nước phải tự lọc quặng lấy niken, mở rộng ngành công nghiệp hạ nguồn (công đoạn chuyển đổi quặng thành sản phẩm hoàn chỉnh).
Nhờ chiến lược “bỏ đói” thị trường nguyên liệu thô niken toàn cầu, trong thời gian từ năm 2014 - 2020, thế giới đã phải chạy theo Indonesia, dồn sức đầu tư để đảm bảo nguồn cung niken. Indonesia đã hút được 6,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào các nhà máy lò nung chảy quặng và các hoạt động xử lý tạo thành phẩm niken tại vùng Morowali, tỉnh Sulawesi.
Trong 6 năm, GDP tại Morowali tăng gấp 3 lần từ 6,9 nghìn tỷ rupiah (480 triệu USD) lên 24,3 nghìn tỷ rupiah (1,7 tỷ USD) trong năm 2019, phần lớn từ ngành khai thác xử lý niken.
Trên đà phát triển này, Chính phủ Indonesia tiếp tục nhìn thấy cơ hội để phát triển toàn diện quốc đảo trở thành trung tâm sản xuất pin lithium-ion và ô tô điện. Truyền thông địa phương đã đăng tải nhiều thông tin cho biết, Tổng thống đương nhiệm Indonesia Joko Widodo đã ấp ủ chiến lược xây dựng một thương hiệu pin và xe điện làm đối thủ với hãng xe điện Tesla (Mỹ).
Song song với đó, rất nhiều công ty sản xuất ô tô và pin trên thế giới cũng âm thầm ký bản ghi nhớ (MoU) đầu tư hoặc xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại nước này. Năm 2019, Toyota cam kết đầu tư 2 triệu USD vào ngành sản xuất ô tô Indonesia.
Cuối năm 2020, Tập đoàn LG Hàn Quốc cũng ký bản ghi nhớ để sản xuất pin, ước tính tổng trị giá 9,8 tỷ USD; CATL, một nhà sản xuất pin hàng đầu Trung Quốc cũng ký thỏa thuận 5,1 tỷ USD mở nhà máy tại Indonesia. Cùng lúc, một nhà máy sản xuất ô tô điện của Hyundai (Hàn Quốc) có giá trị ước tính 1,5 tỷ USD đang trong quá trình xây dựng ở Cikarang, ngoại ô Jakarta.
Để đảm bảo quyền kiểm soát của Nhà nước với ngành công nghiệp trọng yếu này, Chính phủ Indonesia đã mua 20% cổ phần trong tập đoàn khai thác niken PT Vale trong năm ngoái.
Từ danh sách các công ty nước ngoài nhanh chân đầu tư vào Indonesia kể trên, có thể nhận thấy rõ sự góp mặt của 3 đất nước đang cạnh tranh và dẫn đầu thị trường sản xuất pin xe điện là Hàn Quốc (3 nhà sản xuất), Trung Quốc (5 công ty) và Nhật (Công ty Panasonic).
Hiện tại, Trung Quốc đang sở hữu không chỉ công nghệ sản xuất pin mà còn nhiều mỏ kim loại, nguyên liệu phong phú, trong đó có loại chiếm hơn 50% nguồn nhiên liệu thế giới như đất hiếm. Vì vậy, Bắc Kinh đang tìm cách áp dụng chiến lược bảo vệ và ngoại giao tài nguyên để đảm bảo nguồn nguyên liệu cần thiết.
Trong khi đó, Nhật Bản đang tăng cường kiểm soát nguồn dự trữ chiến lược với 34 loại kim loại quý hiếm như đất hiếm, coban. Hàn Quốc khan hiếm tài nguyên hơn nên đang tìm mọi cách để đảm bảo nguồn cung, phát triển công nghệ hướng đến tìm các vật liệu khác để thay thế.
Tại Việt Nam, theo thông tin trên trang web chính thức của Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến năm 2020, công nghệ pin nhiên liệu ở Việt Nam mới dừng lại ở các đề tài nghiên cứu của các viện nghiên cứu, trường đại học. Việt Nam chưa có cơ chế hỗ trợ phát triển lĩnh vực công nghệ pin nhiên liệu tổng thể. Chính phủ mới chỉ có các chương trình ưu đãi thuế để khuyến khích sản xuất, lắp ráp các loại xe thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, pin nhiên liệu cũng chưa được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam vì giá thành khá cao và chưa phù hợp trong điều kiện thiếu cơ sở hạ tầng để hỗ trợ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận