“Cùng một dòng sông, dầu thải tràn dưới suối; bầy bò, dê uống nước phía thượng nguồn…”. Câu văn tả cảnh nguồn nước sạch sông Đà “nhái” từ lời ca khúc “Khúc hát sông quê” đang lan truyền trên mạng tưởng chỉ là đùa vui, châm biếm mà hoá ra sự thật đúng như vậy!
Nhưng ngay cả như thế thì hình ảnh con trâu đang đằm mình dưới dòng suối Trâm - cũng là con suối vừa bị nhiễm dầu thải; hay đàn dê tung tăng uống nước trong kênh dẫn từ hồ Đồng Bãi về nhà máy nước cũng mới chỉ lột tả một phần nhỏ những mối hiểm họa.
Ngoài suối Trâm và 2 con suối khác, hồ Đồng Bài còn đang hứng nước thải sinh hoạt của các trại gia súc, các hộ dân; nước sản xuất nông nghiệp trong đó có thể có thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu; thậm chí cả nước sản xuất công nghiệp, mà điển hình là nước thải từ chính nhà máy nước sông Đà!
Đó là chưa tính đến chất độc nguy hại trong trường hợp có kẻ xấu cố ý gieo rắc, bởi toàn bộ kênh dẫn nước từ hồ Đồng Bãi về nhà máy chỉ được che chắn hết sức thô sơ và giám sát hời hợt.
Đầu vào chưa được kiểm soát có nghĩa là an toàn nguồn nước sạch cho người dân Thủ đô trông đợi vào công nghệ xử lý nước của nhà máy. Nhưng vụ ô nhiễm dầu thải vừa qua cho thấy, toàn bộ quy trình vận hành đang tồn tại những “lỗ hổng chết người”!
Lỗ hổng đầu tiên là về công nghệ xử lý nước. Sau khi chạy qua cả một hệ thống lọc của nhà máy, nước đến tay người tiêu dùng vẫn nồng nặc mùi và hàm lượng styren vượt ngưỡng cho phép là bằng chứng điển hình nhất về công nghệ lạc hậu, không đảm bảo an toàn.
Bản thân Tổng giám đốc Viwasupco Nguyễn Văn Tốn cũng thừa nhận không dám chắc về công nghệ xử lý chất styren. Người viết không dám hình dung ra tình huống 2 đối tượng được thuê đổ thải, thay vì bã dầu lại là một chất độc khác, không màu, không mùi, không vị… ! Chỉ nghĩ đến đó thôi đã đủ rùng mình!
Lỗ hổng khác, đó chính là lỗ hổng về kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng nước từ cơ quan quản lý. Sau khi sự cố nước sông Đà xảy ra, người dân được biết, Sở Y tế Hà Nội chỉ định kì thực hiện quan trắc, kiểm nghiệm chỉ tiêu nước thô (đầu vào) và nước sạch (đầu ra) 1 tháng/lần với chỉ tiêu A; 6 tháng/lần chỉ tiêu B và 2 năm/lần chỉ tiêu C. Trong khi đó, nước cung cấp đến nồi cơm của cả vạn gia đình Hà Nội là liên tục, không ngừng nghỉ. Vậy giữa những lần kiểm tra, lấy mẫu đó, mà có sự cố xảy ra, như vụ đổ dầu thải vừa qua chẳng hạn, sự an toàn, tính mạng của khách hàng phải chăng phó mặc hoàn toàn vào nhà máy nước sạch?
Trong khi đó, thực tế diễn ra đã lộ ra lỗ hổng lớn từ chất lượng nguồn nước, công nghệ xử lý đến năng lực, trách nhiệm và cả đạo đức của lãnh đạo nhà máy khi ém nhẹm thông tin, bán nước ô nhiễm cho người tiêu dùng!
May mắn là đến nay chưa có khách hàng nào sử dụng nước sông Đà nhiễm dầu bị nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng đã có một số người dân dùng nguồn nước này bị ảnh hưởng đến sức khoẻ (các bệnh về hô hấp, tiêu hoá, ngoài da…).
Vụ việc đã khiến 250 nghìn hộ gia đình giữa thủ đô khốn khổ, điêu đứng vì nước sạch. Hàng chục nghìn người đội mưa, thậm chí thức đêm xếp hàng lấy nước chở tới từ xe téc như thời bao cấp. Sự cố đã gây lo lắng, hoang mang, bức xúc cho cả triệu người dân Hà Nội.
Trên thế giới từng xảy ra những vụ đầu độc tập thể thông qua nguồn nước. Lời khai ban đầu của hai đối tượng đổ dầu thải xuống khu vực đầu nguồn nước sông Đà cho thấy có không ít uẩn khúc về động cơ phạm tội. Cơ quan Công an khẳng định sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ cả trách nhiệm đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt cho Hà Nội.
Song về phía Hà Nội và các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Xây dựng, Tài nguyên môi trường, từ vụ việc ở nhà máy nước sạch Sông Đà, cần nhanh chóng rà soát lại toàn bộ kênh cấp nước của thành phố, từ khâu sản xuất đến phân phối. Trong đó, an ninh nguồn nước phải được đặt lên hàng đầu, để đảm bảo sức khoẻ, an toàn và tính mạng của người dân Thủ đô.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận