Những ngày này nước sông Kiến Giang vốn trong xanh nay đục ngầu cuồn cuộn chảy.
Ông Lê Đức Hợp, Trưởng thôn Đông, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết, nước lên nhanh quá, không kịp sơ tán, gia đình ông phải ở tạm trên gác xép.
"Nhìn nước cuốn trôi nhiều tài sản trong mà tôi đứt từng khúc ruột", ông Hợp thở dài.
Ông Hợp cho biết, thôn Đông có hàng trăm hộ sinh sống, nằm cách sông Kiến Giang hơn 200m. Mưa bắt đầu nặng hạt từ sáng 27/10 và kéo dài đến đêm, nhìn con nước cứ ngày một dâng cao người dân đều thấp thỏm hỏi nhau "liệu có lụt như năm 2020?".
Cùng lúc đó, tại các điểm thôn, chính quyền đã phát loa yêu cầu người dân chủ động di dời tài sản, vật dụng lên chỗ cao, lúc nước dâng phải sang nhà hàng xóm cao tầng hoặc nhà văn hóa thôn tránh trú, đề phòng nguy hiểm.
"Mưa cả ngày 27, gần tối trời ngớt, vì thế một số người vẫn chủ quan, chưa chuyển tài sản, định nán lại nhà ngủ qua đêm. Đến quá nửa đêm, trời mưa lớn trở lại, hai tiếng sau nước sông bắt đầu tràn vào nương vườn.
"Lúc đó, nước lên nhanh lắm, loa phát thanh của xã liên tục cảnh báo yêu cầu người dân di tản đến nơi cao ráo, các tòa nhà hành chính để đảm bảo an toàn. Lúc đó, chẳng ai bảo ai, đưa theo được cái gì thì đưa, không kịp thì ưu tiên chạy để đảm bảo an toàn cho bản thân và người nhà", ông Hợp run run kể lại.
Cũng theo ông Hợp, so với đỉnh lũ năm 2020, nước còn 40cm nữa. Nếu hôm nay trời vẫn mưa to nguy cơ nhà sẽ bị ngập hơn 2m.
Tương tự, thôn Đồng Tư nằm ở ngã ba sông Kiến Giang và Long Đại, nước cũng tràn vào khiến cả làng ngập vào đêm 27/10, hàng trăm hộ bị cô lập.
Ở tạm tại ngôi nhà cao ráo 2 tầng, ông Trần Văn Nam cho biết, toàn bộ địa bàn xã mất điện, những người có nhà thấp trong thôn trước đó đều di tản đến các nhà cao tầng, trung tâm hành chính xã.
"Chúng tôi ở đây không lo thiếu thốn lương thực, nước uống vì trước đó đã tích trữ. Giờ chỉ mong nước rút nhanh để về nhà dọn dẹp, những tài sản có giá trị cao như tu vi, tủ lạnh đã kê cao còn nhiều đồ dùng sinh hoạt của gia đình không biết trôi hết chưa?", ông Nam nói.
Theo ông Nam, hiện gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác đều lo lắng nhất là giải quyết hậu quả sau lũ, bởi vùng này bên sông nên nước rút rất chậm, 2-3 ngày mới hết.
Sáng nay (29/10), thông tin với PV, ông Trần Văn Lai, Chủ tịch xã Hiền Ninh cho biết, đến sáng nay trời mưa nhỏ, nước rút khoảng 10-15cm, tuy nhiên mây đen đang xuất hiện, khả năng mưa lớn trở lại, vì thế nguy cơ tái hiện lũ lịch sử vẫn hiển hiện.
Tại huyện Lệ Thủy, đến sáng 29/10, vùng "rốn lũ" đang mênh mông nước với gần 20.000 nhà dân bị ngập. Một số nơi nhà ngập sâu như thị trấn Kiến Giang 1.955 hộ, xã An Thủy 2.800 hộ, Phong Thủy 1.800, Cam Thủy 395, Sơn Thủy 1.560, Liên Thủy 2.595 hộ…
Chính quyền huyện Lệ Thủy đang dồn toàn lực để ứng phó với lũ, đã có những đợt cứu trợ ban đầu. Huyện đang ưu tiên sơ tán những khu vực nguy hiểm nhất và tập trung lực lượng cấp phát lương thực, nước uống cho người dân.
Do ảnh hưởng bão Trà Mi và không khí lạnh, tỉnh Quảng Bình ghi nhận một người chết do lũ cuốn khi tham gia cứu hộ tại hạ lưu đập Thanh Sơn chiều 27/10; hai người đang mất tích do lật thuyền ở huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh.
Toàn tỉnh có hơn 28.340 hộ dân bị ngập, tập trung tại huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, TP Đồng Hới. 58 thôn, bản bị nước lũ chia cắt. Các tuyến đường qua tỉnh bị ngập ở 84 điểm, trong đó quốc lộ 1 có 5 điểm ngập, sâu nhất 60cm. Đường Hồ Chí Minh qua xã Trường Thủy, Lệ Thủy ngập dài 800m, sâu nhất 80cm.
Đây là trận lũ lớn thứ hai trong 4 năm qua ở Quảng Bình, sau trận lũ tháng 10/2020.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận