Thế giới giao thông

Nuôi heo ngăn chim trời tấn công máy bay

11/12/2021, 06:41

Để giải quyết vấn đề nan giải chim trời va chạm, bị hút vào động cơ máy bay… gây mất an toàn, người ta đã nghĩ ra cách đuổi chim khá lạ.

Nuôi heo đuổi chim như thế nào?

Sân bay Schiphol đã thử nghiệm ý tưởng này trong vòng 6 tuần, trong đó họ nuôi một đàn heo nhỏ gồm 19 con tại sân bay để ngăn ngỗng và các loài chim khác sà xuống cánh đồng củ cải đường vừa thu hoạch gần đó, gây ảnh hưởng tới an toàn bay.

Schiphol đã thuê heo từ trang trại Buitengewone Varkens ở địa phương, thả ra một khoảng đất rộng 2 hecta nằm giữa hai đường băng.

Việc nuôi heo sẽ có 2 lợi ích, thứ nhất những chú heo này sẽ “giải quyết” số củ cải đường - vốn là thức ăn yêu thích của chim, còn sót lại trên cánh đồng sau vụ thu hoạch.

Thứ hai, loài động vật này có thể giúp đuổi những con ngỗng bén mảng tới gần sân bay. Mặc dù loài heo chậm chạp không thể chạy nhanh để đuổi kịp ngỗng nhưng hoạt động của chúng có thể coi như “bù nhìn sống” dọa chim tránh xa phi trường.

img

Đàn lợn được nuôi tại sân bay Schiphol

Ông Stan Gloudemans, người đồng sở hữu trang trại Buitengewone Varkens cho biết, trang trại của ông cung cấp khoảng 300 con heo/năm.

Số heo này thường được đưa đi khắp Hà Lan với nhiệm vụ dọn cỏ dại hoặc hoa màu còn sót trên cánh đồng sau mùa thu hoạch, chứ chưa bao giờ được áp dụng để đảm bảo an toàn cho máy bay như vậy.

Phía sân bay Schiphol cho biết, để đánh giá thành bại của dự án, đơn vị quản lý sân bay đã đo lường hoạt động của chim tại khu vực này trong thời gian trước và sau khi đưa heo tới “tuần tra”. Sau đó phía sân bay sẽ đưa ra quyết định có chính thức sử dụng heo hay không vào đầu năm tới.

Hiện tại, ngoài thử nghiệm trên, Schiphol còn phải cử 20 nhân viên làm việc ngày đêm để canh chừng xua đuổi chim tránh xa đường băng.

Họ phải sử dụng công nghệ như đèn laser, âm thanh và dự định trồng thêm một số loại cỏ đặc biệt để ngăn chim tiếp cận sân bay.

Việc xử lý chim và sử dụng heo để xua đuổi được giới chức Hà Lan thực hiện rất cẩn trọng.

“Ngỗng rất nguy hiểm với sự an toàn của máy bay nhưng chúng là động vật nên chúng tôi cần phải xử lý chúng đúng cách”, ông Ernst Koelman - Thanh tra Giao thông và Môi trường sống của Hà Lan nhận định.

Bên cạnh đó, vì môi trường sân bay rất ồn ào, mỗi khi máy bay di chuyển trên đường băng, cất/hạ cánh đều tạo ra tiếng ồn lớn nên giới chức Hà Lan cũng lo ngại ảnh hưởng tới sức khỏe của những chú heo “tuần tra”.

Song, chuyên gia nghiên cứu về heo tại Đại học Wageningen - ông Herman Vermeer nhận định, ông chưa nhận thấy trường hợp tiếng ồn ảnh hưởng tới các giống heo nuôi thả rông vì chúng có khả năng thích nghi với môi trường rất tốt.

Theo ông Vermeer, thông thường, loài heo cần môi trường yên tĩnh để giao tiếp với nhau, chẳng hạn như giữa heo mẹ và heo con trong 1 chuồng.

Nếu ở môi trường ngoài trời, loài heo dễ bị sốc khi lần đầu tiên gặp phải tiếng ồn quá lớn nhưng chúng là loài rất dễ thích nghi.

“Nếu chúng không vui cũng sẽ biểu hiện qua việc cụp đuôi giống như loài chó”, ông Vermeer nói.

Ghi nhận ban đầu cho thấy, những chú heo được nuôi ở sân bay Schiphol vẫn hoạt động bình thường và không có biểu hiện cụp đuôi hoảng sợ.

Rủi ro khi chim trời tấn công máy bay

img

Hành khách đứng trên cánh máy bay chờ cứu hộ trong vụ máy bay phải hạ cánh khẩn xuống sông do động cơ bị hỏng vì chim năm 2009

Không phải ngẫu nhiên mà Schiphol tiêu tốn sức lực và tiền của chỉ để ngăn chim như vậy.

Trong vòng 1 năm kể từ tháng 11/2018, đã xảy ra 565 vụ chim tấn công gần Schiphol, đỉnh điểm thường là vào mùa hè, nhiều vụ chim bị hút vào trong động cơ uy hiếp an toàn bay.

Con số này đã giảm xuống gần nửa trong giai đoạn 2020-2021 nhưng lý do là lưu lượng chuyến bay giảm vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Ngoài Schiphol, trên thế giới đã xảy ra rất nhiều sự cố nghiêm trọng liên quan tới chim. Cách đây 2 năm, máy bay Boeing 747 của hãng hàng không quốc gia Hà Lan KLM gặp sự cố chim tấn công nghiêm trọng và buộc phải quay đầu về sân bay.

Đây cũng là nguyên nhân suýt gây ra thảm họa nghiêm trọng năm 2009. Trong đó chiếc máy bay Airbus A320 đã bị chim tấn công làm hỏng cả 2 động cơ buộc phi công phải hạ cánh máy bay xuống sông Hudson. Rất may, toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đều sống sót thần kỳ.

Tại Việt Nam, ngay tháng 4 vừa qua, một chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines từ Đà Lạt tới Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã bị vỡ ống dầu thủy lực càng sau bên phải (ống dầu phanh) do chim tấn công, khiến một chuyến bay khác tại đây bị ảnh hưởng dây chuyền, chậm lịch trình tới 4 tiếng.

Theo các chuyên gia hàng không, nếu máy bay chỉ va chạm ở thân vỏ với chim nặng tầm 2kg thì không gây hậu quả lớn. Tuy nhiên, nếu chim bị hút vào động cơ thì dù chim nhỏ cũng khiến động cơ hư hỏng. Các loại chim lớn như trường hợp ngỗng ở Hà Lan thì càng gây hậu quả lớn hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.