Thiếu cơ chế hấp dẫn để khuyến khích khách hàng tham gia
Báo cáo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính tới tháng 8/2022, tổng công suất của hệ thống điện lực Việt Nam đã đạt 79.428MW, quy mô đứng thứ nhất ở Đông Nam Á.
Năng lượng tái tạo (trừ thủy điện) là 21.739MW, chiếm 27% hệ thống phát điện quốc gia. Nguồn điện năng tái tạo này hầu hết được đưa vào trong giai đoạn 2019- 2021.
Tổng công suất lắp đặt của nguồn điện EVN là 29.651MW, chiếm 37,3% hệ thống phát điện quốc gia.
Theo đó, doanh số bán điện của năm 2021 là 225,297 tỷ kWh, tăng trưởng 3,85%. Với số lượng khách hàng khoảng 29,7 triệu, bao gồm: Công nghiệp và xây dựng chiếm 54%, hành chính sự nghiệp và sinh hoạt 34%, thương mại và dịch vụ 5%, nông lâm ngư nghiệp 3%, còn lại 4% thuộc nhóm khách hàng khác.
Phòng điều độ vận hành hệ thống điện Tổng công ty Điện lực Hà Nội
Dự báo nhu cầu phụ tải đến năm 2025 tiếp tục tăng cao, EVN đưa ra 2 kịch bản. Với kịch bản cơ sở, mức tăng trưởng nhu cầu điện trong giai đoạn 2023-2025 là 8,9%/năm và mức 10,4%/năm cho kịch bản phụ tải cao.
Để giảm áp lực đầu tư vào nguồn và lưới điện để có thể đáp ứng mức công suất cực đại của hệ thống điện, ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN thực hiện tất cả các chương trình quản lý nhu cầu phụ tải (DSM) gồm: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cơ chế giá điện, điều chỉnh phụ tải (ĐCPT).
Khung pháp lý của Chương trình ĐCPT ở Việt Nam được thực hiện theo Quyết định số 279 (ngày 8/3/2018) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030.
Bộ Công thương cũng đã ban hành các quyết định và thông tư như: Thông tư số 23 quy định nội dung, trình tự thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện; Quyết định số 175 (ngày 2/1/2019) phê duyệt lộ trình và kế hoạch triển khai thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện; Quyết định số 54 (ngày 12/6/2019) về quy trình hướng dẫn thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện.
Tuy nhiên, dẫn chứng những thí điểm đã thực hiện, đại diện EVN nhận định, còn nhiều “nút thắt” ở chương trình này.
Đơn cử, với thí điểm năm 2015, khách hàng tham gia sẽ nhận được khuyến khích tài chính, được xác định trên cơ sở sản lượng điện giảm thực tế và giá bán điện tại thời điểm diễn ra sự kiện điều chỉnh phụ tải.
20 khách hàng lớn từ khối sản xuất và kinh doanh ở TP.HCM được lựa chọn. Và được thực hiện hai sự kiện gồm, giảm phụ tải theo kế hoạch, thông báo cho khách hàng trước ít nhất 24 tiếng (CLP - Chương trình tiết giảm phụ tải điện); Giảm phụ tải khẩn cấp tự nguyện, thông báo cho khách hàng trước ít nhất 2 tiếng (VEDRP - Chương trình tiết giảm phụ tải điện khẩn cấp tự nguyện).
Kết quả cho thấy, chỉ giảm được lượng điện năng tiêu thụ trung bình của khách hàng so với phụ tải cơ sở là 5% - đây là mức thấp; khách hàng cũng không nhiệt tình và hào hứng tham gia vào chương trình thí điểm.
Hội thảo đánh giá tiềm năng điều chỉnh phụ tải điện tại Việt Nam và đề xuất mô hình thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện
Tới cuối năm 2018, EVN đã tích cực triển khai chương trình ĐCPT thông qua ưu đãi phi thương mại theo Thông tư 23, bao gồm các hoạt động như, xây dựng phần mềm để quản lý chương trình ĐCPT (DRSM); phối hợp với Bộ CT, Cục ĐTĐL, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành để tổ chức các hội nghị tham vấn về những giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và triển khai các chương trình ĐCPT thông qua ưu đãi phi thương mại; ký các thỏa thuận thực hiện ĐCPT với khách hàng....
Đến năm 2019, EVN đã thực hiện 10 sự kiện ĐCPT, gồm 7 sự kiện ĐCPT khẩn cấp và 3 sự kiện ĐCPT theo kế hoạch... nhưng công suất giảm tối đa chỉ đạt 513,9MW (ngày 10/9/2019). Tổng sản lượng điện giảm được của cả năm 2019 là 6.373.302 kWh. Tiết kiệm được 24,12 tỷ đồng (chi phí tránh được do không phải huy động các nhà máy nhiệt điện chạy dầu).
Ông Trần Viết Nguyên đánh giá, dù đã có những chuyển biến trong chương trình ĐCPT những năm qua, tuy nhiên, hiện EVN chỉ tuyên truyền và xúc tiến các chương trình ĐCPT thông qua ưu đãi phi thương mại (không có cơ chế thương mại), ít hấp dẫn và khó khuyến khích khách hàng tham gia.
Những “nút thắt” khác được ông Nguyên nhắc đến là việc thiếu các cơ chế tài chính và chính sách để khuyến khích khách hàng tham gia các chương trình ĐCPT; Chương trình ĐCPT là tự nguyện, nên rất khó thuyết phục khách hàng; Hay là việc Chính phủ đã có chủ trương nhưng chưa ban hành các cơ chế tài chính về giá điện và hỗ trợ tài chính để khuyến khích khách hàng tham gia các chương trình ĐCPT...
Tiền năng còn lớn, hơn 4.000 MW
Ông Nguyên cho biết, kế hoạch của chương trình ĐCPT đặt ra mục tiêu giảm phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua việc triển khai các DSM và DR tối thiểu là 1.500 MW vào năm 2025.
Song, ông Kulbhushan Kumar Tư vấn quốc tế của Ngân hàng Phát triển Chấu Á (ADB) khẳng định, với những nghiên cứu thực nghiệm thông qua việc khảo sát phụ tải của họ cho thấy, tổng tiềm năng điều chỉnh phụ tải của Việt Nam ước tính là 4.009 MW, bằng 11,6% nhu cầu phụ tải đỉnh của EVN vào năm 2019.
Hơn 1/3 trong số này đến từ việc ngắt phụ tải không thiết yếu trong công nghiệp (1.261 MW hay 31% tổng tiềm năng).
Ước tính cũng có tiềm năng đáng kể từ tích trữ nhiệt trong các cơ sở thương mại, giảm nhu cầu đối với thiết bị làm lạnh và từ máy điều hòa không khí hộ gia đình.
Theo loại khách hàng, tiềm năng ĐCPT là khoảng 8% phụ tải sinh hoạt và công nghiệp, bằng 1/4 phụ tải thương mại tại thời điểm phụ tải đỉnh của hệ thống, được thúc đẩy bởi tiềm năng tích trữ nhiệt lớn được xác định trong các cơ sở thương mại.
Xét theo công ty điện, tiềm năng ĐCPT ước tính cao nhất tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc là 1.167 MW và điện lực miền Nam là 1.247 MW.
Ông Kulbhushan Kumar cũng nhấn mạnh những phát hiện chính về tiềm năng TKNL.
Đó là, ước tính tiềm năng TKNL là lớn nhất đối với máy điều hòa, quạt và đèn chiếu sáng hộ gia đình;
Đầu tư vào chiếu sáng, TKNL có thời gian hoàn vốn nhanh, hàm ý rằng khách hàng sẽ thực hiện việc đầu tư này nếu nhận thức được mức tiết kiệm;
Đầu tư vào quạt và máy điều hòa hiệu suất cao có thời gian hoàn vốn dài hơn và khách hàng có thể cần sự khuyến khích về tài chính để thực hiện việc thay thế này;
Tiềm năng trong công nghiệp có thể chưa được đánh giá đầy đủ do tập trung vào hiệu suất điện năng của các thiết bị tiêu chuẩn. Việc kiểm toán năng lượng theo từng cơ sở có thể giúp xác định những cơ hội bổ sung để giảm tiêu thụ điện năng.
Tháo gỡ cách nào?
Để thúc đẩy chương trình điều chỉnh phụ tải trong thời gian tới, ông Trần Viết Nguyên kiến nghị Bộ Công thương Chủ trì phối hợp với Bộ Tài Chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế tài chính, giá điện khuyến khích khách hàng tham gia DSM/DR.
Đồng thời, bố trí các nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ngoài ra, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về SDNLTK&HQ.
Đại diện EVN cũng kiến nghị Bộ Tài chính Chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan sửa đổi Nghị định số 10 theo hướng “các khoản chi phí thực hiện các Chương trình DSM/DR đươc xem là chi phí hợp lý và được hoạch toán vào chi phí SXKD của EVN”;
Đề xuất sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, hướng dẫn EVN các thủ tục thuế đối với chi phí thực hiện các chương trình DSM/DR;
Phối hợp với Bộ Công thương nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy mô hình ESCO và cơ chế cho các doanh nghiệp HCSN sử dụng dịch vụ hiệu quả năng lượng. Và tháo gỡ vướng mắc về bàn giao tài sản EVN cho dự án ESCO sau khi thu hồi vốn...
(Còn tiếp)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận