Thời gian gần đây, nhiều nơi dấy lên phong trào "Nói không với rác thải nhựa". Nhiều cơ quan, đơn vị, trường học... vận động sử dụng chai thủy tinh thay chai nhựa, cốc nhựa dùng một lần. Đó là một nỗ lực văn minh, cần thiết và cấp bách để bảo vệ hành tinh mà chúng ta đang sống.
Thế nhưng, vào trung tuần tháng 7 âm lịch, mùa Vu lan, báo chí loan tin, rất nhiều nơi tổ chức đại lễ báo hiếu, tri ân đấng sinh thành bằng cách chuẩn bị hàng chục ngàn bông hồng cài áo, đèn hoa đăng để thả trên sông. Chỉ riêng một địa điểm ở Hải Phòng đã thả 30.000 đèn hoa đăng và bông hồng cài áo gấp nhiều lần số đó.
Quang cảnh rất hoành tráng, có sức lay động và có ý nghĩa giáo dục.
Nhưng có một điều cần thiết phải nói ra. Bông hồng và hoa đăng được làm bằng nhựa, đèn hoa đăng nhiều nơi dùng bóng điện thắp sáng bằng pin thay cho nến. 30.000 ở một điểm, trên một con sông, và dịp đó, trên đất nước có bao nhiêu điểm, bao nhiêu con sông, bao nhiêu triệu hoa đăng được thả?
Bao nhiêu trong số đó biến thành rác thải plastic và pin - một loại chất thải được khuyến cáo là cực kỳ nguy hiểm.
Mà không chỉ một mùa Vu lan, hàng năm, có rất nhiều dịp thả đèn như thế.
Người thả rồi người đi vớt. Người dùng xả ra rồi người đi nhặt. Một vòng luẩn quẩn không có lối ra. Không có tổ chức, không có phong trào tình nguyện hay tự nguyện nào có thể kham nổi.
Trở lại phong trào "Nói không với rác thải nhựa" bằng việc dùng chai thủy tinh, nếu các nhà sản xuất nước đóng chai, nước giải khát, các loại nước thực phẩm, gia vị... mỗi ngày tung ra thị trường hàng triệu triệu chai nhựa, thì số người dùng chai thủy tinh đựng nước vẫn là con số quá nhỏ nhoi.
Vẫn biết mỗi người, mỗi động thái, mỗi nỗ lực là rất cần thiết và không bao giờ là vô ích, nhưng cuộc chiến rất cam go vì không có giải pháp căn cơ.
Có thể nêu một ví dụ: Giáo dục ý thức môi trường phải bắt đầu từ nhà trường. Thế nhưng, các nhà trường đều buộc học sinh bọc sách vở bằng bìa nilon dù nhiều loại vở đã có bìa cán láng, cũng là một dạng plastic, với chừng đó số lượng học sinh thì thật là khủng khiếp.
Rồi trên đường phố, vô vàn pano, áp phích, răng rôn... treo đợt này thay đợt khác, quanh năm suốt tháng, thử hỏi pano cũ "biến" đi đâu cho được?
Phải nói, có nhiều người trẻ rất có trách nhiệm, như các bạn chế ống hút bằng tre, rồi bằng gạo, hoặc chế ống hút dùng nhiều lần... nhưng chừng đó vẫn chưa đủ mà cần một giải pháp đồng bộ, trước hết là đồng bộ về nhận thức.
Có thể làm được không? Người viết bài này không am hiểu sâu về lĩnh vực này nhưng nghĩ là... có thể.
Ví dụ, đầu tiên thay cách bọc sách vở của học sinh. Nếu có chủ trương của ngành, chắc chắn được.
Ví dụ ngành Văn hóa thống nhất dùng bảng quảng cáo bằng loại dùng được nhiều lần (như màn hình led hoặc các kỹ thuật tiên tiến, đã có)... chắc chắn được.
Cái gì cũng phải có chủ trương và biện pháp quyết liệt. Phải có biện pháp hành chính mới tạo thói quen.
Đội mũ bảo hiểm là một ví dụ. Thoạt đầu, ngay cả báo chí cũng không thông, nói này nói nọ, nhưng giờ, không đội mũ bảo hiểm ra đường thấy mình lạc hậu, thiếu văn hóa, người khác nhìn mình bằng con mắt khinh thường.
Các đại lễ thả đèn như đã nói ở trên, có thể hạn chế hay làm cách khác được không? Tôi nghĩ khó nhưng không gì là không thể. Thấy nhiều người nói ở Thái Lan họ tết lá dừa thả hoa đăng, đế đèn dùng bã mía tự phân hủy chứ không đính lên miếng xốp như ở ta.
Nói đi đôi với làm. Không thể miệng nói vì môi trường này nọ cho có vẻ văn minh theo đúng trào lưu, còn làm thì một nẻo. Nếu thế thì mục tiêu hạn chế rác thải nhựa vẫn mãi mãi chỉ là mục tiêu.
Và rồi, chính chúng ta phải gánh chịu hậu quả đó trong sự ô nhiễm khủng khiếp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận