Lực lượng chức năng cưỡng chế một căn nhà xây dựng trái phép |
Nhà "mọc như nấm"
Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại địa bàn các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), vùng quy hoạch nhà ga đường sắt mới của Đà Nẵng, tình trạng cải tạo, xây mới nhà khá phổ biến. Tại các tổ 14, 15, 16, 17 và 18 (phường Hòa Khánh Nam) hàng trăm căn nhà mọc san sát, mới có, cũ có.
Căn nhà ông N.C.K. nằm trên trục đường Phạm Như Xương nối dài của phường Hòa Khánh Nam. Những ngày này, ông K. cho thợ xây tường bao trên mảnh đất trống khoảng 100m2 để mở quán cà phê. Ông K. cho biết, tổng diện tích đất hơn 600m2, gia đình sống ở đây trước năm 1975. Cách đây 5 năm, người con trai cả lập gia đình, ông xây thêm một căn nhà rộng hơn 100m2 ngay bên cạnh cho con ở. “Xưa giờ đất ở đây như nông thôn, con cái có vợ cứ làm nhà trong vườn thôi, cũng không ai hỏi”, ông K. cho biết.
Theo ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng, thành phố đang hoàn thiện bổ sung hồ sơ bước tiền khả thi dự án di dời nhà ga đường sắt Đà Nẵng. Được biết, dự án có tổng mức vốn đầu tư dự kiến 5.764 tỉ đồng đã được lên kế hoạch từ năm 2004. Vị trí di dời ga Đà Nẵng thuộc địa phận phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) với tổng diện tích 95,4ha. Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, có tổng kinh phí đầu tư 3.393 tỉ đồng, bao gồm chi phí xây dựng, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án và chi phí dự phòng. Hình thức đầu tư công kết hợp với doanh nghiệp tự đầu tư. Giai đoạn 2, tổng kinh phí dự kiến 2.371 tỉ đồng sẽ thực hiện khi Nhà nước cân đối được nguồn vốn. |
Chị L.T.L. (quê gốc ở Quảng Nam) cho biết, năm 2008, vợ chồng chị chuyển tới phường Hòa Khánh Nam mua một căn nhà không giấy tờ của một người dân địa phương mới xây xong, tính cả diện tích sân vườn là 120m2. Vừa mua nhà, vợ chồng chị tiếp tục mở rộng thêm một gian nhà. Đến năm 2014, khi căn nhà này được cấp sổ đỏ, vợ chồng chị tiếp tục mở rộng thêm nhà trên toàn bộ diện tích sẵn có.
“Hồi đó, có cán bộ đến kiểm tra, nhưng chỉ nhắc nhở không xử phạt gì”, chị L. cho biết. Theo các hộ dân ở đây, họ biết khu vực mình xây nhà nằm trong dự án ga đường sắt nhưng lâu không thấy dự án triển khai. Do đó, người dân cứ ồ ạt làm nhà.
Thống kê của UBND phường Hòa Khánh Nam, toàn phường hiện có hơn 6.200 hộ dân với 29 nghìn nhân khẩu. Phường này có khoảng 20 tổ dân phố nằm trong vùng quy hoạch dự án ga Đà Nẵng. Ông Võ Khoa Nguyên, Chủ tịch UBND phường cho hay: Do dự án ga kéo dài nhiều năm nên người dân vẫn lén lút xây dựng ban đêm.
Tại cuộc họp thường kỳ UBND TP Đà Nẵng cuối tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Nhường, Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu thông tin, gần 5.000 căn nhà mọc lên xung quanh dự án ga Đà Nẵng tại quận Liên Chiểu. Theo ông Nhường, con số này có cả nhà cũ, nhà phát sinh mới. Thời điểm công bố quy hoạch, khu vực bên trong ga chỉ có 122 ngôi nhà. Nhưng hơn chục năm qua mọc lên hơn 2.000 ngôi nhà. Phần diện tích được quy hoạch làm cơ sở hạ tầng sau ga cũng mọc lên khoảng 2.500 căn nữa.
Truy trách nhiệm...
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, lúc đầu, quy hoạch ga ở một vị trí tại quận Liên Chiểu, sau đó thấy xây dựng trái phép nhiều quá đã phải dời đi vị trí khác. Nhưng dời sang chỗ khác, tình trạng xây dựng trái phép cũng mọc lên rất nhiều. Ông Thơ lo ngại việc di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố phá sản. “Có bán hết cả nhà ga hiện nay ở phường Tân Chính (quận Thanh Khê) cũng không đền bù nổi cho 5.000 ngôi nhà này”, ông Thơ nói.
Còn ông Nhường cho hay, nguyên tắc khu vực nằm trong quy hoạch dự án, người dân không được xây dựng mới. Nhà cũ có sẵn chỉ được cải tạo, sửa chữa nguyên trạng, nếu mở rộng thì diện tích không quá 50m2. Do quy hoạch để quá lâu, người dân bức bí về chỗ ở nên cũng phải cho phép họ cơi nới nhà cũ. Tuy nhiên, ngoài các trường hợp cải tạo đúng quy định, tình trạng xây nhà trái phép, thậm chí chuyển nhượng đất nông nghiệp, làm nhà trái phép khu vực dự án ga đường sắt trên địa bàn vẫn diễn ra ồ ạt.
Theo lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu, vấn nạn này đang được thanh tra Đà Nẵng làm rõ theo chỉ đạo của UBND thành phố. Hiện, Thanh tra Đà Nẵng đã chuyển Công an thành phố điều tra 72 hồ sơ nghi giả mạo. Sắp tới, khi có kết luận thanh tra phải truy trách nhiệm. Ai để xảy ra xây dựng trái phép người đó chịu trách nhiệm, kể cả những người làm ở các nhiệm kỳ trước.
Tính riêng năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, cơ quan chức năng quận Liên Chiểu kiểm tra, xử lý gần 170 trường hợp vi phạm xây dựng nhà ở, công trình trên địa bàn, tập trung nhiều nhất là hai phường Hòa Khánh Nam và Hòa Minh, với các hành vi chính: Xây dựng nhà ở mới không phép, hoặc cơi nới công trình như xây móng, tường rào ở các khu vực cấm xây mới... Trong đó, thuộc các dự án quy hoạch nhà ga đường sắt Đà Nẵng, cảng nước sâu Liên Chiểu.
Đang xây dựng kịch bản đầu tư ga Đà Nẵng Ông Khương Thế Duy, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, từ năm 2015, Cục Đường sắt VN đã tổ chức lập quy hoạch di dời Ga đường sắt Đà Nẵng và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm thành phố. Đơn vị cũng phối hợp với Sở Xây dựng Đà Nẵng và các ban, ngành của TP Đà Nẵng thống nhất nội dung và đã được UBND TP Đà Nẵng thỏa thuận quy hoạch. Cục Đường sắt VN đã hoàn thiện quy hoạch và trình Bộ GTVT xem xét, phê duyệt vào tháng 3/2016. Hiện, Bộ GTVT đang giao Ban Quản lý dự án đường sắt triển khai xây dựng Đề xuất dự án xã hội hóa đầu tư di dời Ga đường sắt Đà Nẵng và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm thành phố nên sẽ xem xét, phê duyệt quy hoạch sau khi đề xuất dự án được phê duyệt. Bộ GTVT ủng hộ di dời ga Đà Nẵng, vì đã nằm trong các chiến lược, quy hoạch đã được xác định. Thời gian vừa qua, các đơn vị đã tích cực làm việc với TP Đà Nẵng về quy hoạch này và xây dựng kịch bản đầu tư. Hiện, có nhiều kịch bản để đầu tư, trong đó phân định rõ hạng mục nào sử dụng nguồn vốn nào, kể cả vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương. Tuy nhiên, do phương án và nguồn vốn đầu tư cho dự án hiện vẫn chưa có nên đang tiếp tục hoàn thiện phương án. Thanh Thúy |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận