Xã hội

Ồ ạt xây thuỷ điện "cóc", có hay không nhóm lợi ích từ phá rừng?

19/10/2020, 17:31

Trước tình trạng ồ ạt đầu tư xây thuỷ điện "cóc" ở miền Trung, các chuyên gia đặt nghi vấn, có hay không nhóm lợi ích từ nguồn thu phá rừng?

img
Các chuyên gia nghi vấn, nhiều chủ đầu tư làm thuỷ điện để phá rừng trục lợi, từ đó để lại nhiều hậu quả như biến đổi khí hậu, sạt lở đất, lũ quét... Ảnh: Cứu hộ mở đường vào thuỷ điện Rào Trăng 3, Thừa Thiên - Huế

Ồ ạt đầu tư xây dựng thuỷ điện "cóc"

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện nay trên địa bàn các tỉnh miền Trung có tới hàng trăm thủy điện lớn và nhỏ đang hoạt động và triển khai xây dựng.

Cụ thể tại Quảng Trị: Đến đầu 2019, tỉnh này có 7 dự án thủy điện (công suất từ 3 MW đến 64 MW) đã đi vào vận hành, phát điện như: Thủy điện Quảng Trị, công suất 64 MW với 2 tổ máy, khởi công tháng 8/2003 hoàn thành tháng 7/2009; Thủy điện Đa Krông 1, công suất lắp máy 12 MW với 2 tổ máy, sản lượng điện trung bình hàng năm 45,65 triệu kWh, đặt tại xã Húc Nghì huyện Đa Krông tỉnh Quảng Trị; Dự án được khởi động tháng 11/2009, tái khởi công cuối năm 2014, hoàn thành tháng 01/2018; Thủy điện Đa Krông 2, công suất lắp máy 18 MW với 2 tổ máy, đặt tại thôn Xa Lăng xã Đa Krông huyện Đa Krông tỉnh Quảng Trị, khởi công xây dựng năm 2011, hoàn thành tháng 05/2013; Nhà máy thủy điện Đakrông 3, công suất lắp đặt 4 MW; Nhà máy Thủy điện Đakrông 4, công suất 28MW được khởi công năm 2017 và đưa vào sử dụng năm 2019; Dự án Thủy điện Bản Mới, Đakrông có công suất 5 MW; Dự án Thủy điện La Tó; Ngoài ra còn 4 dự án khác đang xây dựng.

Tương tự tại Thừa Thiên - Huế, tính đến tháng 1/2018 đã có đến 11 dự án thuỷ điện vừa và nhỏ đã và đang triển khai: Thuỷ điện Bình Điền, Thuỷ điện Hương Điền và Thuỷ điện A Lưới, với tổng giá trị thực hiện trong năm 2007 đạt 806,5 tỉ đồng; Còn lại Thuỷ điện A Roàng (dự kiến công suất lắp máy 10 MW, vốn đầu tư 6 tỉ đồng); Thuỷ điện Hồng Hạ (dự kiến công suất lắp máy 3 MW); Thuỷ điện Thượng Nhật (dự kiến công suất lắp máy 7 MW); Thuỷ điện Sông Bồ (dự kiến công suất lắp máy 7 MW). Các dự án thuỷ điện còn lại gồm: Thuỷ điện A Ling, Hồng Thuỷ (huyện A Lưới), Thượng Lộ (huyện Nam Đông) đang trong giai đoạn nghiên cứu lập báo cáo đầu tư.

Tại Quảng Bình, hiện cũng có trên 10 thủy điện và hàng loạt dự án khác dần hình thành trong tương lai...

Làm thuỷ điện để trục lợi từ rừng?

Chia sẻ với báo chí, ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Nghệ An cho biết, thủy điện “cóc” là dạng dự án thủy điện có công suất nhỏ. Dạng dự án này được nhiều doanh nghiệp lao vào làm vì thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận lớn.

"Người ta xây thủy điện với lý do điều tiết lũ, nhưng thật ra không phải như vậy. Họ kiếm lợi từ cây rừng bị chặt phá là chính, rồi sau đó có thể là năng lượng điện và nhiều nguồn tài nguyên khác. Nhưng vô hình chung, khi họ phá rừng thì cũng tước mất lá chắn hữu hiệu của thiên nhiên để điều tiết các dòng chảy của nước," ông Thành cho hay.

Theo ông Thành, bình quân các nhà máy thủy điện cóc 1MW tiêu tốn 1-10 ha rừng đầu nguồn. Ví dụ dự án Rào Trăng 3 công suất 11 MW chiếm 11 ha, dự án Rào Trăng 4 công suất 14 MW tốn 168 ha rừng vùng Khu bảo tồn thiên nhiên huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) và đầu tư hết 290-500 tỷ đồng.

"Sao cứ phải nhăm nhe lên rừng? Hay ngoài xả nước hái tiền thì còn có thứ đằng sau dự án là tận dụng gỗ rừng? Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế còn có 11 dự án thủy điện cóc tổng công suất chỉ 105 MW! Rất cần rà lại để loại bỏ không chỉ ở tỉnh này mà tất cả", ông Thành quan ngại.

TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) khẳng định, trong các dự án về đầu tư, đầu tư vào thủy điện là hiệu quả nhất. Tổng mức phí ban đầu tuy rất cao, song lợi nhuận lớn.

Theo ông Long, lượng điện sản xuất ra bao nhiêu đều được bán hết, không chỉ phục vụ chỉ riêng trong nước mà nhu cầu xuất khẩu điện sang các nước khác cao, thời gian vận hành lâu dài nên dẫn đến tình trạng "người người, nhà nhà" đua nhau tìm kiếm cơ hội phá rừng đầu tư thủy điện.

Cũng theo vị chuyên gia, đồng ý phê duyệt công trình thủy điện, đồng nghĩa với việc chấp nhận chặt cây, phá rừng với diện tích lớn. Và khoản lợi từ khai thác gỗ cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư hứng thú đầu tư thuỷ điện trên rừng.

"Việc cấp phép cho các dự án thủy điện khó, phức tạp vì ảnh hưởng, tác động đến môi trường lâu dài và nghiêm trọng. Nhưng trên thực tế vẫn có hàng chục, hàng trăm công trình được cấp phép xây dựng? Có hay không việc tồn tại các "nhóm lợi ích" trong việc bất chấp để phê duyệt hàng loạt dự án thủy điện cóc này?", ông Long đặt nghi vấn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.