Xã hội

Ổ dịch tả lợn châu Phi: Có triệu chứng, tiêu hủy ngay không cần lấy mẫu

14/03/2019, 15:48

Dịch tả lợn châu Phi đã lây lan rộng ra 17 tỉnh thành phố, và còn có xu hướng lây lan tiếp.

img
Bộ NN-PTNT họp khẩn bàn giải pháp khống chế và ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan chiều 14/3

Chiều 14/3, Bộ NN-PTNT họp khẩn về giải pháp khống chế ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan. Tính tới thời điểm hiện tại, dịch bệnh nguy hiểm này đã xuất hiện tại 52 huyện của 17 tỉnh thành phố với số lợn mắc dịch phải tiêu hủy lên tới 23.442 con. Tính tới nay vẫn chưa có ổ dịch nào qua được 30 ngày.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, kể từ khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên, sau 1,5 tháng cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. "Dù đã tập trung các giải pháp nhưng vẫn cần các địa phương làm quyết liệt hơn, thậm chí phải chỉnh sửa giải pháp đối phó nếu không dịch sẽ còn tiếp tục lây lan rộng hơn. Hơn nữa, diễn biến thời tiết với mưa phùn gió bấc, cũng đang tạo điều kiện virus phát tán, lây lan rộng", ông Cường lưu ý.

Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, dịch tả lợn châu Phi chỉ xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa có ở các trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Kết quả điều tra tại 44 ổ dịch cho thấy, nguyên nhân chính do người chăn nuôi, thương lái vì lợi ích trước mắt đã mua bán giết mổ vận chuyển lợn bệnh dẫn tới dịch lây lan nhanh. Ngoài ra virus có khả năng tồn tại lâu trong môi trường, dụng cụ chăn nuôi do vậy rất khó kiểm soát vệ sinh phòng bệnh. Mặt khác sử dụng thức ăn dư thừa vẫn còn phổ biến…

“Một số địa phương, dịch bệnh xảy ra ở diện rộng lực lượng thú y phải tham gia triển khai chống dịch chưa đầy đủ và kịp thời. Việc điều tra xác định nguyên nhân dịch lây lan, nhất là tại các xã các huyện mới phát sinh dịch chưa được thực hiện, dẫn đến chưa thể tổng kết đầy đủ, chính xác về nguyên nhân dịch bệnh xuất hiện, lây lan tại các địa phương”, ông Đông cho biết.

Cũng theo ông Đông, tại các ổ dịch, mặc dù đã có các chốt kiểm dịch nhưng không kiểm soát chặt chẽ các phương tiện, người, động vật, sản phẩm động vật. Cụ thể, một số đoàn công tác phát hiện có người dân chở lợn sống bằng xe máy trong thôn đang có dịch tại Thái Bình. Tại nhiều vùng dịch, chính quyền địa phương chưa quản lý trriệt để những thương lái đi thu gom lợn, trong đó có lợn ốm, chết; việc quản lý những người tham gia truyền tinh lợn, buôn bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y …chưa triệt để, dẫn đến đây là những yếu tố nguy cơ cao làm lây lan dịch. Bên cạnh đó, nhiều người tham gia xử lý tiêu hủy lợn bệnh chưa được tập huấn kỹ về an toàn sinh học cá nhân; một số người tham gia xử lý, tiêu hủy lợn bệnh đã làm dịch bệnh về đàn lợn của gia đình mình.

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan, Bộ NN-PTNT đã có công văn gửi các tỉnh từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng bình về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn từ các tỉnh phía Bắc vào Nam. Tạm dừng vận chuyển lợn từ các huyện có dịch ra khỏi huyện trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi con lợn cuối cùng mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi được tiêu hủy trên địa bàn cấp huyện.

Đối với việc lấy mẫu xét nghiệm và xử lý lợn mắc bệnh, Cục Thú y đề nghị: Tại các hộ/trại khác trong cùng địa phương cấp thôn có dịch bệnh, tiêu hủy hoàn toàn đàn lợn có biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh dịch tả lợn châu Phi hoặc lợn chết không rõ nguyên nhân và xử lý ổ dịch theo quy định; không cần thiết phải lấy mẫu xét nghiệm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.