Chất lượng sống

“O du kích nhỏ” và 2 lần gặp định mệnh phi công Mỹ

22/06/2018, 06:30

Ở tuổi xưa nay hiếm, “o du kích nhỏ” Nguyễn Thị Kim Lai chỉ ao ước được một lần nữa gặp lại...

99

Bức ảnh ‘’O du kích nhỏ’’

Cô gái 37kg bắt giặc lái Mỹ 120kg

Bà Nguyễn Thị Kim Lai (SN 1948) là con út trong gia đình có 4 anh em ở xã Phú Phong, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1965, khi vừa học hết lớp 7 (tương đương lớp 9 bây giờ), bà Lai xin vào đội dân quân tự vệ của xã, tham gia trực chiến, đào hầm.

“Lúc bấy giờ, Hà Tĩnh nằm trong vùng giáp ranh 2 đầu chiến tuyến nên là trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Máy bay Mỹ ngày đêm gầm rú, cày xới mọi cung đường. Tuy nhiên, quân và dân Hà Tĩnh vẫn kiên cường bám đất, bám đường: Vừa chiến đấu chống lại sự phá hoại của máy bay địch, vừa đảm bảo các tuyến đường thông suốt để các đoàn xe, đoàn quân kịp thời ra tiền tuyến”, bà Lai nhớ lại.

Sáng 20/9/1965, hàng chục máy bay Mỹ thả bom xuống cầu Đà Lề (thuộc xã Lộc Yên, huyện Hương Khê). Một chiếc F105 bị trúng đạn bốc cháy, phi công Mỹ vừa nhảy dù vừa phát tín hiệu cầu cứu. Nhận được tín hiệu, ba chiếc trực thăng của địch tìm đến yểm trợ. Những tưởng cứu được người, ngờ đâu lại thêm một chiếc trực thăng bị quân dân Hương Khê bắn hạ.

“Sau khi chiếc trực thăng bốc cháy, có thêm 3 phi công Mỹ bung dù thoát thân. Biết có 4 tên giặc lái Mỹ đang ẩn nấp trong rừng, dân quân ở nhiều xã miền núi huyện Hương Khê đã được điều động, phối hợp với bộ đội lùng bắt”, bà Lai kể.

9h sáng hôm sau, khi đang tìm kiếm phi công Mỹ tại cánh rừng ở xã Hương Trà, bà Lai phát hiện ở hốc đá cách mình khoảng vài mét có tiếng động. Tiến lại gần, bà thấy một phi công Mỹ đang ngồi co ro, vẻ sợ hãi. Sau 3 phát súng chỉ thiên của nữ du kích, tên giặc lái cao to đã giơ tay đầu hàng. Nghe tiếng súng, mọi người chạy đến khống chế, trói tay phi công rồi dẫn về huyện.

“Lúc ấy tôi cao 1,5m, nặng 37kg, còn phi công William Andrew Robinson cao 2,2m, nặng 120kg. Tôi là người phát hiện đầu tiên, cũng nhỏ nhất trong tiểu đội, nên mọi người đã để tôi bồng súng áp giải phi công Mỹ về huyện”, bà Lai kể.

101

Bà Lai và Robinson chụp hình kỷ niệm trong lần gặp thứ 2 năm 1995 

Lần gặp lại bất ngờ

Sau khi dẫn giải về huyện, phi công Mỹ được quân dân ta chăm sóc chu đáo nhưng vẫn một mực không ăn, không uống. Qua người phiên dịch, William muốn gặp nữ du kích bắt ông lúc ở trong rừng. Khi bà Lai đến, đưa cơm nước, William lại ăn uống một cách ngon lành. “Khi người phiên dịch hỏi tại sao thì anh ấy nói là vì tôi giống em gái ruột của anh ấy. Nhìn tôi, anh ấy lại nhớ đến người em gái ở quê nhà nên chỉ muốn gặp và được tôi chăm sóc”, bà Lai kể.

Sau khi bị bắt làm tù binh, bị giam giữ gần 3.000 ngày, tháng 12/1973, William Andrew Robinson được trả về nước. Không lâu sau lần bắt sống giặc lái Mỹ, nữ dân quân Nguyễn Thị Kim Lai xin gia nhập quân đội rồi được cử đi học lớp y tá. Sau đó, bà xung phong vào mặt trận B5, miền Tây Quảng Trị. Năm 1977, bà xuất ngũ về công tác cho Viện Đông y Hà Tĩnh và lập gia đình. Đến năm 1992, bà Lai nghỉ hưu theo chế độ, trở về gia đình chăm sóc con cháu.

“O du kích nhỏ” là tác phẩm ảnh đen trắng khổ dọc của nhà báo Phan Thoan (nguyên phóng viên báo Hà Tĩnh). Bức ảnh miêu tả nữ du kích Nguyễn Thị Kim Lai (ngày đó 17 tuổi, trú xã Phú Phong, Hương Khê, Hà Tĩnh) đội mũ cối, hai tay bồng súng, áp giải phi công Mỹ William Andrew Robinson (22 tuổi) to lớn, tay bị trói đang lom khom bước cúi đầu. Năm 1966, bức ảnh “O du kích nhỏ” được trưng bày trong triển lãm ảnh toàn quốc. Năm 1967, bức ảnh được đưa lên tem thư của Bưu điện Việt Nam nhân dịp máy quân dân miền Bắc bắn rơi chiếc máy bay thứ 2.000 của Mỹ. Con tem này được gửi đi 167 nước, gồm cả Mỹ. Từ bức ảnh này, nhà thơ Tố Hữu viết: “O du kích nhỏ giương cao súng/ Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu/ Ra thế! To gan hơn béo bụng/ Anh hùng đâu cứ phải mày râu!”.

Một sáng tháng 9/1995, đang bế cháu ngồi chơi bên nhà hàng xóm, bà nghe tiếng gọi: “Bà Lai ơi, về đi, có người nước ngoài tới hỏi thăm”. Tất tả đi về, bà thấy một người đàn ông cao lớn đứng ở cổng nên ngạc nhiên nghĩ trong đầu: “Ai mà cao to giống như William hồi mình giải lên huyện ấy nhỉ?”.

Chưa kịp chào hỏi, người phi công năm xưa đã dang hai tay ôm cả hai bà cháu và xúc động nói: “Nếu như hồi đó một trong hai người chĩa súng bắn về phía bên kia, tôi và bà sẽ không có ngày hôm nay”. Sau đó, 2 người kể cho nhau về cuộc đời của mình sau hôm gặp định mệnh năm đó. Ông bà còn rủ nhau quay lại tìm hang đá và con đường bà áp giải William lên huyện Hương Khê. Thế nhưng, vì thời gian cây cối mọc bao phủ và do có mưa nên hai người không thể đi sâu vào rừng…

Thì ra, năm 1995, qua bức ảnh chụp “O du kích nhỏ giương cao súng”, cố đạo diễn Lê Mạnh Thích của Xưởng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư xây dựng ý tưởng làm bộ phim Cuộc hội ngộ sau 30 năm, do Hãng truyền hình NHK (Nhật Bản) tài trợ. Phim sẽ có phân cảnh bà và William gặp lại nhau và bà đã đồng ý.

Mong ước cuối đời

O du kích nhỏ ngày ấy giờ đã thành bà cụ, tóc bạc hơn nửa phần. Căn nhà mà bà được gặp lại cựu quân nhân Mỹ hơn 20 năm trước cũng đã bán và chuyển đến nơi ở mới cuối ngõ nhỏ đường Xuân Diệu (TP Hà Tĩnh). Nhưng bà vẫn dành nơi trang trọng nhất trong nhà để treo những bức ảnh bà chụp chung cùng William - người bạn ở cách nửa vòng trái đất và duy chỉ mới gặp 2 lần.

Ở lần gặp năm 1995, William kể cho bà Lai nghe, sau khi được trả về nước Mỹ, ông phải chịu cảnh thất nghiệp 6 năm rồi xin làm thợ sửa ô tô nhưng cuộc sống khá khó khăn, phải ở nhờ căn hộ của người bạn.

“Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ đôi mắt đượm buồn của William khi được hỏi chuyện gia đình. William có đến hai lần cưới vợ (vợ thứ nhất mất vì ung thư) nhưng vẫn chưa được một lần làm cha. William cảm thấy “ghen tị” với hạnh phúc gia đình của tôi. Ông ấy còn nói, từ lâu rất muốn một lần sang Việt Nam tìm gặp lại tôi nhưng hoàn cảnh không cho phép cho đến khi Hãng NHK của Nhật Bản mời làm phim tư liệu…”, bà Lai kể.

Lần gặp mặt ngắn ngủi 23 năm trước, bà Lai tặng vợ William một chiếc nón làm kỷ niệm kèm lời nhắn nhủ nếu có duyên sẽ có thêm một lần tái ngộ tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ đó đến nay bà không hay biết thông tin gì về cuộc sống của William nữa.

“Giờ đây tôi đã ở tuổi gần đất xa trời. Trước khi nằm xuống, nếu tôi được gặp lại William lần nữa thì quý biết mấy…”, bà Lai trầm ngâm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.