Ô nhiễm nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe con người |
Cạn kiệt và ô nhiễm
Vụ việc Công ty Nicotex Thanh Thái (huyện Yên Định, Thanh Hóa) chôn hóa chất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước và làm hàng ngàn người dân nơi đây mắc nhiều bệnh là dẫn chứng điển hình về sự ảnh hưởng của ô nhiễm nước đến đời sống con người. Gần 1.000 người dân sống xung quanh khu vực này, đặc biệt là người dân sống cạnh con suối Rọc Nĩu - Bai Thờ chảy từ trên núi - nơi có Công ty Nicotex Thanh Thái hoạt động, đã mắc nhiều căn bệnh hiểm nghèo như: Ung thư, thần kinh, u bướu, vô sinh và sinh con dị dạng... Hay câu chuyện “làng cô đơn” ở thôn 3A, xã Thanh Phong (huyện Thanh Chương, Nghệ An), nguồn nước tại đây bị nhiễm thạch tín khiến hàng chục người dân mắc bệnh ung thư, ung bướu….
"Tại một số địa phương ở Việt Nam, khi quan sát các trường hợp ung thư, viêm nhiễm ở phụ nữ, đã thấy 40 - 50% là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém”.
Bà Nguyễn Ngọc Lý |
Tại hội thảo “Kiểm soát ô nhiễm nước Việt Nam: Thực tiễn và chính sách” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng phối hợp tổ chức, sáng 17/4, ông Trần Việt Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam có nguồn tài nguyên nước dồi dào với khoảng trên 2.300 sông, suối có độ dài trên 10km và hàng ngàn hồ ao, đất ngập nước. Tuy nhiên, với việc sử dụng và khai thác tùy tiện đã và đang phá hủy các nguồn nước, khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là tại các đô thị, khu công nghiệp và làng nghề... Ở các thành phố lớn, nguồn nước ô nhiễm vì cơ sở sản xuất công nghiệp không có công trình và thiết bị xử lý chất thải. Ở nông thôn, phần lớn chất thải của con người và gia súc không được xử lý thấm xuống đất hoặc bị rửa trôi khiến nguồn nước ngày càng bẩn. Hệ quả, chính con người đang phải gánh chịu những ảnh hưởng sức khỏe, tăng nguy cơ ung thư, sảy thai và dị tật bẩm sinh... từ việc sử dụng nước bẩn.
Bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đưa ra kết quả nghiên cứu: Ở Việt Nam, gần 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện hàng năm có nguyên nhân chính là sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Còn theo kết quả điều tra của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên - Môi trường), đến nay cả nước có 37 “làng ung thư”. Một trong những nguyên nhân tạo nên “làng ung thư” là do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm từ chất độc chiến tranh, chất thải công nghiệp, hoặc các công trình cung cấp nước sạch bị nhiễm bẩn.
Cần có Luật kiểm soát ô nhiễm nguồn nước
Lo lắng trước thực trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng, PGS.TS Phạm Văn Lợi - Viện trưởng Viện Khoa học Quản lý môi trường (Tổng cục Môi trường) đề xuất, ngoài Luật Bảo vệ môi trường 2005, Tài nguyên nước sửa đổi 2012, (trong đó chưa quy định cụ thể về kiểm soát ô nhiễm nước) cần có Luật riêng về bảo vệ môi trường nước, kiểm soát ô nhiễm môi trường nước. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Lý cho rằng, do tính chất đa dạng của các chất gây ô nhiễm và độ bao phủ xuyên biên giới của nước, việc kiểm soát ô nhiễm nước phức tạp và đòi hỏi có luật Kiểm soát ô nhiễm nước với chế tài mạnh và rõ ràng.
“Có kiểm soát được ô nhiễm nguồn nước mới mong phát triển KT-XH” - bà Ngọc Lý nhấn mạnh. Còn G.S... Cố vấn cao cấp của Liên Minh... Đặng Ngọc Dinh (Liên minh Nước sạch) khuyến nghị cần xây dựng Luật ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước dựa trên nguyên tắc: Quản lý môi trường nước dựa trên kết quả cuối cùng và quy định rõ trách nhiệm. Theo đó, cần loại bỏ các nguồn chất gây ô nhiễm nước ra khỏi nguồn nước; đồng thời, ưu tiên xử lý các điểm ô nhiễm công nghiệp và đô thị; công bằng trách nhiệm giữa cơ quan quản lý (Nhà nước) - doanh nghiệp - cộng đồng dân cư; đặc biệt lưu ý gắn trách nhiệm chính quyền địa phương trong công tác kiểm soát ô nhiễm nguồn nước…
Vũ Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận