Lâu nay, những doanh nghiệp “ăn nên làm ra” có nhiều cách để chăm sóc và giữ chân người lao động, như mua bảo hiểm nhân thọ, trả lương cao... nhưng việc cha mẹ của người lao động cũng được nhận lương hàng tháng thì lại là sự lạ. “Tôi coi nhân viên như cha mẹ mình, vì chính họ đã làm nên sự phát triển của công ty”, ông Nguyễn Đàm Văn, Giám đốc Công ty Du lịch Văn Minh đã mở đầu câu chuyện với PV Báo Giao thông như thế.
Mỗi năm chi 4 tỷ trả lương cho cha mẹ nhân viên
14 năm trong nghề lái xe, làm việc tại nhiều đơn vị khác nhau, nhưng cho đến bây giờ, khi được hỏi anh Nguyễn Hồng Sơn (SN 1975, trú phường Đội Cung, TP Vinh) vẫn khẳng định: Sẽ gắn bó lâu dài với Công ty Du lịch Văn Minh (TP Vinh, Nghệ An). Lý do để anh Sơn đưa ra quyết định này chính là những giá trị mà Văn Minh mang lại cho mình cùng với gia đình. Anh Sơn cho biết: “Khi bước chân vào Văn Minh, tôi thực sự bất ngờ vì môi trường làm việc chuyên nghiệp và chế độ chăm sóc người lao động của công ty này. Dù chỉ là anh lái xe, nhưng hàng tháng ngoài lương trả cho bản thân công ty còn trả cho bố mẹ tôi đang ở quê mỗi người 500 nghìn đồng/tháng”.
Anh Nguyễn Thanh Bình (1976, TX Hoàng Mai) từng làm lái xe nhiều năm, trong đó có cả 4 năm lái xe khách đường dài đi TP HCM. Đến khi sang Văn Minh làm việc, anh vô cùng ngạc nhiên trước cách làm việc ở đây. Anh Bình cho biết: “Từ khi sang đây làm việc, mình thấy thoải mái hẳn. Xe không bắt khách dọc đường nên anh em không bị áp lực gì. Đặc biệt, ở đây thực hiện chế độ phúc lợi rất tốt và đầy đủ. Lãnh đạo cấp trên luôn quan tâm đến cuộc sống, gia đình nhân viên, nhà có công việc gì đều cử người đại diện đến chia sẻ”.
Bà Hoàng Thị Trinh (mẹ anh Sơn) cho biết: Năm 2013, Sơn đang làm lái xe taxi thì nộp đơn xin vào làm tại Công ty Văn Minh. “Từ đó đến nay, tôi thấy Sơn trưởng thành hơn nhiều, đứng đắn, lịch sự, chăm lo cho gia đình, bố mẹ nhiều hơn. Bố Sơn bị tai biến gần 10 năm rồi nhưng hàng tháng, hàng quý lãnh đạo công ty đều đến nhà thăm hỏi, hỗ trợ lương cả hai ông bà rất chu đáo và tình cảm”, bà Trinh chia sẻ.
“Tôi luôn dành ra một khoản tiền 3 - 4 tỷ/năm để chăm lo cho bố mẹ nhân viên. Số tiền này không chuyển khoản cho nhân viên mà do lãnh đạo công ty trực tiếp tới nhà, trao tận tay cho bố mẹ dù trong Nam hay ở ngoài Bắc. Việc làm này vừa tạo sự gắn kết trong công ty, cũng vừa để lãnh đạo công ty biết rõ hoàn cảnh, thân thế từng người”, ông Văn cho biết.
Nhân viên là ân nhân của lãnh đạo
Khi nói về chìa khóa làm nên thành công của công ty, ông Văn luôn nhấn mạnh vai trò của những cán bộ, nhân viên trong công ty. Ông Văn cho rằng: “Nghề vận tải không đòi hỏi cao, nhưng lại rất kén người. Nếu sắp xếp thứ tự giữa chiến lược phát triển, nhân viên và khách hàng thì nhân viên luôn phải ở vị trí số 1. Đối với tôi, nhân viên không phải là “lính”. Họ chính là người trả lương cho mình. Họ làm tốt thì mình mới có khách hàng. Vì vậy, ở Văn Minh, tôi luôn coi công nhân là ân nhân của mình”.
Ngoài ra, đội ngũ lái phụ xe Văn Minh còn được đặc biệt quan tâm. Với những người xuất sắc, lái xe trong năm không vi phạm luật giao thông, không để xảy ra tai nạn sẽ được thưởng 1 chuyến du lịch nước ngoài. Còn với những người không may bị tai nạn, công ty sẽ cho người trông nuôi chăm sóc, chi trả tiền viện phí, trả lương như lúc đi làm. Nếu không may bị thương tật vĩnh viễn, công ty sẽ nuôi đến lúc nghỉ hưu (có lương bảo hiểm).
Tuy rất đề cao người lao động là vậy nhưng Văn Minh còn có sự khác biệt nữa chính là rất hà khắc trong kỷ luật. Lái xe Sơn cho biết: “Làm ở Văn Minh khi vi phạm kỷ luật của công ty, nhẹ thì bị phạt tiền, nặng thì sa thải. Riêng với đội ngũ lái phụ xe, anh Văn đặt ra yêu cầu là khi lên ghế lái là không mang điện thoại, phải thắt dây an toàn và đặc biệt là không được ăn cơm miễn phí của quán. Tất cả lái xe phải ăn cùng hành khách, xuất ăn trị giá 50 nghìn đồng. Tôi thấy đây là việc làm rất nhân văn, tạo niềm tin cho khách hàng”.
Khi tìm hiểu sâu về Văn Minh, bản thân chúng tôi cũng phải thán phục trước những suy nghĩ có phần khác người của ông chủ công ty này. Ông Văn luôn muốn “làm ra những cái để người ta nhớ đến mình”. Đơn cử như chuyện tăng lương cho nhân viên khi công ty gặp khó khăn. Ông Văn kể: “Năm 2012, do ảnh hưởng của cơn bão suy thoái kinh tế, Văn Minh cũng như nhiều công ty khác, gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Lúc đó, nhiều nơi tìm cách sa thải nhân viên để không phải trả lương, trả thưởng Tết, nhưng tôi lại quyết định tăng lương cho nhân viên. Việc này khiến nhiều người lấy làm lạ nhưng với tôi đây là cách vượt khó tốt nhất. Khi người lao động được trả lương xứng đáng, họ sẽ có thêm động lực để làm việc tốt hơn. Và thực tế, năm đó, Văn Minh đã vượt khó thành công”.
Ngày hôm nay ngồi nhìn lại bản thân, ông Văn vẫn trăn trở suy nghĩ: “Thành quả của hôm nay rất có thể trở thành rào cản ở tương lai”. Vì thế, ông không cho phép mình dừng lại. “Đối với lĩnh vực vận tải, mình luôn phải nhìn vào thị trường để phục vụ tốt hơn. Phải tiếp tục cải tiến chất lượng dịch vụ; đổi mới kiểu xe, chủng loại xe để khách hàng có thêm lựa chọn”, ông Văn chia sẻ.
Chia sẻ về dự định sắp tới, ông Văn cho biết: “Đang có ý định lấn sân sang đào tạo lái xe”, nhưng ông tỏ ra rất kín đáo và chỉ tiết lộ rằng “sẽ đào tạo theo kiểu khác”. “Ở ta đi học luật mà không bày luật, bày cách lái cho an toàn, chỉ dạy mẹo để thi đỗ vì thế giao thông rất lộn xộn. Tôi hy vọng khi dự định của mình thành hiện thực nó sẽ mang lại điều tốt đẹp nhất cho người dân Việt Nam”, ông Văn bộc bạch.
♦ Tháng 12/2017, Nguyễn Đàm Văn, SN 1976, chàng nông dân quê Yên Thành rời Đức sau 5 năm đi xuất khẩu lao động trở về Nghệ An lập ra nhà xe có tên Văn Minh. Từ 3 xe giường nằm ban đầu, sau 3 năm Văn Minh đã phát triển lên 20 xe và nay đã có gần 100 xe khách giường nằm và xe vận chuyển. Doanh thu mỗi năm đạt hơn 100 tỷ đồng. Hiện Văn Minh đang tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 800 lao động. Người hưởng lương cao nhất 60 triệu đồng/tháng, còn lại bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.
♦ Ông Vũ Hoàng Huynh, Trưởng bến xe Bắc Vinh cho biết: Trước đây khi ở bến cũ, Văn Minh là đơn vị chịu khó đầu tư phương tiện trung chuyển hành khách, đưa đón tận nhà, đi đầu trong công tác nâng cao chất lượng phục vụ. Văn Minh cũng luôn chấp hành tốt các quy định của bến. Sau thành công của Văn Minh, đến nay, nhiều đơn vị cũng đã đầu tư phương tiện mới, hiện đại, dòng xe cao cấp để cạnh tranh và phục vụ hành khách tốt hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận