Nhân viên y tế ở đây từng giờ, từng phút giành giật lại sinh mạng cho các bệnh nhân từ tay tử thần. Song bản thân họ cũng đối mặt với nhiều áp lực.
Giành lại sự sống mong manh
Một bệnh nhân đang được điều trị tại Trung tâm Hồi sức, Bệnh viện Bạch Mai.
Nữ bệnh nhân Hoàng Thị T (SN 1990, trú tại Tam Nông, Phú Thọ) được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng viêm cơ tim cấp, viêm phổi, suy đa tạng, tim không hoạt động trong 3 ngày liên tục. Các y, bác sĩ đã phải sử dụng đến những trang thiết bị y tế tối tân để giúp bệnh nhân cầm cự mạng sống.
Luôn theo sát diễn biến bệnh tình bệnh nhân, BS Nguyễn Văn Huy, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Bệnh nhân T nếu chậm trễ cấp cứu nguy cơ tử vong lên tới 99%.
Bệnh nhân lại có hoàn cảnh khó khăn, khi vào viện không có tiền. Đứng trước sự sống của người bệnh và bài toán chi phí, tôi đã liên hệ với phòng công tác xã hội của bệnh viện kêu gọi cộng đồng giúp đỡ”.
Những tiếng re re từ máy thở, monitor, các loại máy tiêm cho bệnh nhân khiến căn phòng cấp cứu thêm căng thẳng. Bác sĩ Huy cho biết: “Chúng tôi luôn phải có mặt 24/24h để theo dõi cho bệnh nhân”.
Chị T là một trong hơn 70 người bệnh đang nằm theo dõi tích cực tại khoa này. Nhiều bệnh nhân nhập viện nặng với đủ các triệu chứng. Họ đều duy trì sự sống bằng máy móc hiện đại và cần sự theo sát từng giây, từng phút của các nhân viên y tế.
Bệnh nhân Trần Văn T, 41 tuổi, cấp cứu vì viêm tụy cấp. Với nỗ lực không mệt mỏi, các y, bác sĩ đã giành giật lại sự sống cho bệnh nhân sau gần 1 tuần chiến đấu với tử thần.
Các bác sĩ cho biết, nếu chậm trễ 1-2 giờ là bệnh nhân sẽ tử vong. Khi từ tuyến tỉnh chuyển lên, sinh mạng người này đã ngàn cân treo sợi tóc.
TS. BS Phạm Thế Thạch, Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Người bệnh nào vào đây cũng đều là nặng nhất, từ tuyến dưới chuyển tới, từ các khoa phòng, trung tâm khác của bệnh viện chuyển vào.
Chuyên ngành này vất vả, áp lực, cơ hội làm thêm ngoài phòng mạch ít nên nhiều năm nay hồi sức cấp cứu không thu hút được nhân lực y tế. Không chỉ bác sĩ, ngay cả điều dưỡng cũng thiếu. BV Bạch Mai may mắn hơn khi ngoài y, bác sĩ của bệnh viện còn lực lượng sinh viên nội trú, các bác sĩ ở bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện lên học việc”.
Tận sức vì nghề chọn người
Tại đây, mỗi một giường bệnh cấp cứu bệnh nhân thường kèm theo hàng chục máy móc, thiết bị y tế khác nhau từ máy thở, máy tiêm truyền, máy lọc máu… các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân trên từng máy nhân viên y tế phải thuộc như lòng bàn tay.
Bước vào ca trực là thời gian ngày cũng như đêm, thậm chí còn “không có thời gian than mệt”. Trung bình một bệnh nhân tại đây có tới 50-70 đầu việc mỗi ngày. Khu vực này biệt lập hoàn toàn nên gần như người thân không thể vào trong chăm sóc. Từ ăn uống, thay quần áo, vệ sinh cá nhân... đến chụp chiếu, làm thủ thuật, dùng thuốc... đều một tay các y, bác sĩ thực hiện.
Trong tình trạng nặng, bệnh nhân không thể vận động, mọi nhu cầu sinh hoạt, điều trị phụ thuộc hoàn toàn vào đội ngũ điều dưỡng, bác sĩ của khoa.
Việc tương tác với các bệnh nhân cũng vô cùng hạn chế vì họ hôn mê, sức khỏe yếu. Các bác sĩ, điều dưỡng lại càng phải để tâm, chú ý đáp ứng các nhu cầu của bệnh nhân.
Vừa dứt công việc vệ sinh răng miệng cho bệnh nhân, điều dưỡng Lê Thị Hoàng Dịu chia sẻ vội: “Nghề chọn người chứ cho chúng tôi chọn chắc không ai chọn việc vất vả này đâu”.
Chị Dịu đã gắn bó với Trung tâm Hồi sức cấp cứu hơn 20 năm nay. Những người như chị ngày càng hiếm bởi áp lực công việc căng thẳng, ngày nối ngày khiến nhiều nhân viên y tế đến rồi lại ra đi, sẵn sàng tìm kiếm một cơ hội công việc khác đỡ mệt mỏi hơn.
BS Huy cũng cho biết, không chỉ cấp cứu, điều trị bệnh nhân nặng, các bác sĩ tại đây cũng kiêm luôn công việc hỗ trợ người bệnh, làm việc với BHYT để làm sao họ được thanh toán BHYT tối đa nhất có thể.
Bởi nếu không có BHYT chi trả, chi phí y tế thậm chí có thể lên đến cả tỷ đồng, vượt khả năng tài chính của gia đình bệnh nhân. Những trường khó khăn, các bác sĩ lại tranh thủ các mối quan hệ riêng tư để kêu gọi nhờ cộng đồng giúp đỡ.
Nỗi lo thiếu bác sĩ hồi sức cấp cứu
GS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức - chống độc Việt Nam cho biết, thực tế tại các bệnh viện đều thiếu bác sĩ hồi sức cấp cứu. Dịch Covid-19 xảy ra đã thể hiện rõ điều này. Nhiều tỉnh khi đó không có bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu.
“Để làm được công việc này, bác sĩ phải học hỏi rất nhiều bao gồm tất cả các chuyên ngành từ tim mạch, hô hấp, tiêu hóa… Nhưng bác sĩ hồi sức cấp cứu hiện nay trong chứng chỉ hành nghề chỉ ghi “hồi sức cấp cứu”. Với chứng chỉ này, họ không thể làm thêm ở các phòng khám hay tự mở phòng mạch cho mình. Trong khi đó, lương của bác sĩ tại các bệnh viện công lập còn thấp”.
Theo GS Bình, hiện nay, các bác sĩ trẻ hay sinh viên y khoa đều e ngại dấn thân vào lĩnh vực vất vả, áp lực này. Họ chọn chuyên ngành da liễu hay thẩm mỹ, răng hàm mặt, đỡ vất và kinh tế tốt hơn. Trong danh sách đăng ký thi nội trú, sinh viên thường thích chuyên ngành da liễu, hiếm lắm mới tìm được sinh viên đăng ký ngành hồi sức cấp cứu.
Nhiều năm công tác tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, GS Bình chứng kiến không ít bác sĩ trẻ về khoa với khí thế hừng hực rồi lại dứt áo ra đi bởi vì áp lực công việc quá lớn.
“Cả nước có gần 100 triệu dân nhưng chỉ có khoảng 700 bác sĩ hồi sức tích cực.
Hội đã nhiều lần gửi văn bản tới các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn về nhân lực bác sĩ chuyên ngành này và đề nghị thêm chứng chỉ hành nghề cho họ là “Nội khoa - Hồi sức”. Nếu trong chứng chỉ hành nghề có thêm chữ Nội khoa, bác sĩ có thể đi làm thêm. Khi đó, chúng ta mới giữ chân và thu hút thêm nhân lực”, GS Bình bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận