Cụ thể, ngày 3/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương đẩy mạnh công tác tiêm chủng cho người dân cũng như tăng cường khả năng của đội ngũ y tế để chuẩn bị trước nguy cơ làn sóng các nhiễm Covid-19 do biến chủng Omicron bùng phát.
Hiện nhiều quốc gia tại khu vực này đã ban hành các lệnh giới hạn đi lại với nhiều nước ở khu vực phía Nam châu Phi để ngăn chặn sự xâm nhập của biến chủng Omicron. Tuy nhiên, WHO cảnh báo các quy định kiểm soát biên giới sẽ chỉ giúp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với dân số 650 triệu người, có thêm thời gian để đối phó với biến chủng mới.
Một cơ sở xét nghiệm Covid-19 trước khi khởi hành tại sân bay Sydney, Australia trong bối cảnh nước này siết chặt quy định phòng biến chủng Omicron. Ảnh - Reuters
“Mọi người không nên chỉ trông đợi vào các biện pháp thắt chặt biên giới. Điều quan trọng là chuẩn bị sẵn sàng đối phó trước các loại biến chủng có khả năng lây nhiễm cao”, ông Takeshi Kasai, Giám đốc WHO khu vực tây Thái Bình Dương cho hay.
Hiện một số quốc gia tại châu Á đã xuất hiện ca nhiễm siêu biến chủng Omicron như Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Australia, Hàn Quốc.
Trong đó Singapore xác nhận có 2 ca nhiễm biến chủng Omicron ngày 2/12. Malaysia trở thành quốc gia tiếp theo tại châu Á ghi nhận ca nhiễm biến chủng mới đầu tiên vào ngày 3/12.
Hiện tại, tỷ lệ tiêm chủng tại các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đang có sự chênh lệch lớn. Indonesia, quốc gia có dân số xếp thứ 4 thế giới và từng là tâm dịch Covid-19 của châu Á mới chỉ hoàn thành tiêm chủng cho 35% dân số.
Ở "tâm chấn" Omicron, tỉ lệ tái nhiễm gấp 3, tốc độ lây tăng chưa từng thấy
Ngày 3/12, tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn thông báo của ông Bruce Mellado, cố vấn chính quyền tỉnh Guateng cho biết, tỉ lệ lây nhiễm cộng đồng đang tăng với “mức chưa từng thấy ở Nam Phi”. Dấu hiệu này cho thấy biến chủng có khả năng lây nhiễm cao hơn và có thể “vượt mặt” Delta trở thành biến chủng phổ biến nhất.
Trước đó, hãng tin AP dẫn số liệu thống kê chính thức cho thấy, số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày 1/12 là 8.561, tăng gấp đôi so với số ca ghi nhận 1 ngày trước đó (4.373).
“Khả năng, chúng ta sẽ chứng kiến số ca nhiễm tăng gấp đôi, gấp 3 trong vài tuần tới” – Tiến sĩ Nicksy Gumede-Moeletsi, nhà virus học làm việc tại Tổ chức Y tế Thế giới dự báo.
Nhân viên y tế Nam Phi xét nghiệm Covid-19. Ảnh - AFP
Bên cạnh đó, một nghiên cứu sơ bộ được công bố ngày 2/12 do các nhà khoa học Nam Phi thực hiện chỉ ra, Omicron có xác suất tái nhiễm gấp ba lần so với Delta hay Beta. Qua dữ liệu y tế quốc gia, các nhà khoa học ghi nhận có hơn 35.000 ca nghi tái nhiễm trong 2,8 triệu người dương tính với virus SARS-CoV-2 tính đến ngày 27/11.
Những ca được đánh giá là tái nhiễm nếu các xét nghiệm cho kết quả dương tính cách nhau 90 ngày.
Tuy số ca nhiễm tăng nhanh nhưng đáng mừng là mức nhập viện vì bệnh chuyển nặng không quá nghiêm trọng – ông Shabir Madhi, chuyên gia về vaccine tại Đại học Witwatersrand của Nam Phi, cho hay.
Ngoài Châu Phi, Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) ước tính, biến chủng Omicron đang lây lan nhanh đến mức có thể chiếm hơn nửa số ca nhiễm Covid-19 tại Châu Âu trong vài tháng. Theo ECDC, đây là tính toán sơ bộ dựa trên dữ liệu ban đầu từ Nam Phi cùng các đặc tính của biến chủng. ECDC nhấn mạnh cần phải có thêm nghiên cứu để đưa ra kết luận chắc chắn hơn.
Tính đến ngày 3/12, trên toàn cầu đã có ít nhất 352 ca nhiễm biến chủng Omicron tại 27 quốc gia bao gồm 70 ca tại 13 nước Châu Âu, theo ECDC.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận