Đường dây nóng của Báo Giao thông nhận được câu hỏi từ bạn đọc về việc nếu mua ô tô chở tiền của ngân hàng thanh lý sau đó tháo két đựng tiền ra để chở hàng thì có đăng kiểm được không.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, hiện nay, rất nhiều ngân hàng thực hiện thanh lý ô tô chở tiền với giá rẻ chỉ từ 200-250riệu đồng/xe.
Tại Việt Nam, các dòng xe chở tiền thông dụng thường được các ngân hàng lựa chọn gồm có: Mitsubishi Pajero, Hyundai SantaFe, Ford Everest, Toyota Fortuner và Hyundai Starex. Gần đây, các dòng xe Hyundai Staria đời mới cũng được lựa chọn thay cho Hyundai Starex cũ.
Xe chở tiền của ngân hàng có ưu điểm là đảm bảo các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, thông tin rõ ràng. Do đó, người mua không phải lo lắng về nguồn gốc xe, tranh chấp hay ngập nước đâm đụng nặng mà không được thông báo.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, xe chở tiền được xếp là loại xe chuyên dùng, do đó, theo quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng, khi kiểm định xe chuyên dùng bắt buộc phải có đầy đủ thiết bị chuyên dùng chở trên xe.
Chiếu với kiểm định xe chở tiền, khi kiểm định buộc phải có két sắt chở tiền trên xe, nếu không có sẽ bị từ chối kiểm định.
Trường hợp chủ xe mua xe chở tiền ngân hàng thanh lý về để cải tạo, phá bỏ két đựng tiền ở khoang xe để chở hàng sẽ phải làm thủ tục cải tạo xe, trong đó, phải làm hồ sơ thiết kế cải tạo, nộp đến Sở GTVT địa phương để được nghiệm thu, khi hồ sơ thiết kế được nghiệm thu, chủ xe mới được cho thi công cải tạo. Sau khi cải tạo thành xe chở hàng cần đưa đến trung tâm đăng kiểm để nghiệm thu xe cải tạo, cấp giấy chứng nhận cải tạo, kiểm định lại xe để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm, tem kiểm định mới.
Đặc biệt, chủ xe lưu ý, theo Thông tư 85/2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 43/2023 quy định về cải tạo xe cơ giới) quy định: Không cải tạo xe cơ giới loại khác thành xe chở người và ngược lại.
Do đó, xe chuyên dùng không được cải tạo thành xe chở người, tức không được cải tạo xe chở tiền theo kiểu phá bỏ két đựng tiền, lắp thêm ghế để trở thành xe SUV chở người.
Thông thường, xe chở tiền của ngân hàng có thùng xe được làm bằng thép với vỏ lớp ngoài dày 1 mm, lớp trong 2 mm bằng thép chống gỉ và phương pháp hàn đinh tán. Lớp giữa bao gồm 2 lớp thép được gia cố bằng vật liệu chống cháy và cách nhiệt 2 mm. Đây chính là két sắt đựng tiền của xe.
Cửa sau của xe cũng được bảo vệ 2 lớp, có bản lề và then khóa (xe được trang bị cả 2 loại khóa, khóa chìa và khóa số). Tất cả trang bị này đều được lắp tiêu chuẩn của xe chở tiền theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận