Động thái này của gia chủ diễn ra sau khi địa phương đến vận động tháo dỡ nhằm đảm bảo an toàn. Tại hiện trường, chiếc xe đã được đưa xuống, chỉ còn trơ khung sắt giá đỡ.
Chia sẻ với PV, ông Phạm Anh Đức (50 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai) - chủ chiếc xe trên cho biết gia đình trước đó muốn gác xe lên trong khuôn viên nhà để lưu giữ kỷ niệm.
Tuy nhiên, sau khi được chính quyền địa phương tới vận động nên đã tiếp thu ý kiến, quyết định dỡ xuống để đảm bảo an toàn.
Như Báo Giao thông đã đưa tin, trước đó hình ảnh chiếc xe màu xanh gác trên cổng nhà người dân đã xuất hiện trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận. Nhiều người dân hiếu kỳ đã đến xem thử và chụp ảnh.
Gia chủ chia sẻ đây là chiếc xe đầu tiên ông sở hữu, sử dụng trong hai thập kỷ nên rất muốn giữ làm kỷ niệm. Thời đó, ông Đức mới từ quê Hà Tĩnh vào Đồng Nai lập nghiệp, khi làm ăn khấm khá đã mua chiếc xe trên.
Ông Đức cho biết đã sắm được chiếc ô tô khác từ nhiều năm nay nhưng không muốn bán xe cũ vì muốn lưu giữ kỷ niệm ngày đầu khởi nghiệp.
Tuy nhiên nhà chật hẹp, không có chỗ để nên ông đã cho cẩu vỏ ô tô cũ đặt phía trên cổng nhà. Để đảm bảo an toàn, phòng tránh các sự cố có thể xảy ra, ông Đức đã dùng nhiều thanh sắt lớn để cố định xe.
Trước sự việc chiếc ô tô được cẩu lên và "trưng bày" trên cổng của gia đình ông Đức, lãnh đạo phường Long Bình cùng lực lượng công an đã đến ghi nhận và vận động gia đình dỡ xuống để đảm bảo an toàn.
Theo Luật sư Lê Bá Thường - Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM), ông Phạm Anh Đức treo ô tô cũ trước cổng nhà không di chuyển trên đường nên chưa có cơ sở pháp lý để cấu thành tội phạm của hành vi vi phạm pháp luật giao thông.
Tuy nhiên, xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ được quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 nên việc treo xe ô tô trên cổng theo thời gian mưa gió làm mục các thanh sắt chống đỡ có thể tạo ra nguy cơ tìm ẩn về rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của người khác.
Trong trường hợp không may có người đi ngang qua bị chiếc xe rơi trúng gây ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng thì chủ xe phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015; hoặc nặng hơn tuỳ theo mức độ thương tật có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt cao nhất lên đến 3 năm tù.
Do đó, việc chủ nhà đồng ý dỡ xe ô tô xuống để đảm bảo an toàn là hợp lý, nhằm tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận