Hàng loạt ô tô hàng mã được làm bán trong "tháng cô hồn" |
“Siêu xe với giá 2 triệu”
Đến làng Đông Hồ, Đạo Tú (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) ngày đầu tháng 7 âm lịch, có thể bắt gặp ngay những dòng xe tải nối đuôi nhau đến thu mua hàng mã. Dọc theo các con đường của làng, nhà nào nhà nấy đều chất đầy các nguyên liệu như khung xương bằng tre, nứa, giấy bìa màu, hồ dán…để từ đây sẽ cho ra đời đủ các sản phẩm đồ mã, từ hình nhân, voi, ngựa, quần áo, giày dép đến nhà lầu, xe hơi, ô tô, máy bay, tàu thuỷ…
Hơn 12h trưa, bà Nguyễn Thị Yến, 58 tuổi (làng Đông Hồ), người có kinh nghiệm gần 20 năm làm ô tô hàng mã vẫn đang miệt mài hoàn thiện những sản phẩm “đời mới” nhất để kịp cho chuyến hàng chiều.
Bà Nguyễn Thị Yến (làng Đông Hồ) hối hả hoàn thiện những chiếc ô tô để kịp tiến độ giao hàng |
Được biết, gia đình bà là nơi làm ô tô hàng mã đầu tiên của làng Đông Hồ. Từ những chiếc ô tô chỉ bằng gang tay người lớn đến những chiếc mà hai cháu nhỏ có thể chui vào bên trong. Bà kể, cách đây vài năm cũng dịp rằm tháng 7, có một vị khách đặc biệt đến đặt làm một chiếc “siêu xe” kích cỡ tương đương với ô tô thật. Vì vậy, cần đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều lúc dán bìa không cẩn thận là bị bỏng keo, rồi khung nứa sắc có thể đứt tay bất cứ lúc nào. Ngày đó, bà phải làm trong 10 ngày mới có thể hoàn thiện và được bán với giá 2 triệu đồng mà theo lời bà Yến đó là sản phẩm để đời.
“Thực ra, những đơn hàng như vậy tôi thường không muốn làm vì rất mất công và tốn thời gian. Cộng thêm mùa vụ chỉ được hơn 20 ngày nên thời gian ấy còn phải tranh thủ tập trung vào làm những mặt hàng đại trà, lợi nhuận còn cao hơn” - bà Yến tâm sự.
Sản xuất “xế hộp”, “xe sang” không kịp bán
Bà Yến chia sẻ, trước đây cả làng chỉ có gia đình bà làm sản phẩm ô tô hàng mã, làm bao nhiêu, hết bấy nhiêu, có khi không kịp bán vì không có người làm. Nhưng vài năm trở lại đây, nắm bắt được nhu cầu thị trường đã có thêm một số hộ làm sản phẩm này, mẫu mã, chất lượng cũng phải đổi mới hàng ngày. Một chiếc ô tô thành phẩm, trừ chi phí nguyên liệu giấy bìa, keo dán, khung tre, nhân công…có thể lãi từ 15.000 đến 20.000 đồng. Vào ngày cao điểm, bà Yến tiết lộ có thể bán đến hơn 30 chiếc xe với giá 50.000 đồng/sản phẩm.
Những "phương tiện giao thông" như xe khách, xe container, mui trần...đều được sản xuất để phù hợp với nhu cầu của khách hàng |
Những dòng bán chạy nhất là loại xe ô tô bốn chỗ với thiết kế bắt mắt, bao gồm cả nội thất bên trong. Ngoài ra còn có những “phương tiện giao thông” khác như xe mui trần, xe tải, xe khách, xe container, tàu thuỷ, máy bay…với yêu cầu về thẩm mỹ ngày càng cao để phù hợp với thị yếu của khách hàng.
Tại một cơ sở sản xuất chuyên về xe máy, gia đình bà Nguyễn Thị Bắc (thôn Đông Khê, xã Song Hồ) cho biết, hàng ngày vừa sản xuất, vừa bán ra có thể đạt 25 chiếc với giá 25.000 đồng/ sản phẩm.
Chỉ tay vào những chiếc "xe sang", bà Bắc kể: “Trước đây, hai vợ chồng đều làm công nhân, nhưng bây giờ già rồi, chẳng biết làm gì thì lại làm hàng mã. Được cái nghề này nhàn hơn làm nông, không phải đi nắng gió nhưng thu nhập cũng không cao như nhiều người thường nghĩ. Bán được chiếc xe 25.000 thì vốn đã hết 20.000, nói chung chỉ đủ tiền rau, dưa”.
Xe máy SH 150i này được thiết kế khá kỳ công được bán với giá 25.000 đồng |
Xe máy cũng là hàng mã được nhiều người đặt mua dịp này. Những chiếc xe máy SH 150i được thiết kế khá kỳ công từ việc dựng khung tre đến dán giấy đều được làm một cách tỉ mỉ giống như thật.
"Khi mới làm mặt hàng này cũng chẳng bán được vì người ta chưa biết. Nhưng khi đã quen với sản phẩm, họ đều tự tìm đến để mua. Đây là loại hàng đặc thù, chỉ bán được nhiều vào dịp xá tội vong nhân, còn ngày thường khó bán lắm”, bà Bắc bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận