18% ô nhiễm bụi mịn đến từ ô tô, xe máy
Trong vài năm trở lại đây, số lượng phương tiện giao thông tăng lên nhanh chóng. Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, số lượng xe ô tô tăng hơn 2 triệu chiếc. Nếu năm 2017, số lượng xe ô tô là 2,8 triệu xe, thì đến 2022 số lượng đã tăng lên 4,9 triệu xe.
Tại TP Hà Nội, theo Sở Giao thông vận tải, năm gần nhất 2022, toàn thành phố có 7,7 triệu phương tiện bao gồm cả xe điện, ô tô, xe máy. Trong đó xe máy 6,5 triệu chiếc, ô tô 1 triệu chiếc, xe điện 182 nghìn chiếc. Tại TP.HCM, toàn thành phố có 8,8 triệu chiếc, xe máy 7,8 triệu chiếc.
Số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh chóng đang gây áp lực đối với môi trường đô thị từ khí thải. Bởi trong quá trình vận hành, phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch thải vào khí quyển các khí như: CO, VOC và NO2. Khí thải này tăng lên 4 - 5 lần so với lúc bình thường khi xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông.
Bên cạnh đó, chất lượng của các phương tiện giao thông cũng là một vấn đề đáng quan ngại. Phương tiện giao thông sau một thời gian sử dụng, hệ thống phun xăng bị hở khiến xăng có nguy cơ dễ bốc cháy cao. Động cơ đốt không hết xăng cũng sẽ sinh ra benzen trong ống xả. Do đó, nhiều phương tiện đã qua nhiều năm sử dụng nên chất lượng kỹ thuật thấp, khiến mức tiêu thụ nhiên liệu và nồng độ chất độc hại trong khí xả cao.
Theo nghiên cứu của ĐH Quốc gia TP.HCM mới đây, xe máy, ô tô chiếm đến 18%, thắng xe các loại và ma sát mặt đường (14%) nguồn phát thải bụi PM2.5, tiếp đến là phát thải từ hộ gia đình (14%), dệt may (13%)… Do đó, nguồn khí thải từ giao thông vận tải đang trở thành một nguồn gây ô nhiễm lớn đối với môi trường không khí ở đô thị, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Tăng cường giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân
PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho rằng, giao thông vận tải là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị, đóng góp 70% tổng lượng bụi và khí thải vào môi trường không khí. Nguồn ô nhiễm này gây tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng, là nguyên nhân gây nên khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm hàng năm.
Trong đó, 20% số ca tử vong là do các bệnh về đường hô hấp và ung thư liên quan đến phơi nhiễm với bụi mịn. Cùng với với đó là hàng loạt vấn đề về tiểu đường, tim mạch, phổi, gan, đột quỵ, rối loạn tiết tố…
GS.TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, tình trạng ô nhiễm bụi mịn trong TP cao hơn vùng ngoại ô phần lớn là do lượng phương tiện đi lại lớn hơn rất nhiều.
TS Phan Lê Bình, chuyên gia của JICA cho biết, Hà Nội đã thí điểm giám sát phát thải qua hệ thống đăng kiểm, giới hạn thời gian lưu hành xe máy và nghiên cứu cơ chế thu hồi xe cũ gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, giải pháp mang tính căn cơ hơn là cần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện của người dân. Bởi hiện nay, ngay cả khi di chuyển quãng ngắn, người dân vẫn thường sử dụng phương tiện cá nhân thay vì chọn xe buýt, tàu điện dẫn đến số xe hoạt động cùng một lúc là rất cao, đặc biệt tại các quận trung tâm.
TP Hà Nội cần tăng cường phát triển hệ thống tàu điện ngầm, tàu trên cao thành một mạng lưới giao thông công cộng kết nối thuận tiện, đáp ứng nhu cầu đi lại, khiến người dân lựa chọn phương tiện công cộng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận