Tài chính

Ôm nợ vì... lao vào điện mặt trời

16/01/2021, 07:53

Trông chờ vào chính sách ưu đãi, không ít doanh nghiệp chơi “tay ngang” lao vào đầu tư điện mặt trời.

img

Từ cuối năm 2019, hiện tượng quá tải điện mặt trời tại Ninh Thuận đã được cảnh báo

Đánh liều đầu tư, ôm cục nợ

Ngày đầu năm mới, nói về dự án điện mặt trời (ĐMT) đã đầu tư tại Thanh Hóa, ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại và du lịch Hoàng Sơn, lắc đầu cám cảnh: “Tôi đang nằm trong số bị chết oan”.

Năm 2018, khi nghe thấy đài báo nói Chính phủ mở nhiều ưu đãi, kêu gọi các nhà đầu tư vào ĐMT góp phần tạo nguồn năng lượng sạch, ông Hoàng khi đó đang “phất” với mảng thương mại dịch vụ, du lịch, khách sạn liền thử sức “đánh liều” với lĩnh vực mới.

“Theo tính toán, mỗi dự án ĐMT chỉ cần khoảng 10 năm là hòa vốn. Có ai ngờ, đường vào thì dễ nhưng càng đi lại càng nhiều nút thắt, giờ thì không rút chân ra được”, ông Hoàng nói.

Theo đó, tháng 10/2018, ông bắt đầu triển khai nhưng mất quá nhiều thời gian chạy thủ tục. Tới khi lo liệu giấy tờ, mặt bằng, thiết bị xong hai dự án (60MWh và 45 MWh) thì lúc đó thời hạn ưu đãi chỉ còn hơn một tháng (từ ngày 1/6/2017 đến ngày 30/6/2019, các dự án đầu tư ĐMT hòa lưới điện được hưởng giá bán điện cho EVN là 9,35 Uscents/kWh, tương đương 2.086 đồng/kWh).

“Vậy nên, tôi gấp rút đổ vốn làm dự án nhỏ trước nhưng vắt chân lên cổ cũng không kịp. Chờ tới ngày 6/4/2020, Chính phủ mới ra Quyết định 13, với mức giá mua ưu đãi khoảng hơn 1.600 đồng/kWh, thấp hơn nhiều so với giá lần 1”, ông Hoàng nói và cho rằng, chính sách lần này cũng ngắn hạn quá khiến doanh nghiệp xoay không kịp.

Thời gian gia hạn lần 2 chỉ kéo dài trong 9 tháng, trong khi tình hình dịch Covid-19 lại bùng phát, thiết bị nhập từ Trung Quốc khan hiếm, giá có lúc bị đẩy lên gấp 3 lần. Không mua thì không hoàn thành trước thời hạn 31/12/2020 mà mua thì chấp nhận chịu thua lỗ.

Hiện, nhà máy đã xong nhưng vẫn chưa biết tới bao giờ mới đấu tải được. Tới nay, ông Hoàng đã bỏ ra hơn 100 tỷ đồng cho dự án 45MWh, chưa tính tiền nhập thiết bị, trong đó có tới 70% tiền vay từ ngân hàng. Từ cuối năm 2019 tới nay, cả tiền trả ngân hàng lẫn chi phí khác để duy trì dự án, tính sơ, mỗi tháng ông Hoàng phải “vứt đi” hơn 200 triệu đồng.

“Cũng với số vốn này, nếu tôi đầu tư sang 3 dự án thương mại thì nay đã khác rồi, không phải chịu cảnh “giật gấu vá vai” để ôm dự án, đợi chính sách thì chưa biết tới bao giờ, với mức giá ra sao …”, vị giám đốc ngậm ngùi chia sẻ.

Dù không nằm trong vùng quá tải, nhưng trên địa bàn Thanh Hóa hiện có khoảng 5 dự án ĐMT đã được phê duyệt trong tình trạng “ngóng chính sách”. Trong đó, đã có chủ đầu tư không thể cầm cự được, đành phải “bỏ của chạy lấy người”…

Ngược lại, tại vùng quá tải lưới điện, nhiều chủ đầu tư ĐMT cũng đang điêu đứng bởi lượng điện tiêu thụ quá thấp, chỉ đấu nối được 20 - 30% công suất thiết kế. Đơn cử một chủ nhà máy ĐMT tại Ninh Thuận công suất 60MW với tổng vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, vị này cho hay may mắn phát điện đúng hạn 30/6/2019 nên đã được đấu tải bán điện với giá 2.096 đồng/kw.

Theo tính toán, với mức giá này, nếu chạy hết công suất thì mỗi tháng có thể thu về 36 tỷ đồng tiền bán điện, sau khoảng 10 năm sẽ hoàn vốn. Tuy nhiên, do đường truyền quá tải, hiện chỉ được phát 20% công suất lên lưới, thu về khoảng 8 - 9 tỷ đồng/tháng.

“Nhà máy vẫn vận hành bình thường nhưng phần lớn thời gian chạy không tải. Nếu muốn tích lũy điện thừa thì phải đầu tư hệ thống ắc quy. Tuy nhiên với giá thị trường hiện nay thì tiền mua ắc quy sẽ bằng tiền xây thêm 3 nhà máy ĐMT quy mô tương ứng”, vị này cho hay.

Tác động ngoài ý muốn?

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, mọi nguồn điện đều phải đi theo nhu cầu phụ tải nên “công suất nhà máy lên lên xuống xuống để đáp ứng phụ tải là chuyện bình thường”!

Trước câu hỏi có tính toán khi quy hoạch để không xảy ra việc các nhà máy ĐMT phải giảm công suất liên tiếp thời gian dài gây thiệt hại nặng nề, vị này cho biết: Khi xây dựng hệ thống điện, bao giờ đơn vị chức năng cũng phải xây dựng đủ công suất và có cả dự phòng cho trường hợp nguồn phải phát ở giờ cao điểm cao. Ví dụ, mức phát cao là 40 nghìn MW thì phải xây dựng để tối thiểu phải đáp ứng được mức phát 40 nghìn MW, chưa kể, cộng với mức dự phòng 30 - 40%.

Mặt khác, quy hoạch không phải “ngày mai cần điện, nay mới xây dựng” mà nó đã được xây dựng trước đó 3 - 4 năm nên thời điểm hiện tại chính là kết quả của những tính toán theo giả định tăng trưởng kinh tế xã hội nên mọi tác động “không lường trước được” sẽ dẫn đến những tác động ngoài ý muốn.

“Làn sóng Covid-19 vừa rồi làm giảm tốc độ tăng trưởng nhu cầu phụ tải, khiến nhu cầu tiêu thụ giảm thấp hơn. Hơn nữa, việc phát triển năng lượng mặt trời áp mái thời gian qua không lường trước được khi mọi người đều chạy đua nước rút để kịp đóng điện trước ngày 31/12/2020. Việc này đã khiến cho Trung tâm Điều hành điện quốc gia (A0) phải đưa ra cảnh báo điều độ, do vậy có thể tiếp tục dẫn tới việc phải cắt giảm nhiều nhà máy. Tuy nhiên, vượt qua giai đoạn phục hồi sau Covid-19 thì nhu cầu phụ tải sẽ tăng lên và sẽ tăng cao hơn vào những ngày hè”, vị này dẫn giải.

Cũng theo vị này, thời gian tới vẫn tiếp tục phát triển điện gió, ĐMT, tuy nhiên, sẽ có chọn lọc: “Chúng tôi đang nghiên cứu, hoàn chỉnh cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Có nghĩa là cần bao nhiêu thì đấu thầu bấy nhiêu nên sẽ kiểm soát dễ hơn so với cơ chế giá khuyến khích hiện tại”.

“Tại anh, tại ả?”

img

Rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào điện mặt trời trong những năm qua

Tốc độ doanh nghiệp đầu tư vào ĐMT trong những năm qua “quá nhanh, quá nguy hiểm”. Chưa kể ĐMT áp mái, tính đến nay đã có khoảng 130 nhà máy ĐMT mặt đất với công suất đạt hơn 8.000 MW đã ký hợp đồng bán điện cho EVN; Còn lại khoảng 200 dự án khác đang trong quá trình “chờ duyệt”.

Nhận định về con số trên, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, trong cuộc đua vào ĐMT thời gian qua, chúng ta đang quá thừa những thứ không ổn định. A0 đã phải cảnh báo khi công suất ĐMT tăng quá nhanh khiến cho việc vận hành hệ thống điện đang đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập.

Cụ thể, công suất phụ tải thấp điểm trưa chỉ có 16.563 MW và diễn ra chỉ khoảng 30 phút. Con số này xét ra chỉ nhỉnh hơn công suất ĐMT cả nước hiện có là 16.500 MW. Như vậy, nếu huy động toàn bộ ĐMT thì thời điểm đó phải cắt tất cả các nguồn khác.

“Nhưng sau nửa tiếng đồng hồ nhu cầu phụ tải lại lên mà không thể nào huy động được nguồn khác khi phụ tải thậm chí lên nhanh gấp đôi. Vậy, trong khoảng thời gian đó nếu đã tắt rồi thì huy động lại các nguồn khác thế nào?”, ông Sơn đặt vấn đề.

Theo vị chuyên gia, nguyên nhân khó kiểm soát bởi “những ý đồ chưa rõ ràng”. “Chúng ta luôn nói ưu tiên năng lượng tái tạo nhưng ưu tiên ở mức độ nào và bao nhiêu để đảm bảo an ninh, ổn định của lưới, của hệ thống điện thì lại không rõ ràng. Trong khi đó, địa phương cứ tạo điều kiện hết sức có thể cho doanh nghiệp đầu tư song lại không chịu trách nhiệm việc có đảm bảo an toàn lưới”, ông Sơn lý giải.

Ngoài quy trình cấp phép bất cập, ông Sơn cũng cho rằng hệ quả của việc phát triển ồ ạt ĐMT trong thời gian qua chính là “Luật Quy hoạch chưa tính đến bài toán đẻ ra quy hoạch”:

“Ngay từ khi làm luật đã chủ quan ở chỗ “quên” mất câu chuyện hệ thống điện có những đặc thù rất chuyên biệt, không thể áp thông lệ như những quy hoạch thông thường khác. Đối với kinh nghiệm quốc tế, các cơ quan quản lý Nhà nước bắt buộc phải đưa ra một quy trình để thống nhất một cách rõ ràng trước dự báo và hiện trạng. Từ đó, đưa ra các quy định liên quan đến vấn đề phân bổ như thế nào, mức độ bao nhiêu và thế nào là vận hành điện ổn định và an toàn”.

Từ đây, ông Sơn đặt vấn đề cần làm rõ trách nhiệm Bộ Công thương và các cơ quan liên quan là gì khi đưa ra các quy định “ưu tiên huy động các nguồn điện sạch”. “Người ta cần lý giải một cách minh bạch rằng, ưu tiên là như thế nào và ưu tiên bao nhiêu cho phù hợp?”, vị chuyên gia thẳng thắn chia sẻ.

Không có giá Fit sau năm 2020

Bộ Công Thương đang trình Chính phủ cho cơ chế áp dụng thí điểm đối với các dự án ĐMT sau năm 2020.

Trước đó, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho rằng cơ chế giá ưu đãi (Fit) cho ĐMT đã bộc lộ nhiều hạn chế và khẳng định: “Sẽ không có giá Fit cho ĐMT sau năm 2020”.
Trong khi đó, EVN cho biết đã dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống ĐMT áp mái phát triển sau ngày 31/12/2020 cho đến khi có hướng dẫn mới của cơ quan có thẩm quyền.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.