Thị trường

Ổn định xăng dầu: Sửa cơ cấu giá, tăng nhập khẩu ít nhất hết tháng 6/2023

05/12/2022, 17:57

Đó là một trong những chỉ đạo mới nhất của Bộ Công thương liên quan đến vấn đề xăng dầu thời gian tới.

Bộ Công thương chỉ đạo các nhà máy lọc dầu trong nước tăng cường năng lực sản xuất và các doanh nghiệp nhà nước tăng số lượng nhập khẩu ít nhất đến tháng 6 năm 2023.

Đồng thời, tiếp tục rà soát đề xuất cập nhật kịp thời chi phí phát sinh vào công thức tính giá cơ sở để tiếp tục điều chỉnh.

Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định, nhất là hành vi đầu cơ, trục lợi hoặc găm hàng chờ tăng giá.

Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất để có cơ chế tháo gỡ khó khăn về vốn kinh doanh xăng dầu cho từng trường hợp cụ thể.

img

Thị trường xăng dầu thiếu cục bộ thời gian qua cho thấy những bất cập trong điều hành

Các giải pháp này nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong bối cảnh xăng dầu vẫn chịu biến động lớn từ thị trường thế giới.

Bộ Công thương cho biết, từ tháng 2/2022, trước tình hình sản xuất trong nước có những bất ổn, nguồn cung xăng dầu thiếu hụt cuối quý I do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất, buộc cơ quan này giao sản lượng nhập khẩu tăng thêm khoảng 2,4 triệu m3, tấn cho các doanh nghiệp.

Trong tháng 10, Bộ họp với họp với Hiệp hội xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu quý IV năm 2022.

Nhờ đó, nguồn cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước vẫn được bảo đảm.

Về phân giao tổng nguồn xăng dầu năm 2023, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu việc phân giao cần dựa trên con số thực hiện của năm 2022 và tính toán trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% trở lên, tương ứng hệ số 1,3-1,4 GDP. Lượng xăng dầu phân giao này tăng khoảng 10% so với số thực hiện của năm 2022.

Theo đó, Bộ đã đưa ra 2 kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023, với mức tăng từ 10% và 15% so với năm 2022.

Đại diện các doanh nghiệp đầu mối cũng đồng tình với việc dự kiến phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 tăng thêm so với số đăng ký của các doanh nghiệp nhằm bảo đảm cho nhu cầu tiêu thụ nội địa năm 2023.

Cụ thể, 2 kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 đã được đưa ra.

Kịch bản 1, tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25,9 triệu m3, tấn; kịch bản 2 tăng trưởng 15%, tương đương 26,76 triệu m3, tấn.

Sản lượng này phải được phân bổ từng tháng, quý. Mỗi tháng, quý căn cứ vào số liệu thực hiện trên phần mềm quản lý sẽ áp dụng từ 1/1/2023 để có điều chỉnh phù hợp.

Bộ trưởng Công thương cũng đề nghị, trong phân giao này cần tách bạch tương đối giữa sản lượng nhập khẩu và mua hàng sản xuất trong nước.

"Nếu doanh nghiệp nào không có đủ năng lực thì liên kết với nhau để nhập. Từng doanh nghiệp phải có sản lượng nhập để khẳng định trong mọi tình huống có nguồn cung ra thị trường", Bộ trưởng chỉ đạo.

Thời gian qua, thị trường xăng dầu "nóng" khi tình trạng thiếu nguồn cung lan rộng ở nhiều địa phương, nhiều nguyên nhân được chỉ ra. Trong đó, ngoài vấn đề nhập khẩu khó khăn hơn, còn do cơ cấu giá còn điểm vênh và điều hành có vấn đề.

Bộ Công thương và Bộ Tài chính cũng đã điều chỉnh sau nhiều chỉ đạo từ Chính phủ và góp ý từ giới chuyên gia, doanh nghiệp. Dù thị trường đã lắng xuống, tuy nhiên, vấn đề căn cơ của thị trường cần được mổ xẻ và khắc phục triệt để!.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.