Khí cầu đã tự do di chuyển qua các khu vực nhạy cảm
Ngày 5/2, phát biểu trên chương trình truyền hình Fox News Sunday, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton cho biết: “Chúng ta nên bắn hạ khí cầu ngay khi phương tiện này bay vào không phận thuộc quần đảo Aleutian (ngoài khơi bang Alaska) chứ không nên để thiết bị di chuyển trên toàn lục địa Mỹ”.
Ông Cotton cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đợi vài ngày rồi mới thông báo về việc khí cầu Trung Quốc đi vào không phận Mỹ có thể là để cứu vãn chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Antony Blinken nhưng cuối cùng, ông Blinken cũng hoãn chuyến thăm trên.
“Tôi cho rằng một trong những lý do Tổng thống chần chừ đưa ra quyết định là vì việc này có thể bị coi như hành động đối đầu, khiêu khích với Trung Quốc”, ông Cotton nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh - Reuters
Một nghị sĩ đảng Cộng hòa khác là ông Mike Turner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cho biết ủy ban sẽ nhận được báo cáo về sự việc khí cầu trong tuần này. Ông Turner cho rằng khí cầu đã tự do di chuyển qua những địa điểm đặt silo tên lửa hạt nhân của Mỹ, đồng thời đề cập khả năng Trung Quốc sử dụng thiết bị để thu thập thông tin về hệ thống vũ khí hạt nhân, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
“Tổng thống đã để cho thiết bị di chuyển qua những địa điểm nhạy cảm nhất của Mỹ và thậm chí còn không có ý định thông báo với người dân nếu sự việc không bị phát hiện”, ông Turner nhận định trong chương trình Meet the Press của đài NBC.
Chia sẻ trong một chương trình của hãng tin ABC News, Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa - ông Marco Rubio, đồng thời là Phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, cho biết ông sẽ đề nghị các quan chức thuộc Chính quyền Tổng thống Biden giải trình rõ những biện pháp chuẩn bị để ngăn chặn sự việc tương tự tái diễn trong tương lai.
Ông Rubio cũng cho rằng qua sự việc trên, Trung Quốc muốn gửi đi thông điệp rằng thiết bị của nước này có khả năng xâm nhập không phận Mỹ. Nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng nghi ngờ về khả năng thu thập được thông tin tình báo có giá trị từ mảnh vỡ của khí cầu.
Những cáo buộc của đảng Cộng hòa mang tính chính trị
Về phần mình, hôm 4/2, Tổng thống Biden giải thích rằng ông đã yêu cầu bắn hạ khí cầu ngay hôm 1/2 sau khi phương tiện di chuyển vào không phận thuộc bang Montana nhưng Lầu Năm Góc đã khuyến nghị đợi cho tới khi khí cầu di chuyển ra vùng biển mới bắn hạ để tránh khả năng mảnh vỡ gây ảnh hưởng tới dân thường, tài sản trên mặt đất.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện - nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer cho rằng những cáo buộc của một số nghị sĩ đảng Cộng hòa mang tính chính trị. Trong họp báo ngày 5/2, ông Schumer cũng cho biết Lầu Năm Góc sẽ báo cáo trước Thượng viện chi tiết sự việc khí cầu và hoạt động do thám của Trung Quốc trong tuần này.
Ngày 4/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết quân đội Mỹ đã thu thập được thông tin tình báo “giá trị” qua việc nghiên cứu khí cầu. Ông Austin cũng cho rằng 3 khí cầu Trung Quốc từng đi vào không phận Mỹ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Một ngày sau, ông Trump đã lên tiếng phủ nhận thông tin trên. Xuất hiện trong chương trình Sunday Morning Futures của Fox News Channel, ông John Ratcliffe - cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ dưới thời ông Trump, cũng phủ nhận thông tin do ông Austin đưa ra.
Trước đó, ngày 4/2, một tiêm kích thuộc Lực lượng Không quân Mỹ phóng tên lửa bắn hạ khí cầu Trung Quốc tại vùng biển ngoài khơi bang Nam Carolina, một tuần sau khi thiết bị lần đầu tiên đi vào không phận Mỹ ở gần bang Alaska.
Phản ứng trước động thái trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án Mỹ “phản ứng thái quá” khi kiên quyết dùng vũ lực tấn công khí cầu được sử dụng trong nghiên cứu khí tượng và khoa học của Bắc Kinh đi lạc vào không phận Mỹ “hoàn toàn do tai nạn”.
Video Mỹ bắn hạ khí cầu Trung Quốc:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận