Tài chính

Ông chủ Ao Vua và chuyện bỏ chặt cây đi gây rừng, làm công viên Vĩnh Hằng

27/05/2023, 06:47

Không chỉ là chủ công viên Vĩnh Hằng nổi tiếng, ông Nguyễn Mạnh Thản còn sở hữu 3 khu du lịch Ao Vua, Đầm Long (Hà Nội), Đảo Ngọc Xanh, Phú Thọ.

Cả 3 khu du lịch vốn đều là khu đồi núi trọc, đầm lầy hoang hóa và bãi bồi cát trắng…

Ao Vua ngày ấy, bây giờ

img

Từ chỗ là nơi hoang sơ, đến nay Khu du lịch Ao Vua trở thành điểm đến ưa thích, mỗi năm đón khoảng 300 - 400 nghìn lượt khách, doanh thu hơn 100 tỷ đồng

Khu du lịch Ao Vua nằm tại chân núi Tản (Tản Lĩnh, Ba Vì) từ lâu đã thành điểm đến quen thuộc của người dân Thủ đô và du khách thập phương mỗi khi đến với Ba Vì.

Với lợi thế tài nguyên thiên nhiên, Ao Vua thu hút nhiều du khách ưa trải nghiệm, khám phá.

Khu du lịch sinh thái Ao Vua (thôn Bát Đầm, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) có diện tích 128,3ha. Ông Nguyễn Mạnh Thản ngoài làm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ao Vua, còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên Khu du lịch Đầm Long, nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng thuộc Ba Vì, Hà Nội; Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Phú Thọ.
Ông cũng tham gia khoảng 20 hiệp hội, kiêm chức Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Hội Khuyến học Ba Vì...
Với những đóng góp đó, ngày 27/5/2020, ông Thản được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Đang cùng gia đình đến Ao Vua nghỉ dưỡng dịp hè này, anh Trần Hoàng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, khi còn là học sinh cấp 2, từ những năm 1995-1996, anh đã biết đến Ao Vua qua những chuyến tham quan của nhà trường. Đến nay, gia đình anh và bạn bè vẫn ghé qua Ao Vua mỗi đợt hè đến.

“Tôi nhớ, trước đây đến Ao Vua chủ yếu để lội suối, nay đã có thêm nhiều dịch vụ phục vụ nhu cầu mọi lứa tuổi, như công viên nước cho trẻ em, nhà hàng, khách sạn, tắm thuốc...”, anh Hoàng nhận xét.

Anh Đỗ Mạnh Hưng, người đồng hành cùng anh Hoàng chia sẻ thêm, Hà Nội 20 năm về trước ít chỗ chơi.

“Ao Vua là khu du lịch sinh thái duy nhất gần Hà Nội để khám phá, trải nghiệm. Khám phá, trải nghiệm là những từ mới, ngày ấy chúng tôi dùng từ “đi tham quan”. Nó là cái gì mới mẻ, xa lạ lắm!”, anh Hưng chia sẻ.

Năm 1993, khi ý tưởng du lịch sinh thái còn lạ lẫm, chính quyền địa phương chưa có tư duy phát triển du lịch, nhiều người thân khuyên ngăn, song ông Nguyễn Mạnh Thản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ao Vua vẫn quyết tâm đầu tư.

Từ buổi hoang sơ, đến nay mỗi năm Ao Vua đón khoảng 300-400 nghìn lượt khách, doanh số thu về 100 tỷ đồng. Với tổ hợp tiện ích và gần 100 phòng nghỉ, Ao Vua ngang tầm khách sạn 3 sao.

Bỏ nghề chặt gỗ làm du lịch sinh thái

Nhớ lại những ngày đầu xây dựng Ao Vua, ông Thản chia sẻ, năm 1993, ông làm doanh nghiệp xây dựng và sản xuất đồ gỗ. Sản phẩm mỹ nghệ của ông đến giờ vẫn có nhiều người nhớ tới.

“Nhưng lúc ấy, đứng từ vị trí cốt 100 (Khu Ao Vua) nhìn lên cốt 400, thấy rừng trống hếch, trống hoác, nhiều cây gỗ bị chặt ngổn ngang khiến tôi cảm thấy xót xa. Tôi ngẫm ra, mình đang tiếp tay cho phá hoại rừng, tàn phá môi trường”, vị doanh nhân chia sẻ.

Từ đó, ông bỏ nghề chế biến lâm sản, chuyển sang xin nhận khoán rừng, trông coi, trồng cây bổ sung. Cũng từ suy nghĩ “chắc chắn cuộc sống con người đến lúc cũng cần có chỗ nghỉ ngơi, thư giãn, lấy lại sức khoẻ, tinh thần”, ông lựa chọn đầu tư du lịch sinh thái, với mục đích vừa kinh doanh, vừa bảo vệ rừng.

Ông Thản kể, ngày mới nhận khoán, khu du lịch Ao Vua cây cối thưa thớt do bị chặt phá, lỗ chỗ hố nước do dân đào vàng bỏ lại, trông như chiến trường vừa bị bom oanh tạc. Ông cùng anh em công nhân lấp từng hố một, nhặt từng viên đá xếp làm bậc thang phục vụ khách tham quan. Không ít người đã đổ máu do trơn trượt, vắt cắn, sốt rét do muỗi đốt.

“Nhưng thành công chính của Ao Vua là biết lắng nghe khách hàng và đầu tư có lộ trình. Ngày đầu hoạt động, Ao Vua chỉ có nhà hàng nhỏ Hương Rừng. Khách đến lèo tèo, chủ yếu là học sinh, sinh viên, thanh niên lội suối. Họ mang cơm nắm, muối vừng theo ăn”, ông kể.

Thế rồi, ông từng bước đầu tư khu vui chơi giải trí, bể bơi, công viên nước, nhà ăn và dịch vụ mới nhất là chăm sóc sức khoẻ... Bởi ông chiêm nghiệm: “Ai cũng quan tâm đến sức khoẻ và đi theo xu hướng phòng bệnh hơn chữa bệnh. Do đó, du lịch phải kết hợp chăm sóc sức khoẻ”.

Xây công viên nghĩa trang mỗi năm thu trăm tỷ

img

Ông Nguyễn Mạnh Thản

Cũng xuất phát từ suy nghĩ “con người có nhu cầu nghỉ ngơi, nghỉ dưỡng thì sẽ có nhu cầu chỗ an táng”, từ đó ông tiếp tục đầu tư nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng.

Từ năm 2003, ông Thản đã được các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tây (cũ) cho phép thực hiện dự án xây dựng Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng với diện tích 20,6ha trên địa bàn hai xã Phú Sơn, Vật Lại thuộc huyện Ba Vì.

Bỏ ra trên 20 tỷ đồng vốn đầu tư vào thời điểm ấy, nhiều người cho rằng, ông là người “không bình thường”, hay thích chơi trội cho nổi danh, hoặc chí ít cũng là nhằm những mục đích khác chứ ai lại đi kinh doanh trong việc xây công viên cho… người chết bao giờ. Khác hẳn với những điều đồn đoán đó, đây thực sự là một ý tưởng kinh doanh táo bạo, đi trước, đón đầu thời cuộc.

Ông Thản cho hay, Vĩnh Hằng đang đền bù mở rộng giai đoạn 3 với diện tích khoảng 38ha: “Diện tích cũ giai đoạn 1, 2 đã bán hết nhưng cơ bản giá rẻ, lúc bấy giờ giá rẻ 1-5 triệu đồng/m2, trừ đi các chi phí đầu tư nên không ăn thua.

Riêng về dịch vụ hỏa táng, mỗi năm thu về hơn trăm tỷ đồng. Hiện nghĩa trang Vĩnh Hằng giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 70-80 lao động”.

“Quá trình phát triển luôn phải đồng hành với nhận thức, nhu cầu. Nhu cầu của khách hàng đến đâu, đầu tư đến đó”, vị doanh nhân chia sẻ và cũng thừa nhận, quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp, ông đối mặt với nhiều rào cản, trong đó có cả rào cản về pháp lý: Luật Đất đai, Lâm nghiệp, cơ chế chính sách tài chính, quản lý...

Ông từng bước vượt qua bởi quan niệm, hoạt động kinh doanh có thể đi trước những quy định mà hiện tại chưa có. Nhưng phải xác định những việc làm đó không gây nguy hại cho xã hội, bị pháp luật cấm.

Và nhất là tất cả phải minh bạch, cần có trước những kịch bản cho sự phát triển. Trong đó, dự báo trước những tình huống có thể xảy ra để chủ động xử lý.

Ông cũng truyền cảm hứng cho nhân viên bằng văn hoá doanh nghiệp. Ông quan niệm, thái độ ứng xử đối với khách hàng, cộng đồng xã hội, cộng đồng dân cư, thậm chí với sức khoẻ chính bản thân mình là văn hoá, đạo đức kinh doanh để đưa khách hàng đến theo nghĩa “hữu xạ tự nhiên hương”.

“Nó là cơ sở cho sự đồng thuận giữa doanh nghiệp với cộng đồng dân cư, khách hàng và chính quyền địa phương”, vị doanh nhân đúc rút.

Chia sẻ với cộng đồng

Sự lớn mạnh của Ao Vua cũng đã lan toả, tiếp động lực, giúp đỡ bà con nông dân địa phương thoát nghèo.

Theo UBND huyện Ba Vì, ông Nguyễn Mạnh Thản đã khởi xướng dự án “ngân hàng bò” với số vốn tài trợ 3 tỷ đồng. Số tiền này do Hội Nông dân huyện Ba Vì quản lý. Mỗi năm, Ao Vua đều dành khoảng hơn 1 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện, nhân đạo... Ao Vua cũng giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động.

Ông Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tản Lĩnh cho hay, ông Thản thông qua xã cho 30 hộ nghèo và cận nghèo vay 450 triệu đồng mua bò vàng sinh sản. Hội Nông dân xã. Đến nay, sau 18 tháng, đàn bò đã sinh sản được 12 con bê con, 7 bê đực, 5 bê cái. Cũng nhờ thế, 4 hộ đã thoát nghèo.

Điển hình là gia đình ông Đàm Văn Hân, một gia đình thuần nông. Sau khi con trai bị tai nạn giao thông, kinh tế đã khó lại càng chật vật. Giờ cuộc sống của gia đình ông Hân đã ổn định hơn, đàn bò nhân rộng với 1 bò mẹ và 2 bê con, tổng giá trị gần trăm triệu đồng…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.