Âm nhạc

Ông chủ của BTS đang toan tính gì khi dần thâu tóm SM Entertainment?

12/02/2023, 10:13

Việc trở thành cổ đông lớn nhất của SM Entertainment là bước đi khôn ngoan của HYBE, nhưng đặt ra nhiều vấn đề cho cả nền Kpop nói chung.

HYBE trở thành cổ đông lớn nhất của SM

Theo Soompi, ngày 10/2, HYBE Entertainment đã chính thức xác nhận mua lại 14,8% cổ phần của SM Entertainment từ chính người sáng lập nên công ty - Lee Soo-man, với giá 422,8 tỷ won (khoảng 334,3 triệu USD).

Điều này cũng khiến HYBE trở thành cổ đông lớn nhất trong công ty giải trí lớn này.

img

Chủ tịch HYBE, ông Bang Si-hyuk (phải) và nhà sáng lập SM Entertainment, ông Lee Soo-man (trái)

“SM và HYBE quyết định chung tay để đưa cả hai công ty đạt đến vị thế những người thay đổi cuộc chơi trong nền âm nhạc toàn cầu.

Chúng tôi sẽ cùng nhau tối ưu hóa sức cạnh tranh của Kpop trên toàn thế giới và phấn đấu hướng tới một doanh nghiệp bền vững, thời thượng, hướng tới tương lai”, HYBE tuyên bố trong thông báo mới nhất.

Dự kiến, các bước chuyển nhượng sẽ được hoàn tất vào ngày 6/3 sắp tới.

Lee Soo-man đe dọa có hành động pháp lý chống lại các giám đốc điều hành của SM. Lý do là các giám đốc điều hành đã bán 9,05% cổ phần của công ty cho Kakao, khiến gã khổng lồ trong ngành công nghệ Hàn Quốc trở thành cổ đông lớn thứ hai.

Lee gọi động thái này là bất hợp pháp và gây ra tranh chấp quản lý. Trước đó, các giám đốc điều hành quyết định chấm dứt hợp đồng với Lee Soo-man ở tư cách nhà sản xuất chính.

Soompi dự đoán, có vẻ như việc HYBE mua lại cổ phần từ Lee Soo-man chính là cách mà ông muốn nhằm loại bỏ Kakao.

Cần lưu ý, trước khi bán cổ phần cho HYBE, Lee Soo-man chỉ là cổ đông mà không có chức vụ ở SM Entertainment.

Ngoài thỏa thuận với Lee Soo Man, HYBE cũng thông báo về kế hoạch mua thêm cổ phần của SM Entertainment từ các cổ đông thiểu số. Điều này cũng sẽ giúp làm tăng cổ phần của họ trong công ty.

Thấy giừ từ thương vụ triệu USD của hai "ông lớn"?

Theo truyền thông Hàn Quốc, quyết định của Lee Soo-man đã làm thay đổi hoàn toàn vận mệnh của SM nói riêng và Kpop nói chung.

img

Sự hợp tác giữa hai "ông lớn" đặt ra nhiều vấn đề cho nền công nghiệp âm nhạc của Hàn Quốc

Những người ủng hộ sự hợp tác HYBE và SM nói quyết định này sẽ nâng Kpop lên một tầm cao mới.

Một bộ phận khác cho rằng nó có thể dẫn đến tình trạng độc quyền, thâu tóm quyền lực, khiến Kpop suy yếu vì mất đi tính đa dạng.

Trên The Korea Times, Kim Jin-woo - giáo sư tại Học viện Nghệ thuật Seoul đánh giá, HYBE quản lý nhóm nhạc hàng đầu Hàn Quốc là BTS, công ty HYBE còn sở hữu vài cái tên nổi bật như Le Sserafim hay TXT.

Trong khi đó SM Entertainment quản lý rất nhiều tên tuổi như TVXQ, Super Junior, Girls' Generation, EXO, Red Velvet, NCT, aespa… SM Entertainment cũng có danh tiếng ở Nhật Bản, với vị thế là công ty Kpop tiên phong khai phá thị trường này.

Đặc biệt, trong thời gian tới, khi BTS hạn chế hoạt động vì có thành viên nhập ngũ, viếc việc mang về những nhóm nhạc đã thành công của SM có thể là một giải pháp để HYBE duy trì sức mạnh của mình.

"Nhờ thành công của BTS mà HYBE đã tiếp cận được chuỗi cung ứng của thị trường âm nhạc toàn cầu. Nếu HYBE được sử dụng các sản phẩm của SM Entertainment, ví dụ như nhóm NCT, cả hai sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp và chiếm được thị phần lớn hơn trên toàn cầu", ông Kim Jin-woo nhận định.

img

Nhóm nhạc NCT

Tuy nhiên, Lee Gyu Tag - giáo sư nghiên cứu văn hóa tại Đại học George Mason Hàn Quốc, lại không thật sự yên tâm về quan điểm sự hợp tác này sẽ trở thành bước đệm cho sự phát triển của Kpop.

Với kịch bản SM trở thành công ty con mới của HYBE, Lee dự đoán HYBE có khả năng sẽ đi theo bước chân của các công ty âm nhạc đa quốc gia như Sony Music Entertainment (SME) và Universal Music Group (UMG).

"Tức là, HYBE sẽ tập trung vào việc tiếp thị và phân phối âm nhạc do các công ty con của mình sản xuất. Trong khi đó, công ty con xử lý các nhiệm vụ chính, chẳng hạn tuyển chọn và đào tạo thực tập sinh. Các công ty con sẽ ít có khả năng phát triển hệ thống Kpop. Mọi người có thể phải chờ xem phương pháp này sẽ mang lại những hậu quả gì", ông nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.