Sở hữu 9 bảo vật quốc gia mang giá trị độc đáo, bộ sưu tầm cổ vật An Biên của ông Trần Đình Thăng được trưng bày tháng 5/2022 vừa qua khiến giới chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá rất cao và chú ý nhiều tới Hội Cổ vật Hải Phòng hơn.
Nặng lòng với cổ vật
9 bảo vật quốc gia mang giá trị độc đáo trong bộ sưu tập cổ vật An Biên của ông Trần Đình Thăng
Những ngày cuối năm nhưng ông Trần Đình Thăng - chủ hãng giày Vento nổi tiếng đất Cảng vẫn rất hiếm khi ở nhà. Đi công tác trong hay ngoài nước, sau thời gian giải quyết công việc, ông thường tìm tòi những người chơi cổ vật hoặc những bảo tàng cổ vật tư nhân để sưu tầm những món đồ mang giá trị lịch sử cao.
“Ông ấy đi công tác nhiều khi không về được chính xác ngày đã hẹn, vì cái tính ham mê cổ vật đó”, vợ ông Thăng chia sẻ.
Giới chơi cổ vật đều biết, sưu tầm cổ vật là thú chơi không phải ai cũng có thể theo đuổi, bởi sự tốn kém về kinh tế, kỳ công và đòi hỏi một kiến thức lịch sử uyên thâm.
Và để có được bộ sưu tập đồ sộ, thể hiện của dòng chảy lịch sử hơn 2.000 năm là một điều hiếm gặp. Nhưng với ông Trần Đình Thăng, niềm đam mê đó được ông ấp ủ và nuôi lớn từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ông Thăng chia sẻ, từ khi còn đi học, ông đã đặc biệt yêu thích môn lịch sử, cứ có cơ hội là ông tìm đến các bảo tàng, say sưa tìm hiểu. Khi bắt đầu đi làm là ông đã dành dụm để sưu tầm cổ vật.
Ông vẫn nhớ, ở tuổi đôi mươi, khi các bạn thích đi du lịch, mua xe, còn ông như một cụ già, chỉ lọ mọ đi tìm… cổ vật.
Niềm đam mê cổ vật chưa bao giờ giảm với ông Thăng. Có những lần đi công tác nhiều ngày mới về.
Trong những lần đó, khi mua được một món đồ tâm đắc, về đến nhà ông sẽ… quên cả vợ con mà chỉ ngồi ngắm quên ăn quên ngủ món đồ mới mua.
“Việt Nam là quốc gia văn hiến có lịch sử lâu đời. Các bậc tiền nhân không để lại cho hậu thế nhiều cung điện nguy nga tráng lệ, đền đài lầu son gác tía mà trao truyền những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể chứa đựng hồn cốt, mỹ tục văn hóa con Lạc, cháu Hồng.
Vì vậy, tôi muốn lưu giữ bảo vật, trao truyền đến thế hệ trẻ ngọn lửa nhiệt huyết trong bảo tồn, phát huy giá trị cổ vật”, ông Thăng chia sẻ.
Với ông Thăng, những món đồ mà ông sưu tầm được đều là vô giá, ông không bao giờ nhượng lại hoặc chia sẻ cho người khác.
Ông bảo đã chơi cổ vật thì giá trị kinh tế không quan trọng bằng sự trân trọng và hiểu về món đồ đó, cái tinh thần, cốt cách của người chơi...
9 bảo vật quốc gia
Ông Trần Đình Thăng
Hiện ông chủ hãng giày này đang sở hữu hơn 300 hiện vật trưng bày, phần lớn có nguồn gốc tại Việt Nam, được làm bằng các chất liệu đồng, gốm, gỗ có niên đại trải dài suốt tiến trình lịch sử dân tộc. Trong đó, có 9 bảo vật quốc gia.
Bộ sưu tập gồm 9 món được công nhận là bảo vật quốc gia mà ông Thăng đang sở hữu được ông đặt tên “Cổ vật An Biên” gồm có 4 ấm (2 ấm cao 18cm đường kính 8,5cm và 2 ấm cao 20,3cm đường kính miệng 4cm), 3 đĩa cao 3,7cm đường kính miệng 15,2cm, 2 liễn (cao 21,8cm đường kính 12,7cm) được làm từ chất liệu gốm men trắng triều Lý (thế kỉ XI-XII).
Đây là bộ sưu tập có nguồn gốc xuất xứ ở Việt Nam, đa dạng loại hình và chất liệu từ đồ gốm men, đồ sứ, sành, đồ đồng… được giới sưu tầm cổ vật trong và ngoài nước quan tâm, đánh giá cao.
Nhiều người thắc mắc tại sao những món cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia không phải là chất liệu làm từ vàng hay đá quý mà lại là những đồ gốm.
Để giải thích về thắc mắc này, ông Thăng chia sẻ: “Nghề gốm có lịch sử trên dưới vạn năm, nhưng gốm thời kỳ Lý, Trần là phát triển mạnh mẽ nhất và cũng có thể nói đây là giai đoạn vàng của gốm Việt Nam.
Trong suốt 4 thế kỷ từ thời Lý sang thời Trần, đồ gốm đã đạt được những thành tựu rực rỡ. Men trắng cũng xuất hiện ở thời kỳ này, ngoài men tro và men đất và gốm men trắng cũng chính là khởi đầu cho việc khám phá ra các dòng men màu khác của gốm sứ sau này”.
Theo một số nhà nghiên cứu, những hiện vật trong bộ sưu tập gốm men trắng triều Lý của ông Thăng là hiện vật gốc, độc bản. Các hiện vật được bảo quản hoàn hảo, chưa từng gặp ở bất cứ bảo tàng hay trong các bộ sưu tập cá nhân nào tại Việt Nam.
Các hiện vật trên đều đạt tới đỉnh cao nghệ thuật chế tác. Kiểu dáng, họa tiết trang trí, màu men độc đáo, thuần Việt và được người thợ làm gốm xưa đã khéo léo gắn triết lý Phật giáo vào sản phẩm.
Ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch TP Hải Phòng cho biết: “Tôi rất ấn tượng khi xem hơn 300 cổ vật trong bộ sưu tập cổ vật An Biên.
Sự đa dạng loại hình và độc đáo của từng hiện vật thể hiện sâu sắc, rõ nét, có sức sống mãnh liệt, phát triển ổn định suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Hiếm có bộ sưu tập, bảo tàng tư nhân nào có những hiện vật đặc sắc, kỹ mỹ nghệ cao, tính toàn vẹn nguyên gốc như ở bộ sưu tập này. Điều đó cho thấy chủ sở hữu đã ý thức, dày công trong quá trình sưu tập”.
Nói về bộ sưu tập cổ vật của ông Thăng, ông Nguyễn Bá Thanh Long, Phó chủ tịch Hội Cổ vật Hải Phòng cho biết: “Gắn tư duy thế sự cho sưu tập di sản của tiền nhân, gắn cái lãng mạn văn hóa dân gian vào mạch nguồn lịch sử - chủ nhân của sưu tập cổ vật An Biên đã làm được điều đó.
Ông Thăng biết trân quý, gìn giữ di sản cổ vật, phong tục truyền thống và sức mạnh tâm linh là những giá trị căn cốt, to lớn vô hình để an định, kiến lập nội lực vững bước trên đường đời đem lại hạnh phúc, thành công cho cuộc sống. Sưu tập cổ vật An Biên là minh chứng”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận