Biết sai nhưng vẫn "ưu ái" Việt Á
Trong cáo trạng ban hành ngày 29/9 về đại án Việt Á, Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân Tối cao truy tố 38 bị can gồm 6 tội danh.
Trong số này, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) cùng cựu Thứ trưởng KH&CN Phạm Công Tạc bị cáo buộc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, với khung truy tố ở mức 10-20 năm tù.
Ông Chu Ngọc Anh giữ chức vụ Bộ trưởng KH&CN từ tháng 4/2016 đến ngày 25/9/2020. Còn ông Phạm Công Tạc khi làm Thứ trưởng, được Bộ trưởng phân công phụ trách lĩnh vực khoa học và công nghệ, trực tiếp theo dõi, quản lý, tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu test xét nghiệm.
VKS xác định đầu năm 2020, Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt muốn doanh nghiệp này được tham gia đề tài nghiên cứu, chế tạo test xét nghiệm do Bộ KH&CN phê duyệt. Do đó, bị can đã thông đồng với ông Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng thuộc Bộ KH&CN) đề xuất, tác động với lãnh đạo Bộ ký các văn bản triển khai thực hiện đề tài.
Trong đó, giao Học viện Quân y chủ trì, còn Công ty Việt Á phối hợp thực hiện các nhiệm vụ của đề tài với nguồn kinh phí 18,9 tỷ đồng từ Ngân sách Nhà nước.
Theo cáo trạng, các ông Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc biết rõ quyền sở hữu kết quả nghiên cứu đề tài thuộc về Nhà nước do Bộ trưởng KH&CN làm đại diện theo quy định. Tuy nhiên, khi được ông Trịnh Thanh Hùng báo cáo trên cơ sở đề xuất đặt hàng của Học viện Quân y, ông Chu Ngọc Anh và ông Phạm Công Tạc đã làm trái quy định, giúp Việt Á sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài.
Cơ quan tố tụng làm rõ ông Chu Ngọc Anh đã ký quyết định số 188 ngày 6/2/2020 phê duyệt giao Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á phối hợp thực hiện đề tài và kinh phí 18,98 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Còn ông Tạc ký quyết định thành lập hội đồng, tổ thẩm định kinh phí với số tiền này.
Với những hành vi trái pháp luật nêu trên của hai cựu lãnh đạo Bộ KH&CN, Công ty Việt Á đã sử dụng kết quả nghiệm thu đề tài thuộc sở hữu Nhà nước, lập hồ sơ và được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm trái quy định của pháp luật.
Khi Công ty Việt Á sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài để đưa vào sản xuất thương mại trái quy định, các ông Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc vẫn không thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý tài sản của Nhà nước.
"Bị can Chu Ngọc Anh đồng ý để Phạm Công Tạc chủ trì tổ chức họp báo, ra thông cáo báo chí thể hiện Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng test xét nghiệm cho Công ty Việt Á, năng lực sản xuất của Công ty Việt Á", cáo trạng nêu rõ.
Gây thất thoát số tiền 18,98 tỷ đồng
Ngoài ra, VKS còn cho rằng ông Chu Ngọc Anh trực tiếp ký quyết định khen thưởng, ký tờ trình đề nghị Thủ tướng khen thưởng cho Công ty Việt Á. Bị can cũng chỉ đạo ông Trần Văn Tùng (Thứ trưởng KH&CN) ký công văn gửi UBND TP.HCM đề nghị, giúp Việt Á được tặng Huân chương Lao động hạng ba không đúng đối tượng.
Hành vi sai phạm của các ông Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc "quảng bá, đánh bóng hình ảnh, thương hiệu cho Công ty Việt Á", VKS cáo buộc và cho rằng việc này gây thất thoát số tiền 18,98 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.
Cũng theo cáo trạng, sau khi giúp Việt Á, ông Chu Ngọc Anh được Phan Quốc Việt đưa 200.000 USD (tương đương khoảng 4,6 tỷ đồng) để cám ơn; đưa cho ông Phạm Công Tạc 50.000 USD (tương đương hơn 1,1 tỷ).
Quá trình điều tra, cựu Thứ trưởng Phạm Công Tạc khai đã nhận của Phan Quốc Việt 100 triệu đồng. Tuy nhiên, VKS căn cứ vào nhiều tài liệu, trong đó có lời khai của Phan Quốc Việt, Trịnh Thanh Hùng, Vũ Đình Hiệp và dữ liệu điện tử cùng sao kê tài khoản ngân hàng của Việt, đủ cơ sở xác định ông Tạc nhận của Phan Quốc Việt 50.000 USD.
Cáo trạng còn cho thấy ông Chu Ngọc Anh đã nộp khắc phục 1 tỷ đồng, còn ông Phạm Công Tạc nộp khắc phục 80 triệu đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận