Pháp đình

Ông chủ Nhật Cường bỏ trốn, luật sư tranh luận gay gắt việc bồi thường

30/12/2021, 17:10

Trước việc các luật sư yêu cầu đưa Công ty Nhật Cường vào cuộc đền bù dân sự, Viện Kiểm sát đã nêu ý kiến để làm rõ những vấn đề liên quan.

Chiều ngày 30/12, phiên toà xét xử cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng 6 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Sở Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội được tiếp tục với phần tranh luận.

img

Các bị cáo tại phiên xét xử vụ án xảy ra tại Sở KH&ĐT Hà Nội

Mỗi bị cáo thực hiện một hành vi, dẫn đến hậu quả đặc biệt lớn

Đối đáp với các bị cáo và luật sư, đại diện Viện KSND TP Hà Nội cho biết, đây là vụ án có đồng phạm. Đối với bị cáo Tứ đã thừa nhận ngay hành vi sai phạm của mình nhưng luật sư bào chữa cho bị cáo Tứ lại đưa ra các quan điểm, lập luận để chứng minh bị cáo Tứ không phạm tội.

Vì vậy luật sư chỉ đề nghị HĐXX đưa ra hình phạt vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục cho bị cáo.

Còn đối với các bị cáo Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Kim Tuyến và Phạm Thị Thu Hường cũng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình là tham mưu, đề xuất để lãnh đạo Sở ký ban hành văn bản.

Do vậy, theo đại diện Viện Kiểm sát, đây là chuỗi hành vi vi phạm, mỗi bị cáo thực hiện một hành vi, dẫn đến hậu quả đặc biệt lớn. Đồng nghĩa với chuỗi hành vi vi phạm là trách nhiệm chung thuộc về tập thể, chứ không chỉ thuộc về một cá nhân nào.

Về hành vi chỉ đạo đình chỉ thầu và dừng thầu của bị cáo Nguyễn Đức Chung, đại diện Viện Kiểm sát trích dẫn hồ sơ vụ án cho thấy, trước khi chỉ đạo dừng thầu, không có văn bản nào UBND TP Hà Nội chỉ đạo dừng các dự án về công nghệ thông tin.

Ngoài ra, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Tứ đều xác nhận ngày 15 và 16/5/2016, bị cáo Chung gọi điện chỉ đạo dừng gói thầu để đưa công nghệ số hóa của Nga vào. Sau đó, Sở KH&ĐT Hà Nội gửi văn bản cho UBND TP Hà Nội và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông báo về việc dừng thầu theo chỉ đạo.

Căn cứ vào tài liệu hồ sơ và thẩm vấn, theo đại diện Viện Kiểm sát, có đủ cơ sở khẳng định bị cáo Nguyễn Đức Chung vì vụ lợi cá nhân đã lợi dụng chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội để chỉ đạo Sở KH&ĐT Hà Nội cho Công ty Nhật Cường tham gia gói thầu số hóa năm 2016 và trúng thầu.

Đề nghị luật sư cung cấp thông tin Công ty Nhật Cường đang hoạt động ở đâu?

Ngoài ra, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, do là một gói thầu dở dang nên hợp đồng này cần phải vô hiệu nên nhà thầu phải hoàn trả lại số tiền đã nhận cho Nhà nước thông qua đơn vị chủ đầu tư là Sở KH&ĐT Hà Nội.

Để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, cơ quan chức năng đã tính đúng, đính đủ theo quy định của pháp luật để không làm tăng thêm phần bồi thường cho các bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự, các luật sư nhận định, trong vụ án này không có trách nhiệm liên đới mà trách nhiệm thuộc về Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường. Ngoài ra, có luật sư cho rằng Công ty Nhật Cường đang tồn tại và vẫn hoạt động.

Với vấn đề nghị, đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh: "Chúng tôi đề nghị, luật sư nào biết Công ty Nhật Cường nếu đang tồn tại và hoạt động thì hoạt động ở đâu, báo cho HĐXX, Viện Kiểm sát và Cơ quan điều tra để cùng nhau làm rõ những vấn đề liên quan đến Nhật Cường".

Trong thời gian phiên toà diễn ra, gia đình bị cáo Võ Việt Hùng (Giám đốc Công ty Đông Kinh) đã nộp hơn 2,1 tỷ đồng (trước đó đã nộp 400 triệu đồng); gia đình bị cáo Lê Duy Tuấn (Giám đốc Kinh doanh Công ty Đông Kinh) đã nộp 300 triệu đồng và gia đình bị cáo Nguyễn Văn Tứ (cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội) đã nộp hơn 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, đại diện Viện kiểm sát nhận thấy xác định, đây là tình tiết mới nên đề nghị HĐXX xem xét đến tình tiết này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.