Vụ án ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có bản án phúc thẩm chưa đầy một tuần, sáng 10/12 bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã phát đi thông tin cho biết, chính các luật sư đã khuyên với bà rằng nên làm ngay đơn gởi Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao để đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Bởi lẽ những nội dung của bản án tuyên có nhiều điểm vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Cụ thể như việc áp dụng các quy định của pháp luật có liên quan trong việc xét xử, xác định và phân chia khối tài sản chung của vợ chồng, đã gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Thảo, đặc biệt can thiệp thô bạo đến quyền và tư cách cổ đông được quy định trong Điều lệ Công ty và Luật Doanh nghiệp khi đã tước bỏ các quyền về tài sản của bà Thảo với tư cách là cổ đông trong Tập đoàn Trung Nguyên và các Công ty trực thuộc.
Thứ nhất, ngay trước thời điểm mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án ly hôn, bà Thảo đã có gởi đơn đề nghị Chánh án TAND Cấp Cao tại TP.HCM thay đổi thành phần Hội đồng xét xử.
Theo đó, Hội đồng xét xử gồm 3 thẩm phán là: thẩm phán Nguyễn Hữu Ba, thẩm phán Phan Đức Phương, thẩm phán Trương Văn Bình, nhưng lại có tới 2 thẩm phán từng nhiều lần xử bà Thảo thua trong các vụ việc tranh chấp trước đây.
Đó là thẩm phán Nguyễn Hữu Ba và Phan Đức Phương - hai người đã từng ban hành Quyết định phúc thẩm số 01 ngày 7/1/2019 để giải quyết liên quan đến Quyết định tạm đình chỉ của vụ án này, theo đó không chấp nhận kháng cáo của bà Thảo. Do vậy, để đảm bảo việc xét xử được khách quan, công tâm, đúng pháp luật nên bà Thảo đã có đơn đề nghị gởi Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM xin thay đổi 2 thẩm phán nêu trên.
Tuy nhiên, HĐXX do thẩm phán Nguyễn Hữu Ba vẫn khẳng định quyền quyết định thuộc về HĐXX chứ không phải Chánh án và không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu của bà.
Thứ hai là trong quá trình tố tụng có những vi phạm có dấu hiệu của hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án. Cụ thể là quyết định số 05 đã bị “ém nhẹm” và bỏ ra ngoài hồ sơ, dẫn đến hậu quả là kết quả xét xử sơ thẩm trái pháp luật vì không tuân theo quyết định có hiệu lực của người có thẩm quyền tố tụng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của toà án trong xét xử.
Thứ ba, cả 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều không định giá cổ phần và phần vốn góp.
Thứ tư, là việc chia tài sản không hiện hữu, không thực hiện thủ tục tố tụng.
Thứ năm vi phạm trong việc áp dụng trái pháp luật về nội dung trong việc giải quyết vụ án. Theo quy định tại Điểm b khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT - TANDTC - VKSNDTC - BTP ngày 06/01/2016 trong việc xác định công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.
Nghiêm trọng hơn, dù ông Vũ đã khẳng định “không có tài sản riêng trước hôn nhân, không được tặng cho tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân, số tiền góp vốn trong các công ty là lợi nhuận kinh doanh của các công ty trong quá trình hoạt động giữ lại”, nhưng cả hai cấp Tòa phúc thẩm và sơ thẩm lại chấp nhận ngay lời khai một chiều, không có chứng cứ của những người được ông Vũ ủy quyền tham gia phiên tòa để xác định công sức đóng góp của ông Vũ nhiều hơn, quyết định phân chia khối tài sản chung là cổ phần tại các công ty theo tỷ lệ ông Vũ 60%, bà Thảo 40% là hoàn toàn không chính xác. Đã vi phạm Điều 29, 33 Luật Hôn nhân và gia đình.
Thứ sáu, cả hai cấp Tòa phúc thẩm và sơ thẩm tiếp tục vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan khi tuyên buộc bà Thảo phải giao toàn bộ số cổ phần do bà Thảo đứng tên sở hữu và chia theo tỷ lệ 60% - 40% cho ông Vũ.
Việc VKS nhân dân có đề nghị kháng nghị hay không, và nếu kháng nghị có được chấp nhận hay không đến nay chưa có thông tin chính thức.
Về phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ, sau phiên toà ông chưa có bất kỳ phát ngôn nào về kết quả phiên toà. Tuy nhiên, ông Vũ tính toán, do phiên toà ly hôn đã kéo dài khoảng 4 năm. Vì thế sau phán quyết của toà án, 'Trung Nguyên sau ly hôn 2-3 năm mới gượng dậy được.
Sau 4 năm đâm đơn xin ly hôn, trải qua nhiều phiên tòa, tổng mức án phí mà ông Vũ và bà Thảo phải nộp là 8 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận