Xã hội

Ông Đinh La Thăng khai góp vốn vào Oceanbank lúc đầu có hiệu quả

19/03/2018, 17:21

Tại tòa, ông Thăng cho rằng việc PVN đầu tư vào Oceanbank giai đoạn đầu có hiệu quả.

toa-ngay-19-3-15214323042391376397278

Ông Đinh La Thăng khẳng định việc góp vốn vào Oceanbank có hiệu quả

Ông Đinh La Thăng đã khẳng định như vậy khi được Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi về quyết định của Tập đoàn dầu khi (PVN) đầu tư vào Oceanbank. Diễn biến này được ghi nhận tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án PVN góp vốn vào OceanBank, cáo buộc gây thất thoát 800 tỷ đồng, diễn ra chiều 19/3.

Trước khi xét hỏi ông Thăng, HĐXX hỏi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó Tổng giám đốc PVN. Bị cáo Sơn khai việc góp vốn lần 3 của PVN vào Oceanbank không báo cáo Thủ tướng nữa, vì trước đó đã xin ý kiến Thủ tướng về việc tăng vốn điều lệ (khi OceanBank đề nghị tăng vốn điều lệ lên 5000 tỷ ). Lần góp vốn thứ ba chỉ là điều chỉnh lại (giảm từ 5.000 tỷ xuống 4.000 tỷ).

Trả lời câu hỏi "Việc duy trì tỉ lệ góp vốn 20% này có trái luật các tổ chức tín dụng không?", ông Sơn giải thích, vấn đề góp vốn của một DN vào một DN khác phải theo quy định của pháp luật, do NHNN duyệt. Năm 2009, 2010 PVN đã góp vốn rồi, do só sự thay đổi nên năm 2011 giảm từ 5.000 tỷ xuống 4.000 tỷ. PVN thực hiện cam kết với nhà đầu tư.

Theo ông Sơn, Luật Tổ chức tín dụng có hiệu lực là thời điểm nhạy cảm, khi đó anh em PVN không cập nhật kịp thông tin này. Việc góp vốn tuân theo hai quy định của pháp luật, tuy nhiên, Luật đã có hiệu lực nhưng chưa có nghị định hướng dẫn.

"Nhận thức của các bị cáo đều là nếu biết đó là vi phạm sẽ không bao giờ làm. Việc góp vốn diễn ra trong thời điểm OceanBank làm ăn rất hiệu quả, một năm chi cổ tức hai lần, với tỷ lệ rất cao. Mong HĐXX và VKS xem xét cho có tình, có lý đối với hành vi của các bị cáo”- ông Sơn trình bày.

Trả lời câu hỏi của HĐXX, ông Đinh La Thăng cho biết, trước khi ký thỏa thuận với OceanBank, PVN đã khảo sát rất kỹ nhiều Ngân hàng khác, và Oceanbank là một trong những ngân hàng đó.

Về việc ký thỏa thuận  6934 (ngày 18/9/2008) với Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm, ông Thăng cho rằng “không cần phải thông qua HĐQT” vì đây chỉ là biên bản làm việc thống nhất với đối tác, khi nào Nghị quyết thực hiện mới phải  báo cáo HĐQT.

Tại toà, ông Thăng khai rõ, báo cáo của ông Nguyễn Ngọc Sự (Phó TGĐ PVN khi đó) nêu rất rõ tình hình của OceanBank. Đây là ngân hàng quy mô nhỏ, tính thanh khoản thấp, chính vì vậy mới có nhu cầu tăng vốn và như vậy PVN mới có điều kiện để góp vốn vào. Ông Thăng cũng khẳng định OceanBank có hệ số tín dụng trung bình khá, khi PVN tham gia góp vốn vào cùng các cổ đông khác thì vốn điều lệ sẽ tăng lên, khả năng huy động vốn tăng lên, ngân hàng sẽ hoạt động có hiệu quả.

Chủ toạ hỏi bản thoả thuận này có phải là tiền đề cho các lần góp vốn lần sau không, ông Thăng đáp, tiền đề của việc góp vốn trước hết phải từ chủ trương của Đảng, sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, sau đó mới căn cứ vào Nghị quyết của HĐQT. Văn bản này không phải là tiền đề.

Ông cũng khẳng định trước toà, tất cả các Nghị quyết của HĐQT do ông ký hoặc ủy quyền ký đều tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành. Ngoài ra, không có bất kỳ văn bản QPPL nào quy định ký Nghị quyết của HĐQT phải có trước hay có sau khi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, chỉ có quy định trước khi đầu tư ra ngoài công ty mẹ phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

“Thực tế Tập đoàn đã thực hiện theo đúng quy định đó. Ba tháng sau khi có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Tổng giám đốc PVN mới quyết định chuyển tiền vào OceanBank. Các quyết định chuyển tiền đều ghi được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ” - ông Thăng trình bày.

Cũng theo ông Thăng,  ngày 30/9/2008, ông ký văn bản gửi Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính xin ý kiến về việc góp vốn vào OceanBank. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không trả lời PVN mà ngày 14/10/2008, PVN có nhận được công văn của Bộ Tài chính, trả lời Thủ tướng Chính phủ, gửi cho PVN để biết.

Văn bản của Bộ Tài chính nêu ý kiến "để bảo đảm tính hiệu quả, đề nghị PVN cần báo cáo rõ tình hình hoạt động của OceanBank, đặc biệt là danh mục cho vay, danh mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán cũng như việc trích lập các khoản dự phòng cho các hoạt động kinh doanh của OceanBank, xác định giá trị thực cổ phiếu của OceanBank để tránh rủi ro trước khi quyết định đầu tư...

Tuy nhiên, theo ông Thăng, đây chỉ là văn bản mang tính “khuyến cáo” của Bộ Tài chính, chứ PVN không cần phải báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ hay Bộ Tài chính. Văn bản của VPCP cũng không yêu cầu PVN phải báo cáo.

Ông Thăng cho biết, thực tế, HĐQT đã yêu cầu Ban Tổng giám đốc triển khai thực hiện các yêu cầu trên từ 12/10, sau khi HĐQT ký nghị quyết chứ không phải sau khi  Bộ Tài chính có văn bản.

Chủ tọa phiên tòa nhắc lại nhiều nội dung trong báo cáo của ông Nguyễn Ngọc Sự kết luận về tình hình hoạt động của OceanBank, theo đó OceanBank là Ngân hàng TMCP có quy mô hoạt động nhỏ, khả năng thanh khoản kém.... “Khi bị cáo nhận được công văn của Bộ Tài chính thì có suy nghĩ gì về vấn đề này không, trước khi ký nghị quyết góp vốn vào OceanBank?”- chủ tọa hỏi.

Ông Thăng trình bày, OceanBank có quy mô nhỏ, khi tăng vốn lên thì quy mô hoạt động tăng lên, tính thanh khoản tăng lên... Thực tế PVN đầu tư vào OceanBank đem lại hiệu quả rất lớn. Năm 2009, PVN được chia cổ tức trên 10%, 2010 đến 16%... “Khoản đầu tư của PVN vào OceanBank rất hiệu quả, kết quả kinh doanh khi đó đã chứng minh”- ông Thăng nhấn mạnh.

Ông Thăng cũng cho rằng, bản báo cáo của ông Nguyễn Ngọc Sự như vậy nhưng “chốt” lại OceanBank có chất lượng tín dụng trung bình khá. Cũng theo ông Thăng, việc PVN góp vốn vào các Ngân hàng không phải là chủ động đầu tư mà do Chính phủ chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, PVN phải gương mẫu xin dừng thành lập Ngân hàng Hồng Việt. Để giải quyết hậu quả đó phải xin góp vốn vào các Ngân hàng khác.

Ông Thăng ví von, giống như việc PVN gả một cô gái xinh đẹp cho một chàng trai khác, nhưng đây lại là cô gái có chồng rồi. “Có chồng rồi thì tiêu chuẩn để gả phải khác”- ông Thăng nói và cho rằng “nếu là Ngân hàng Ngoại thương hay Ngân hàng đầu tư phát triển thì người ta sẽ không cho” nên phải tính toán khả năng phát triển của OceanBank. Ông Thăng cho biết, đồng ý cho góp vốn, OceanBank phải chấp nhận phương án nhận mấy chục con người, toàn là lãnh đạo cả. “Nếu không thành lập Ngân hàng Hồng Việt như kế hoạch nữa thì bố trí các anh ở đâu? Rồi bao nhiêu tiền đầu tư vào phần mềm, xây dựng cơ sở vật chất... Trong bối cảnh của 2008 như vậy chứ không phải là diễn ra bình thường”- ông Thăng nói.

Việc góp vốn vào OceanBank, theo ông Thăng xuất phát từ chủ trương xây dựng thí điểm thành lập các Tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành. Đối với PVN thì có Nghị quyết Trung ương 3, có kết luận 41 của Bộ chính trị... PVN được thành lập Ngân hàng với trên 50% vốn điều lệ.  Nhưng để đi đầu trong việc thực hiện chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, PVN xin dừng thành lập Ngân hàng Hồng Việt, vì vậy PVN đã lựa chọn OceanBank để góp vốn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.