Hồ sơ tài liệu

Ông Donald Trump sẽ dùng 200 triệu USD huy động được vào việc gì?

21/12/2020, 06:46

Theo một số chuyên gia, việc ông Donald Trump không chấp nhận kết quả bầu cử có liên quan đến khoản tiền tài trợ lên đến 200 triệu USD.

img

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ rời Nhà Trắng sau khi ông Joe Biden nhậm chức vào tháng 1 tới

Chứng kiến ông Donald Trump nhất quyết không chấp nhận kết quả bầu cử dù Tòa án Tối cao đã lên tiếng, nhiều người cho rằng, có lẽ vị Tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ muốn thu hút sự chú ý trước khi chính thức rời Nhà Trắng vào đầu tháng tới. Nhưng theo một số chuyên gia, đằng sau đó là cả tham vọng chính trị cực lớn và có liên quan đến khoản tiền tài trợ lên đến 200 triệu USD.

Khoản tài trợ 200 triệu USD đang ở đâu?

Theo Guardian, trong suốt quá trình khiếu kiện bầu cử, chiến dịch marketing của ông Donald Trump đã kêu gọi tài trợ cho nỗ lực ngăn chặn sai phạm bầu cử qua nhiều hình thức như gửi thư điện tử, tin nhắn tới những người ủng hộ. Có ngày, số lượng lên đến 30 tin.

Nhiều bức thư có nội dung: “Chúng tôi cần sự giúp đỡ của bạn để bảo vệ liêm chính của bầu cử”. Nhiều mẫu thư và tin nhắc khác có tiêu đề: “Kết quả tái kiểm phiếu là giả mạo”... Tiền tài trợ ùn ùn được đổ vào tài khoản, lên tới 200 triệu USD - một con số mà theo nhiều chuyên gia đánh giá là hiếm có.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi kết quả cuộc đua đã rõ ràng, dư luận mới đặt câu hỏi: Số tiền 200 triệu USD đang ở đâu và đã được sử dụng như thế nào?

Nhà báo Chris McGreal của tờ Guardian (Anh) cho rằng, phần lớn số tiền lại không được sử dụng cho mục đích chính là lật lại kết quả bầu cử. Trong đó, một phần tiền được dùng để trả nợ chiến dịch tranh cử của ông Trump, ngoài ra cứ 1 USD có 25 cents được chuyển trực tiếp tới đảng Cộng hòa. Phần còn lại được chuyển vào “Save America” - một tổ chức được thành lập với vai trò là Ủy ban Hành động Chính trị (PAC). Đáng chú ý, khi kêu gọi tài trợ, chiến dịch của ông Trump lại không nhắc tới “Save America”.

Duy trì vị thế và tầm ảnh hưởng chính trị

Dẫn lời nhiều chuyên gia về tài chính chiến dịch cũng như giới nghiên cứu về khoa học chính trị Mỹ, nhà báo Chris McGreal cho rằng, quỹ “Save America” có thể được sử dụng để ông Trump cùng các đồng minh chính trị duy trì vị thế mạnh mẽ trên chính trường.

Ông Bredan Fischer, chuyên gia tài chính chiến dịch tại Trung tâm Pháp lý Chiến dịch cho biết, hoạt động kêu gọi tài trợ của Trump là “vô tiền khoáng hậu” và là minh chứng cho tham vọng chính trị vẫn đang hừng hực cháy của chính trị gia này.

“Có lẽ, không có Tổng thống nào lại thành lập PAC ngay sau khi thất cử và bắt đầu gọi tài trợ dữ dội như vậy… Theo tôi, có thể Trump sẽ dùng nó làm phương tiện để tiếp tục hoạt động chính trị tích cực sau khi ra khỏi Nhà Trắng”, ông Fischer nhận định.

Theo ông Fischer: “Luật pháp Mỹ không quy định chặt chẽ việc chi tiêu liên quan tới PAC nên ông Trump có thể sử dụng quỹ này để trả lương cho nhân viên chiến dịch tranh cử, trả lương cho chính mình và cho cả các thành viên trong gia đình”.

Mặt khác, dù không thể trực tiếp sử dụng quỹ này để chạy đua Tổng thống nhưng vẫn có nhiều cách để tận dụng nó làm nền tảng cho cuộc tranh cử vào năm 2024.

Ông Fischer kể tên một số phương án như hậu thuẫn cho một ứng viên mà Trump ưa thích. Chẳng hạn như dùng tiền để chi trả cho những cuộc mít-tinh, quảng bá cho chính ông hoặc ứng viên mà ông hậu thuẫn.

Tờ Guardian dẫn lời bà Jennifer Victor, Phó Giáo sư về Khoa học Chính trị tại Đại học George Mason nhận định, động thái của ông Trump rất khôn ngoan. Vì từ quỹ này, ông có thể bơm tiền để tài trợ những chính trị gia trung thành với mình để tranh cử, tiếp nối tư tưởng chính trị của ông.

Thời gian gần đây, có nhiều thông tin rộ lên, con gái lớn của ông Trump là Ivanka đang chạy đua vào Thượng viện tại Florida.

Thông thường, những tổ chức PAC như “Save America” được lập ra khi các cá nhân, doanh nghiệp, những nhóm lợi ích gom và quyên tiền để ủng hộ các ý tưởng, sáng kiến bỏ phiếu hoặc đạo luật cụ thể, đặc biệt là những ứng cử viên mà họ yêu thích. Theo luật liên bang, một tổ chức sẽ trở thành PAC khi nhận được hoặc chi tiêu hơn 2.600 USD nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử - dữ liệu trích từ Ấn phẩm Thông tin quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho hay.

Nhưng, ông Donald Trump không thể sử dụng phương thức này để trực tiếp gây quỹ tranh cử trong trường hợp muốn tiếp tục tìm đường quay lại Nhà Trắng 4 năm tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.