Tổng thống Philippines chỉ trích “nước Mỹ đã thất thủ”, “cắt đứt quan hệ quốc phòng và kinh tế với Mỹ” |
Nhà Trắng sẽ yêu cầu lời giải thích
Trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày tại Trung Quốc, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chỉ trích “nước Mỹ đã thất thủ”, “cắt đứt quan hệ quốc phòng và kinh tế với Mỹ” mặt khác, ông đề cao “quan hệ Trung Quốc - Philippines - Nga là cách duy nhất” để giải quyết vấn đề trên thế giới. Trước những bình luận này, Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Emily Horne phản ứng: “Liên minh Mỹ- Philippines được xây dựng trên lịch sử 70 năm, là mối quan hệ giữa người dân với người dân bền chặt và chia sẻ rất nhiều lợi ích về an ninh”. Bà dẫn lại mối quan hệ kinh tế giữa hai nước trong đó Mỹ đầu tư hơn 4,7 tỉ USD trực tiếp vào Philippines.
Mềm mỏng, cố nhấn mạnh vào khía cạnh tích cực trong mối quan hệ lâu dài với Philippines là phản ứng thường thấy của giới chức Mỹ với không riêng những bình luận trên mà còn với nhiều chỉ trích mạnh mẽ, mạt sát khác từ phía Philippines với Mỹ trước đó. Song, lần này, Mỹ có chút phản ứng nhanh và mạnh mẽ hơn. Hôm nay (21/10), CNN dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết, Mỹ sẽ yêu cầu một lời giải thích về những bình luận của Tổng thống Philippines về quan hệ giữa hai nước mà Mỹ chưa bao giờ nghĩ sẽ xảy ra. Ông cho rằng những “bình luận này tiếp nối chuỗi nhưng bình luận bạo ngôn khác mà chúng tôi nghĩ nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ mà Mỹ đã có và đang tiếp tục xây dựng với người dân Philippines”.
Cùng ngày, ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á, Thái Bình Dương, trên đường tới Philippines trong chuyến thăm đã được lên kế hoạch từ trước để gặp gỡ với quan chức chính phủ cùng giới trẻ Philippines. Có lẽ tại đây ông Russel sẽ thể hiện quan điểm của Mỹ trước những bình luận vừa qua.
Mỹ không phải nước cờ hiệu quả của Philippines?
Bình luận của ông Duterte không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tổn hại quan hệ Mỹ- Philippines mà còn với quan hệ với Châu Á-Thái Bình Dương, khu vực mà ông Obama từng coi là trụ cột trong tham vọng chiến lược ngoại giao khi đưa Mỹ tiến vào thế kỷ Thái Bình Dương.
Nhận định trước những diễn biến trên, chuyên gia Robert Manning, nghiên cứu sinh cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương e ngại: “Câu hỏi quan trọng đặt ra: Liệu ông Duterte có ngăn chặn Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự của nước này tại Philippines hay không”. Chính quyền ông Obama đã và đang xây dựng sáng kiến an ninh hàng hải với nhiều nước Đông Nam Á trong đó Philippines giữ vai trò chủ chốt, một phần nhằm giúp các nước này đối phó trước áp lực của Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. “Mất các căn cứ quân sự tại Philippines là cú giáng đau nhất” đối với chính quyền Mỹ - ông Manning, từng là quan chức cấp cao tại Hội đồng Tình báo Quốc và Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. Ông kết luận: “Nếu Philippines buông tay mà chúng ta vẫn gắn bó, nó sẽ khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi về toàn bộ cách tiếp cận của Mỹ đối với khu vực này”.
Không chỉ vậy, “nếu Duterte nối lại quan hệ với Trung Quốc về kinh tế, thậm chí cả quân sự sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ căn bản khác trong tương lai của Philippines và quan hệ giữa Mỹ-Philippines” – ông Jamie Metzl, một nghiên cứu sinh cấp cao khác tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận định. Hiện nay, Mỹ và Philippines hoạt động dưới hiệp ước quân sự chung năm 1951 mà ông Duterte khẳng định không có kế hoạch bãi bỏ. Chuyên gia Metzl chỉ ra rằng, nếu ông Duterte muốn bãi bỏ, ông cần phải có sự chấp thuận từ Quốc hội Philippines.
Mặt khác, chuyên gia Sandy Pho, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Wilson có nhận định trái chiều rằng, ông Duterte không bằng lòng với sức mạnh của Mỹ tại Philippines. “Tôi nghĩ, ông Duterte lên nhậm chức Tổng thống với tâm thế đó khi nhận thấy Mỹ không thể tập trung vào một khu vực” mà phân thân cả ra khu vực Trung Đông. Do đó, “nói thẳng ra, ông Duterte nghi ngờ, có lẽ xây dựng quan hệ với Mỹ không phải là nước cờ hiệu qủa nhất” – chuyên gia Pho nhận định
Xem thêm video Tổng thống Philippines lăng mạ Tổng thống Mỹ
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận