Chất lượng sống

“Ông Hai cầu đường” giúp dân xóa hơn 2.000 cầu khỉ

01/06/2018, 06:04

“Ông Hai cầu đường” là tên gọi thân thương của người dân Bến Tre với ông Trịnh Văn Y...

1

Ông Trịnh Văn Y trong một lần khảo sát xây cầu giao thông nông thôn xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, Bến Tre năm 2015 - Ảnh: H.Đ

Sau ngày nghỉ hưu, ông đã dành hết thời gian đi kêu gọi tấm lòng hảo tâm để làm cầu, đường giao thông nông thôn giúp dân đi lại thuận tiện, không phải “lụy đò”. Ông Y vừa được tỉnh Bến Tre tôn vinh là cá nhân tiêu biểu thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ.

Nợ ân tình với dân

Ông Trịnh Văn Y thoát ly gia đình, tham gia cách mạng năm 18 tuổi (1960) làm cán bộ du kích xã, rồi lên huyện đến tỉnh Bến Tre nên thấu hiểu những khó khăn, vất vả trong việc đi lại của người dân nông thôn.

Liên tục từ năm 1992 - 2001, ông Trịnh Văn Y giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre (phụ trách xây dựng). Cuối năm 2001, nghỉ hưu về quê chứng kiến cảnh bà con và người dân phải đi qua những cây cầu khỉ (cầu bắc qua sông bằng cây tre, tràm) rất nguy hiểm, trẻ em bị chết đuối do té sông, lật đò... ông trăn trở tìm mọi cách để xây cầu giúp người dân đi lại được thuận tiện.

Vận động trên 500 tỷ đồng xây dựng cầu đường

Theo thống kê của Sở GTVT tỉnh Bến Tre, suốt 17 năm qua, ông Trịnh Văn Y đã đi khắp các vùng quê hẻo lánh để khảo sát, vận động kinh phí xây dựng xóa cầu khỉ, làm đường GTNT. Tính đến nay, đã vận động trên 500 tỷ đồng, xây dựng hơn 2.000 cây cầu bê tông, 3 cống lớn, trên 75km đường GTNT giúp bà con đi lại thuận tiện hơn.

Ông Trịnh Văn Y được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; ba Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen của UBND tỉnh Bến Tre.

Năm 2017, ông Y được Hội đồng bình chọn cấp Trung ương vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới”. Đặc biệt, năm 2018, ông là cá nhân tiêu biểu của tỉnh Bến Tre được chọn để biểu dương, tôn vinh nhân kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018).

Chúng tôi tìm gặp ông Y khi ông đang tất bật bên chồng hồ sơ, bản vẽ về các cây cầu GTNT mà ông đang lên kinh phí dự toán. Ông Y tâm sự: “Khi còn đương chức, phong trào làm đường, xây cầu đã được tập trung quyết liệt. Tuy nhiên, do tỉnh Bến Tre còn nghèo nên thực hiện chưa được nhiều. Điều đặc biệt của xứ dừa là nhiều ốc đảo lớn, nhỏ bắt buộc phải đi cầu khỉ, đò ngang. Khi nghỉ hưu, tôi nghĩ lại, cảm thấy mình còn nợ ân tình với dân nên tôi quyết tâm vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân xây cầu, làm đường giao thông nông thôn góp phần giúp bà con và các cháu học sinh đi lại, đến trường thuận tiện, an toàn hơn...”.

Từ những trăn trở đó, ông Trịnh Văn Y đã phối hợp với Sở GTVT tỉnh Bến Tre thành lập Hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) Cầu đường Bến Tre và được bầu giữ chức Chủ tịch Hội. Khi mới thành lập năm 2002, Hội KHKT Cầu đường Bến Tre có 43 hội viên nhưng nhờ “tiếng lành đồn xa” và thấy được việc ý nghĩa này, đến nay đã có gần 500 người tham gia. Hội hoạt động với tinh thần tự nguyện đóng góp kinh phí để xây dựng cầu, đường nông thôn cho người dân...

Ông Y cho biết, nhằm giảm chi phí trong xây dựng, ông vận động nhiều cán bộ kỹ thuật giỏi, thành lập Trung tâm Tư vấn, thiết kế để thực hiện nhiệm vụ thiết kế, tư vấn giám sát trong xây dựng cầu, đường theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật.

Ông Y tâm sự, trong quá trình xây dựng cầu, đường vẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông và các thành viên trong hội đều cố gắng vượt qua, đặc biệt vận động người dân hiến đất làm đường, xây cầu. Câu chuyện khiến ông nhớ mãi, đó là năm 2003, sau khi có được thông tin từ cơ sở, ông cùng cán bộ kỹ thuật xuống xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam khảo sát vị trí xây dựng cầu. Mọi công việc diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, đến lúc thi công thì gặp trở ngại. Một hộ gia đình không đồng ý hiến 5 cây dừa đang cho trái, tạo nguồn thu nhập của gia đình. “Trước tình thế khó xử này, tôi cùng các thành viên trong Hội và chính quyền địa phương ra sức giải thích, vận động liên tục nhiều ngày liền. Cuối cùng cũng được các thành viên trong gia đình đồng ý, duy nhất chỉ có bà Nguyễn Thị Năm vẫn chưa thông”, ông Y chia sẻ. Trước tình thế này, ông Trần Văn Quý, chồng bà Năm nói: “Đoàn cứ về, khi nào tôi thuyết phục được bà Năm sẽ thông tin để các anh về đốn dừa thi công cầu”.

3

Ông Trịnh Văn Y với tên gọi rất thân thương “Ông Hai cầu đường”

“5 ngày sau, ông Quý điện thoại kêu tôi xuống và nhớ mang theo cưa để cắt dừa. Nghe điện thoại xong, tôi vui mừng cùng đội thi công cầu xuống ngay nhà ông Quý và được ông Quý thông báo bà Năm đi công việc không có ở nhà nên tranh thủ đốn hạ 5 cây dừa nếu không sẽ bị ngăn cản. Dù trong lòng không muốn nhưng được ông Quý giải thích, yêu cầu chúng tôi cứ đốn, khi bà Năm về mọi việc cũng đã rồi và ông sẽ giải thích và chịu trách nhiệm với bà Năm. Nghe vậy, tôi yên tâm và hối thúc anh em làm nhanh cho kịp”, ông Y chia sẻ.

2

Ông Trịnh Văn Y (người thứ 4 từ trái qua) cắt băng khánh thành cầu tổ 6 - Lộ Giữa, ấp 5B

Xóa cầu khỉ

Từ những cây cầu và những tuyến đường ban đầu, thấy việc làm của ông Y và cộng sự mang lại hiệu quả cao, nhiều tổ chức từ thiện, cá nhân trong và ngoài nước tìm đến tài trợ kinh phí xây dựng cầu, đường nông thôn ở Bến Tre. Trong đó, Quỹ Schmitz (Cộng hòa Liên bang Đức) tài trợ số tiền tương đương 15 tỷ đồng; Ông Toni (Nhà từ thiện người Thụy Sĩ) tài trợ 25 tỷ đồng, xây được 48 cây cầu dây treo đã được đưa vào sử dụng phục vụ đi lại hơn 10 năm nay; bà Trần Thị An Nghiên (Việt kiều Mỹ) giúp 1,8 tỷ đồng xây 6 cây cầu và 8km đường bê tông; Bà Võ Thị Bon (Việt kiều Mỹ) giúp 3,378 tỷ đồng xây 52 cây cầu, 6,5km đường giao thông và 10 căn nhà tình thương…

Theo đánh giá của Sở GTVT tỉnh Bến Tre, cầu khỉ, cầu tạm trên địa bàn tỉnh cơ bản được xóa, thay vào đó là cầu bê tông hoặc cầu thép dây văng. Trong đó, có công của ông Trịnh Văn Y. Hiện tại, ông Y vẫn đang thực hiện công việc bảo trì các công trình giao thông như sửa chữa cầu, lộ phục vụ đi lại an toàn, góp phần phát triển kinh tế và xây dựng xã nông thôn mới đang được nhân rộng trong toàn tỉnh.

Chia sẻ với việc làm của ông Trịnh Văn Y, bà Nguyễn Thị Thơm (75 tuổi, vợ ông Y) cho biết, do ông Y là con một trong gia đình nên mới 18 tuổi, gia đình nhờ người mai mối đến hỏi và cưới bà về làm vợ. Sau khi cưới, ông Y tham gia du kích xã rồi lên huyện, tỉnh cho đến ngày nghỉ hưu. “Tưởng là ông về nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già, nhưng vì cuộc sống và việc đi lại của người dân còn khó khăn nên ông ấy tiếp tục công việc mà ông còn trăn trở. Thấy việc làm có ích cho xóm làng, quê hương và cũng là niềm vui nên tôi cùng 3 đứa con ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để ông hoàn thành tâm niệm”, bà Thơm tâm sự.

Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết: Ông Trịnh Văn Y là gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cấp Trung ương và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2016. Từ đó đến nay, ông là tấm gương tiêu biểu, xuyên suốt với những thành tích xuất sắc trong việc vận động xây dựng cầu, đường nông thôn, góp phần quan trọng giúp người dân thuận lợi trong đi lại, giao thương, từng bước phát triển KT-XH ở địa phương.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết  định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào năm 2009.

Ngoài ra, ông Y cùng với Hội KHKT Cầu đường tỉnh Bến Tre tư vấn kỹ thuật, vận động kinh phí xây dựng gần 200 công trình cầu, đường ở các tỉnh: Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bình Dương, Bình Phước, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nội... Không chỉ làm tốt công tác xã hội, ông Trịnh Văn Y còn là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ông cùng gia đình thực hiện tốt nghĩa vụ công dân khi hiến 500m2 vườn để mở đường mới từ ĐT887 vào trung tâm xã Lương Phú (huyện Giồng Trôm) giúp người dân đi lại thuận tiện và góp phần tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới.

Ở tuổi “Thất thập cổ lai hy”, nhưng ông Trịnh Văn Y vẫn chưa cho phép mình ngơi nghỉ. “Tôi vẫn làm công việc này đến khi nào không còn sức đi được nữa mới thôi...”, ông tâm sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.