Tài chính

Ông lão sửa xe kiếm tiền tỷ nhờ sáng chế “độc”

Chứng kiến nhiều vụ tai nạn xe máy do phanh gấp, ông Nguyễn Vĩnh Sơn đã sáng chế ra thiết bị chống bó bánh khi phanh gấp. Được nhiều người tin dùng, ông kiếm được hàng tỷ đồng mỗi năm.

Giá chỉ bằng 1/130 thị trường

Giảm xóc (phuộc xe máy) là một trong những bộ phận quan trọng không thể thiếu trên xe máy hiện đại. Thiết bị này giúp hạn chế sự giằng xốc khi di chuyển trên các địa hình không bằng phẳng, mang lại ổn định tốt hơn cho lái xe.

Ông lão sửa xe kiếm tiền tỷ nhờ sáng chế “độc”- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Vĩnh Sơn giới thiệu sản phẩm do mình sáng chế.

Tuy nhiên, nó cũng có những hạn chế, khi phanh gấp, xe bị dừng đột ngột, lực quán tính cực đại tác động lên bánh xe, xe không giữ được cân bằng, bánh xe trượt, rê trên đường, dẫn đến tai nạn không mong muốn.

Với kiến thức học được từ ngành thiết kế cơ khí của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức, TP.HCM và từng là lái xe ô tô đường trường, khi hành nghề sửa xe máy, nhiều năm mày mò, ông Nguyễn Vinh Sơn (65 tuổi, chủ cơ sở cơ khí Hồng Phát trên đường Lý Thái Tổ, quận 10, TP.HCM) hiểu được nguyên nhân. Đó là do pít tông nén ép dầu (bên trong giảm xóc) cứng nhắc khiến lực tính không được hấp thu, dẫn đến tác động lực lớn khiến bánh xe bị trượt khi phanh gấp.

Ông mày mò và nghĩ ra cách khoan thêm lỗ vào thân của pít tông, giúp tản dầu. Dầu không bị ép cứng như trước, sẽ giảm lực quán tính, khi phanh gấp xe không bị đẩy trượt mà dừng lại thăng bằng. Ông Sơn cũng sáng chế ra vòng bi cổ xe, giúp cổ xe mềm mại, linh hoạt hơn khi dừng khẩn cấp, tránh được hiện tượng lún ổ bi, rất khó lái.

Những thiết bị do ông Sơn sáng chế không chỉ giúp hành trình lái xe an toàn, mà giá thành rất rẻ, chỉ bằng 1/130 giá các thiết bị thay thế trên thị trường.

Đơn cử, thay một bộ điều khiển chống bó phanh ABS điện đang bán trên thị trường từ 13 - 20 triệu đồng, sản phẩm của ông Sơn chỉ bán 100 nghìn đồng gồm tiền vật tư, công thợ lắp đặt. Vòng bi ông sáng chế, ông cam kết có độ bền gấp 3 - 5 lần sản phẩm bán trên thị trường, sử dụng đến 10 năm không cần bảo trì.

Lấy tính mạng để thử nghiệm

Bộ sản phẩm hữu ích, vừa túi tiền của ông Sơn được nhiều người đón nhận. Là một trong những khách hàng trang bị bộ đôi sản phẩm an toàn cho xe máy, anh Phạm Văn Sửu (luật sư tại TP.HCM) chia sẻ: "Khi phanh gấp, xe dừng chậm lại êm ái, không bị rê sàn như trước. Tôi lắp 4 năm nhưng chưa phải bảo trì, sửa chữa gì".

Ông lão sửa xe kiếm tiền tỷ nhờ sáng chế “độc”- Ảnh 2.

Những thiết bị do ông Sơn sáng chế giúp lái xe an toàn và giá rất rẻ.

Khách hàng Nguyễn Xuân Trường (công an tại quận 6, TP.HCM) cho hay, anh biết tiệm sửa xe của ông Sơn từ lâu và rất tin tưởng: "Tôi cảm nhận xe chạy êm, lái nhẹ. Vì tính chất công việc, xe được sử dụng nhiều, làm việc cao độ nhưng gần như không phải sửa chữa".

Trò chuyện với PV, ông Sơn cho biết, 10 năm nay ông đã lắp các thiết bị do mình sáng chế trên 100.000 chiếc xe. Khách đến lắp ngày một đông, giúp tiệm sửa xe có doanh thu về khoảng 4 tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho gần chục công nhân.

Ông Sơn kể, trước khi đưa vào sử dụng, ông lắp lên chính chiếc xe Exciter của mình và lấy sự an toàn của bản thân để thử nghiệm. Đích thân ông phải chạy xe trong sân đua xe Long An, Đại Nam, Bình Dương với tốc độ 80km/h. Sau khi thành công ở tốc độ 80km/h, ông thuê tay đua chuyên nghiệp chạy ở tốc độ cao hơn để thử nghiệm.

Ông cũng rất mất công khi sáng chế vòng bi cổ xe. Trước tiên, ông nhận thấy có sự bất hợp lý khi kích thước bi của vòng bi cổ xe máy lớn 30mm so với vòng bi ở bánh xe có 10mm, là lại nhanh hỏng. Nhiều năm ông cải tiến với nhiều loại bi khác nhau nhưng không cải thiện được bao nhiêu. Cuối cùng ông nghĩ ra cách, giữ bi tròn như cũ nhưng thay nguyên lý hoạt động viên bi, nhờ đó có độ bền gấp 3 lần thiết kế chính hãng.

Mỗi loại xe có thông số khác nhau, đòi hỏi ông phải lắp đặt thiết bị phù hợp, tương ứng với các thông số kỹ thuật của xe. Ông tỉ mỉ ghi chép lại kinh nghiệm ở từng chiếc xe, làm cơ sở cải tiến sản phẩm mỗi ngày.

Sáng chế có tính đột phá cao

Ông Sơn cũng cho biết, những ngày đầu đưa sản phẩm ra thị trường, ông khá mất công để thuyết phục người sử dụng. Khách hàng đầu tiên lắp giảm xóc và vòng bi cổ xe máy của ông chính là cán bộ của Cục Sở hữu trí tuệ TP.HCM. Để thuyết phục được vị cán bộ này, ông lắp đặt miễn phí và cam kết sử dụng 10 năm, nếu hỏng, ông sẽ tặng xe mới.

Hiện nay, cả 2 sản phẩm của ông Sơn đều có bằng sáng chế của Việt Nam và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO. Bộ sản phẩm này đã đạt giải ba cuộc thi Sáng chế năm 2013 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO), Tổng cục Sở hữu Trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) tổ chức.

Ông Lê Trần Trường An, Tổng giám đốc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, thành viên của Ban giám khảo cho biết, sáng chế của ông Sơn được các chuyên gia nước ngoài đánh giá rất cao.

"Đây là sản phẩm của một người thợ sửa chữa xe máy nhưng lại có tính đột phá, trong khi nhiều hãng xe gắn máy tại Việt Nam chưa tìm ra hạn chế này. Sản phẩm của anh Sơn còn đặc biệt ở chỗ được bắt nguồn từ thực tế, không theo một công thức có sẵn", ông An nói.

Ông Nguyễn Vĩnh Sơn đã mang bộ đôi sản phẩm của mình tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ mùa 5 (tháng 12/2022), kêu gọi số vốn 4,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần và tặng 20% cổ phần nữa cho Shark nào đi cùng với ông cho đến khi ông hoàn thành tâm nguyện là có 10 sản phẩm phụ tùng xe máy theo ý ông.

Đánh giá cao tâm huyết của ông Sơn, Tập đoàn NextTech đã quyết định đầu tư 10 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất hàng loạt và thương mại hóa các sản phẩm của nhà sáng chế này trong các năm tới.

Cũng tại chương trình này, tuy không quyết định đầu tư, nhưng doanh nhân Phạm Thanh Hưng (shark Hưng, từng học Đại học Bách Khoa) đã trải nghiệm sản phẩm và nhận xét: "Tính năng cơ khí của việc phân bổ lực quán tính ở trong ống giảm xóc của xe hoạt động khá ổn. Tôi cảm nhận rất rõ lực văng của xe bớt đi rất nhiều so với xe không lắp thiết bị đó".

Shark Hưng kết luận, ông Sơn đến kêu gọi 4,5 tỷ đồng không phải vì cần tiền mà để tìm người đồng hành. Ông không chốt deal, nhưng có thể đồng hành cùng startup để kết nối với các nhà sản xuất xe hoặc tư vấn cho startup các cách để thương mại hóa.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.