Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng
Chia sẻ với Báo Giao thông, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian còn lại là không nhiều nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định không có tâm lý “chợ chiều” hay “hoàng hôn nhiệm kỳ”, quyết tâm làm việc đến ngày cuối cùng.
Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế
Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã hoàn thành xuất sắc vai trò điều hành đất nước, đáp ứng được sự kỳ vọng, giao phó của Đảng, Quốc hội và nhân dân cả nước trong giai đoạn kinh tế - chính trị toàn cầu, khu vực có nhiều bất ổn. Nhìn lại nhiệm kỳ này, ông thấy dấu ấn nào đậm nét nhất?
Nhiệm kỳ qua, trong quản lý, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn sâu sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình, tranh thủ thời cơ, chủ động biến thách thức thành cơ hội, tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ đã chủ động rà soát, tháo gỡ các “điểm nghẽn” thể chế, kiến thiết các cơ chế, chính sách, pháp luật, khơi thông, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; vừa nhạy bén, quyết liệt chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả nhiều vấn đề phát sinh, vừa tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Nhiệm kỳ qua, chúng ta đã cải cách mạnh mẽ phương thức làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Trong suốt nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, thách thức, nhưng đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật.
Sự thành công của nhiệm kỳ Chính phủ đã tô đậm thêm thành quả 35 năm đổi mới, tạo nguồn lực và động lực mới để tiếp tục đưa đất nước vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững.
Trong ba “điểm nghẽn” mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII nêu ra có vấn đề liên quan đến thể chế. Vậy, “điểm nghẽn” thể chế được tháo gỡ như thế nào trong nhiệm kỳ qua?
Ngay đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu thông điệp quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động để phục vụ người dân, doanh nghiệp và chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế.
5 năm qua, Chính phủ đã trình 107 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 71 dự án. Chính phủ đã ban hành 755 nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 234 quyết định quy phạm pháp luật; trong giai đoạn 2016 - 2021, tính đến ngày 22/3/2021 chỉ còn 14 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa được ban hành (mức thấp nhất từ trước đến nay).
Tôi cho rằng, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV tạo đột phá rất quan trọng về hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Bên cạnh thể chế, cải cách hành chính cũng như tinh gọn bộ máy, biên chế cũng được chú trọng và có nhiều kết quả tốt. Bước vào nhiệm kỳ, ta vẫn nghe câu chuyện sản xuất một cái kẹo sô cô la phải có 13 giấy phép, một mặt hàng chịu sự kiểm soát của 3 đến 4 bộ, hoặc nhiều đơn vị trong một bộ... Đây là rào cản rất lớn.
Chính phủ xác định điểm đột phá đi vào cải cách hành chính, đó là rà soát để cắt giảm những điều kiện kinh doanh, thủ tục được cho là rào cản gia nhập thị trường, làm tăng chi phí và thời gian của doanh nghiệp và người dân.
Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, chúng ta đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục dòng hàng kiểm tra chuyên ngành; tập trung một đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với 1.501 mặt hàng chồng chéo về thẩm quyền…
Theo xếp hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016 - 2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia và xếp thứ 5 trong ASEAN; về năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, giai đoạn 2018 - 2020, Việt Nam tăng 10 bậc, từ 77 lên 67/141 quốc gia.
Quyết liệt gỡ “điểm nghẽn” hạ tầng giao thông
Một trong những thành tựu quan trọng nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021 đạt được là xây dựng Chính phủ điện tử. Ông từng nhiều lần nhấn mạnh rằng xây dựng Chính phủ điện tử thì điều quan trọng nhất là phải dám bỏ quyền lợi riêng, cục bộ. Vấn đề này đến nay có sự chuyển biến như thế nào?
Tôi lấy ví dụ, Nghị định 38 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm cắt bỏ khoảng 95% điều kiện, thủ tục hành chính nhưng chúng ta vẫn kiểm soát tốt hàng hóa nhập khẩu, vẫn đảm bảo những thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật chứ không phải dỡ bỏ, mở toang mà không có sự kiểm soát.
Chúng ta phải có quyết tâm cao để cắt giảm thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, hồ sơ giấy đã tạo nhiều rào cản cho người dân và doanh nghiệp.
Xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp là quan điểm ngay từ đầu nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số thì người dân không phải đến cơ quan hành chính Nhà nước rồi tiếp xúc với cán bộ thi hành công vụ. Từ đó, giảm được chi phí chính thức và phi chính thức, tạo dựng sự minh bạch, hạn chế “tham nhũng vặt”. Điều này mang lại tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, hướng tới lợi ích chung cho đất nước.
Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,8%, trong đó năm 2018 và 2019, Chính phủ đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao.
Riêng năm 2020, mặc dù gặp tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ nhưng Chính phủ đã hoàn thành 10/12 chỉ tiêu Quốc hội giao và thực hiện thành công “mục tiêu kép”; tăng trưởng năm 2020 ước đạt 2,91%, là một trong 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới; quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng
Trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay, thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực vẫn được xác định là ba đột phá chiến lược. Thời gian tới, Chính phủ sẽ có những giải pháp nào để tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông?
Đối với điểm nghẽn hạ tầng thì hạ tầng giao thông là vấn đề đặc biệt quan trọng cần phải tiếp tục quyết liệt tháo gỡ. Nếu không đảm bảo việc lưu thông tốt sẽ gia tăng chi phí, đặc biệt khi chúng ta đang đẩy mạnh các dịch vụ logistics, đi sâu vào chuỗi cung - cầu khép kín toàn cầu.
Chính vì vậy, việc thúc đẩy hạ tầng giao thông với nhiều loại hình đường bộ, đường biển, hàng không, đường sắt, đường thủy là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Trên cơ sở Luật Quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan Trung ương, địa phương hoàn thiện các quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia, quy hoạch vùng, địa phương.
Hiện, chúng ta đang triển khai quyết liệt quy hoạch tổng thể giao thông quốc gia, sân bay quốc gia, cảng biển quốc gia. Từ những quy hoạch đó cần phải sắp xếp ưu tiên, xem xét đánh giá, báo cáo Quốc hội để thực hiện đầu tư công. Những dự án có thể huy động nguồn lực bên ngoài sẽ tạo điều kiện cho tư nhân đầu tư.
Với những biện pháp cụ thể mang tính đột phá, chắc chắn nhiệm kỳ tới hạ tầng giao thông Việt Nam sẽ hoàn thiện, đi trước một bước, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Không có tâm lý “chợ chiều” hay “hoàng hôn nhiệm kỳ”
Tại Kỳ họp 11 Quốc hội Khóa XIV sẽ kiện toàn các chức danh lãnh đạo bộ máy Nhà nước. Việc bàn giao nhiệm vụ sau khi Quốc hội kiện toàn Chính phủ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Kiện toàn các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước sau Đại hội Đảng toàn quốc là việc được tiến hành từng bước theo quy định của Đảng và Hiến pháp, pháp luật.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/3 đã nhấn mạnh tinh thần là “đảm bảo tốt nhất” cho việc bàn giao nhiệm vụ. Thời gian còn lại là không nhiều nhưng Thủ tướng khẳng định không có tâm lý “chợ chiều” hay “hoàng hôn nhiệm kỳ”, quyết tâm làm việc đến ngày cuối cùng.
Như tôi đã nêu trên, số văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa được ban hành của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 là 14 văn bản và Chính phủ đang phấn đấu để đến khi kết thúc Kỳ họp 11 của Quốc hội Khóa XIV sẽ giảm số văn bản quy định chi tiết nợ đọng này đến mức thấp nhất.
Điều này thể hiện sự quan tâm rất cao của Chính phủ đến vấn đề xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo tiền đề vững chắc cho việc triển khai, thực hiện Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới theo đúng Nghị quyết Đại hội Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận